Tác phẩm và dư luận

8/8
9:11 AM 2018

ĐÂU LÀ PHẨM CHẤT CỦA MỘT NHÀ THƠ LỚN?

NGUYỄN THANH TÂM-Ở “chốn nước non lặng lẽ này” (Hoài Thanh), dường như, ai cũng có thể làm thơ. Thực trạng người người làm thơ khiến thơ bị “rớt giá” thảm hại. Những lo âu về khủng hoảng thơ, thơ dở, người đọc quay lưng với thơ, cùng những câu ca dao hiện đại như Đương chức mỗi người một ngành/ Về hưu tất cả bỗng thành nhà thơ, Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Nói gì thì nói xin đừng đọc thơ… đã khiến thơ ca trở thành câu chuyện để bông đùa tầm phào hay mang ra để chế giễu.

 Thơ bỗng thành một cái cớ để người ta xem thường nhau, trong khi, lẽ ra thơ phải đứng ở hàng đầu trong thang bậc các loại thể, loại hình sáng tạo nghệ thuật. Cứ cho rằng, 90% thơ ở ta là “thứ nộm nhạt phèo”, tầm câu lạc bộ, và nếu thế thật, việc lọc bỏ phần trăm đó khỏi sự quan tâm của công chúng cũng không có gì phải đắn đo. Chỉ xin nói đến phần còn lại, nghĩa là khoảng trên dưới 10% những tác giả, tác phẩm có thể xứng đáng được gọi là thi sĩ, thi phẩm. Nhưng, ngay tại đó, không chỉ có hoài nghi, mà chính những tác phẩm đã được khẳng định, là những thi phẩm thực sự, tác giả của nó là những thi sĩ đích thực, câu hỏi làm sao để nhà thơ trở thành nhà thơ lớn, trở thành dấu mốc không thể không nhắc đến trong lịch sử thơ ca dân tộc, vẫn được đặt ra. Câu hỏi đó buộc chúng ta phải tư duy về cái cách mà người ta đã trở thành thi sĩ cũng như chiến lược hiện diện, tạo dựng giá trị của nhà thơ.

Có một thực tế, ngay cả những nhà thơ có tiếng, được đông đảo bạn đọc biết đến ở ta, dường như họ chưa bao giờ tự đặt ra cho mình câu hỏi: Tập thơ này của mình hướng đến điều gì? Con đường thơ ca của mình sẽ đi ra sao? Đời thơ của một thi sĩ rốt cuộc đem lại giá trị cốt lõi gì cho đời sống tinh thần của con người, cho mĩ học thơ ca và cho lịch sử nghệ thuật? Phần lớn, như chúng ta thấy, thơ vẫn ra đời trong trạng thái xúc cảm bột phát nhân sự kiện, hoàn cảnh nào đó mà nhà thơ bắt gặp, lâm vào. Cơ chế này tạo ra hình thái ngâm vịnh, biểu tả nổi bật của thơ, khiến cho thơ là một môi trường của sự tản mạn, vụn vặt, rời rạc hay nông cạn. Trong rất nhiều sự chán chường, có cái chán chường khi gặp phải những bài thơ dở, những nhà thơ không biết mình không thể làm thơ (vấn đề đạo đức, luân lí, sự tự tri của chủ thể sáng tạo chúng tôi đã có loạt bài viết trên một diễn đàn khác). Nhưng, dù có gặp bài thơ hay trong một tập thơ rời rạc, không có bố cục, cấu trúc, không có tư tưởng chủ đạo, ý tưởng mang tính chỉnh thể nghệ thuật, ta vẫn buồn vì sự hời hợt, thậm chí là kém cỏi của nhà thơ. Tập thơ không phải là một sự ki cóp góp nhặt sau một thời gian sáng tác. Đó là một công trình mà nhà thơ là người thiết kế, kiến tạo. Thậm chí, phải xem tập thơ là một sinh thể mà tư tưởng thẩm mĩ xuyên suốt là linh hồn duy trì sự sống của nó. Ý tưởng của tập thơ phải được kết tinh, xâu chuỗi từ mỗi bài. Mỗi bài thơ có vị trí riêng của nó trong tập, hướng đến hay làm hiện lên tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Một tập, hai tập, nhiều tập, một đời thơ cũng như thế. Nghĩa là, nhà thơ phải luôn ý thức được giá trị thẩm mĩ, tư tưởng nghệ thuật, tư tưởng nhân sinh để vận hành cỗ máy sáng tạo của mình. Thơ bởi thế, dù là thiên về xúc cảm, dù ưu tiên cho “trái tim”, loại trừ logic lí trí nhưng đâu phải là sự tùy tiện. Sự tùy tiện (mà nguyên nhân chính từ việc không có tư duy chiến lược về sáng tạo nghệ thuật, không ưu tư về các hệ giá trị và định hướng phát triển) dẫn đến mặt bằng chung ngâm vịnh, biểu tả như ta đang thấy khá phổ biến trong đời sống thơ ca hiện nay. Hậu quả của nó, dù bất nhẫn nhưng cũng phải thừa nhận, đã tạo ra những thứ làng nhàng trong thơ. Thơ đang tự hại mình, đang tự rẻ rúng mình bởi những sự làng nhàng như vậy. Cách đây gần bốn mươi năm, trong cuốn sách Nhà văn, tư tưởng và phong cách, khi bàn về tư tưởng nghệ thuật, Nguyễn Đăng Mạnh quan niệm các yếu tố sau đây là nền tảng căn bản để hình thành nhà văn lớn: tư tưởng lớn, tâm hồn lớn; tài năng nghệ thuật lớn; có đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy tiến trình văn học. Quan điểm của Nguyễn Đăng Mạnh đã nêu lên được những điểm có tính chất trọng yếu (dù chưa thực sự kín kẽ hay toàn diện) để một chủ thể sáng tạo - nhà văn trở thành nhà văn lớn. Nếu cứ lấy những “điểm hội tụ” đó để soi chiếu cái nhìn vào văn chương đương đại nói chung và thơ nói riêng, thật khó để có thể đếm hết trên một bàn tay, ai là thi sĩ có tư tưởng lớn, tâm hồn lớn, tài năng lớn và đóng góp lớn vào tiến trình văn học. Lịch sử văn chương Việt Nam vẫn phải nhắc lại Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến hoặc gần hơn nữa như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Đinh Hùng,… bởi chính tư tưởng nghệ thuật, những giá trị mang tầm vóc mà họ đóng góp vào diễn trình văn chương dân tộc. Không biết có nhà thơ đương đại nào nghĩ đến việc, mai đây, chẳng phải “tam bách dư niên hậu”, chỉ đôi ba chục năm nữa, thiên hạ ai người nhắc đến ta? 

Việc có ý thức về chiến lược sáng tạo cũng như để tâm - ý cấu trúc tác phẩm theo một trục thẩm mĩ xuyên suốt trong tập thơ, đời thơ là rất quan trọng. Tuy nhiên, chừng ấy chưa làm cho một nhà thơ trở thành tác gia quan trọng của lịch sử thơ ca, mĩ học. Tài năng chính là cơ sở đầu tiên, quan trọng nhất, đương nhiên. Nhưng, có tài năng cũng chưa chắc trở thành thi sĩ lớn. Tài năng đó cần được tu dưỡng, cần được rèn luyện và bồi trúc trong quá trình sống trải, học tập, nghiên cứu, thể nghiệm không ngừng. Năng khiếu thơ ca cần phải được phát triển trên cái nền của “văn hóa thơ”. Nhà thơ lớn chắc chắn ngoài tài năng cần phải có một văn hóa thơ sâu, rộng. Văn hóa thơ là khái niệm mà nhà phê bình Chu Văn Sơn đưa ra trong khá nhiều lần tôi có dịp trò chuyện cùng với ông. Tôi cho rằng, quan niệm đó là chính xác. Bởi lẽ, nếu không có văn hóa thơ, cảm xúc, tài năng dễ rơi vào vụn vặt và có thể sẽ bị tắt lụi. Văn hóa thơ giúp định hướng, duy trì, khơi sâu cảm xúc, định hình tư tưởng nhân sinh, nghệ thuật của nhà thơ. Nguyễn Bính ít học ở trường lớp nhưng văn hóa thơ của ông vẫn sâu rộng, giàu có vì ông sống trải một cách sâu sắc với dân gian. Căn nền văn hóa của ông là văn hóa dân gian. Từ căn cốt ấy, trong một nỗi ám ảnh, day dứt và đau đớn khôn nguôi, Nguyễn Bính vượt lên để trở thành thi sĩ đồng quê hàng đầu trong lịch sử thơ ca Việt Nam (hãy nhìn sang Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Nguyễn Nhược Pháp,… để thấy tại sao Nguyễn Bính trở thành thi sĩ lớn, vượt lên những tác giả khác cùng trường phái, khuynh hướng). Không ai nghi ngờ tài năng của Nguyễn Bính, nhưng tài năng đó trở nên vĩ đại bởi vốn văn hóa dân gian luôn cuộn trào, dâng tỏa, thôi thúc đến mức đau đớn, bật máu trong tâm hồn Nguyễn Bính. Những người đi sau như Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ, Đỗ Trọng Khơi,… dẫu có trăn trở, thao thiết với nẻo quê vẫn không thoát khỏi cái bóng trùm phủ của Nguyễn Bính. Nhắc đến thơ về nông thôn, làng cảnh, kẻ đã gọi ra cái hồn vía quê làng trong thơ, thi sĩ đầu tiên phải điểm danh chính là Nguyễn Bính.

Trở lại với thơ Việt Nam đương đại, câu chuyện văn hóa thơ có thể đặt ra cho bất kì người làm thơ nào, và đáp án có thể hình dung trước được. Việc phải am tường lịch sử mĩ học, tiến trình thơ ca Việt Nam, rộng ra là thơ ca thế giới, biết được các khuynh hướng, trường phái, các chủ nghĩa, nắm được từng bước đi của mĩ học thơ ca quả là điều không dễ dàng gì, với tất cả chúng ta. Nhưng ý thức học tập, nghiên cứu là điều nên có ở một nhà thơ lớn (hướng đến những sáng tạo lớn). Dĩ nhiên, người am hiểu có thể không phải là nhà thơ, nhưng nhà thơ lớn thì không thể không am tường các dòng chảy của lịch sử thơ ca, mĩ học, tư tưởng. Tài năng lớn cộng với một văn hóa thơ sâu dày chính là cơ sở cho một hành trình thơ ca đầy hứa hẹn.

Thơ ca đương đại cần/ đã rời bỏ những yếu tố bản năng. Đúng hơn, bản năng không quyết định tất cả nữa. Thơ là thể loại hướng tới cái chủ quan của bản thể, nhưng nếu chỉ lợi dụng bản năng, đào sâu, ăn bám vào bản năng sẽ chỉ đem đến những trình hiện đầy xa lạ. Vẫn là bản năng sống và năng lực hiện hữu của cá thể nhưng phải gắn vào các đặc tính phổ quát của con người - loài người, trên căn nền của văn hóa thơ rộng sâu và tài năng thiên phú, thi sĩ lớn mới có hi vọng ra đời. Câu chuyện đó, nói thì dễ, nhưng để thực hiện được, để có thể “cất bước” xem ra cũng rất khó khăn - chưa nói chuyện có thành công hay không. Dẫu sao, từ quan sát của một người đọc, việc nêu lên ý kiến của mình, với tôi, cũng như là một lần được bộc bạch, với niềm hi vọng về những thành quả tốt đẹp hơn ở phía trước.
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *