Tác phẩm chọn lọc

22/4
2:41 PM 2016

TRANG THƠ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4

Vanvn.net - Nhân dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4, chúng tôi trân trọng giới thiệu chùm thơ của các nhà thơ: Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hữu Quý về đề tài chiến tranh - người lính, tình yêu đất nước, quê hương và biển đảo.

ảnh Internet

Hữu Thỉnh

 

BỮA CƠM CHIỀU TRONG DINH ĐỘC LẬP

Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện 
Rau muống xanh như hái tự ao nhà 
Trời còn đầy ắp hoa và pháo 
Nhìn nhau chưa vội mở vung ra 

Màu xanh - sân cỏ xanh mải miết 
Quây quần đồng đội đến vui chung 
Hàng cây so đũa cùng ta đó 
Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng 

Khách thường: Thường mấy anh nhà báo 
Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày 
Sáng chiếm núi Bông, chiều cửa Thuận 
Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây 

Tăng vẫn dàn theo hình chiến đấu 
Xích còn vương đất đỏ Phan Rang 
Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận 
Chia thêm tổng-thống-ngụy-đầu-hàng 

Kìa gắp đi anh, ai nấy giục 
Có gắp chi đâu, mải ngắm trời 
Tự do xanh quá, mênh mông quá 
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi 

Bỏ lại đằng sau bao trận đánh 
Kịp vào thành phố sáng tên Người 
Độc lập theo tăng vào cổng chính 
Cờ treo trên đỉnh nước non ơi! 

Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm 
Ta reo trời đất cũng reo cùng 
Ta no cười nói, say đôi mắt 
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông

 

PHAN THIẾT CÓ ANH TÔI

Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ 
Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ 
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi 

Chính ở đây anh thấy biển lần đầu 
Qua cửa hầm 
Sau những ngày vượt dốc 
Biển thì rộng căn hầm quá chật 
Khẽ trở mình cát đổ trắng hai vai 

Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi 
Tim anh đập không sao ghìm lại được 
Gió nồng nàn hơi nước 
Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi 
 

Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya 
Những người lính mở đường đi lấy nước 
Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp 
Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi 
Biển ùa ra xoắn lấy mọi người 
Vì yêu biển mà họ thành sơ hở 
Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ 
Mất chỉ còn cách nước một vài gang 

Anh ở đây mà em mãi đi tìm 
Em hy vọng để lấy đà vượt dốc 
Tân Cảnh 
Sà Thầy 
Đắt Pét 
Đắc Tô 
 

Em đã qua những cơn sốt anh qua 
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp 
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết 
Em một mình đứng khóc ở sau xe 

Cánh rừng còn kia trận mạc còn kia 
Vài bước nữa thì tới đường số Một 
Vài bước nữa 
Thế mà 
Không thể khác 
Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi 

Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì 
Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng 
Anh chưa biết đã tan cơn báo động 
Chưa biết tin nhà không nhận ra em. 
Không nằm trong nghĩa trang 
Anh ở với đồi anh xanh vào cỏ 

Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình 
Đồi ở đây cũng là con của mẹ 

Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em 
 

Tiếng còi xe Phan Thiết bước vào đêm 
Đèn thành phố soi người đi câu cá 
Anh không ngủ người đi câu không ngủ 
Biển đêm đêm trò chuyện với hai người 
 

Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi


XUÂN 1975

Các chiến sĩ đã lắc đầy bao gạo 
Ngồi chia nhau một điếu thuốc rê 
Cánh tay họ còn dính đầy bụi cám 
Khói cứ là, cứ bổng, cứ như không 

Nào ai biết mai họ còn hút thuốc 
Cũng có thể anh giỏi toán kia sẽ thành một anh hùng 
Trong trận tiến công Ban Mê Thuột 
Cũng có thể anh bị mù hai mắt 
Sau cái giật nụ xòe lợi hại của anh 
Và xạ thủ trung liên 
Anh đâu biết có ngày nhịn ăn cắt rừng xuyên lộ 7 
Chiếm điểm cao 
Xô đá 
Chặn đoàn xe 
Cũng có thể chỉ một cơn ác tính 
Sau một cái rùng mình và cứ thế ra đi 
Không thể biết dù rất nhiều linh cảm 
Đất chiến trường mau ướt lại mau khô 
Nhưng không sao, điều đó chẳng sao đâu 
Các chiến sĩ quen nghĩ bằng trận đánh 
Quen hy sinh, quen đột biến từng giờ 
Họ làm nên những chiến trường giông bão 
Cũng là nơi yên tâm nhất của thơ 
Cứ nhìn cách họ ngồi hút thuốc 
Ta bỗng thấy mình nhẹ bớt 
Như dòng sông để sỏi lại bên bờ 
Hối hả đổ về bến bãi 

Hoa bung biêng ơi, con lắc của mùa xuân 
Rừng không ngủ vì những hồi gõ tím.

 

ảnh Internet

Phạm Tiến Duật

 

LỬA ĐÈN

I - ĐÈN 

Anh cùng em sang bên kia cầu 
Nơi có những miền quê yên ả 
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá 
Quả cây chín đỏ hoe 
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu 
Trỏ lối sang mùa hè, 
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu 
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu, 
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu 
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng... 
Mạch đất ta dồi dào sức sống 
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương 
Chúng nó đến từ bên kia biển 
Rủ nhau bay như lũ ma trơi 
Từ trên trời bảy trăm mét 
Thấy que diêm sáng mặt người 
Một nghìn mét từ trên trời 
Nhìn thấy ngọn đèn dầu nhỏ bé 
Tám nghìn mét 
Thấy ánh lửa đèn hàn chớp loé 
Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao 
Chúng lao xuống nơi nao 
Loé ánh lửa, 
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa. 
Trên đất nước đêm đêm 
Sáng những ngọn đèn 
Mang lửa từ nghìn năm về trước, 
Lấy từ thuở hoang sơ, 
Giữ qua đời này đời khác 
Vùi trong tro trấu nhà ta. 
Ôi ngọn lửa đèn 
Có nửa cuộc đời ta trong ấy! 
Giặc muốn cướp đi 
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy 


II - TẮT LỬA 

Anh cùng em sang bên kia cầu 
Nơi có những miền quê yên ả 
Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá 
Không nhìn thấy gì đâu 
Bóng tối che rồi 
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi 
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói 
Bông hoa làm duyên phải luỵ hương bay... 
Bóng tối phủ dày 
Che mắt địch 
Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích 
Kéo pháo lên trận địa đồng cao 
Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu 
Đấy là đuôi khẩu pháo 
Tiếng anh đo xa điểm đều 
Vang ở đâu, đấy là giữa điểm đồ 
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ôtô, 
Những đoàn xe đi như không bao giờ hết, 
chiếc sau nối chiếc trước ì ầm 
Như đàn con trẻ chơi u chơi âm 
Đứa này nối hơi đứa khác. 

Nơi tắt lửa là nơi dài tiêng hát 
Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường; 
Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét 
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương 
Đêm tắt lửa trên đường 
Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch 
Là tiếng những đoàn quân xung kích 
Đi qua. 
Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra 
Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút 
Bóng tối dâng đầy toả ngợp bao la, 
Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch 
Bóng đêm ở Việt Nam 
Là khoảng tối giữa hai màn kịch 
Chứa bao điều thay đổi lớn lao, 

Bóng đêm che rồi không nhìn thấy gì đâu 
Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ. 


III - THẮP ĐÈN 

Anh cùng em sang bên kia cầu 
Nơi có những miền quê yên ả 
Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá 
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên 
Chiếc đèn chui vào ống nứa 
Cho em thơ đi học ban đêm, 
chiếc đèn chui vao lòng trái núi 
Cho xưởng máy thay ca vời vợi, 
Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn 
Cho những tốp trai làng đọc lá thư thăm 

Ta Thắp đèn lên trên đỉnh núi 
Gọi quân thù đem bom đến dội 
Cho đá lở đá lăn 
Lấy đá xây cầu, lấy đá sửa đường tàu 
Ta bật đèn pha ôtô trong chớp loè ánh đạn 
Rồi tắt đèn quay xe 
Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi... 
Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng 
Anh dắt tay em, trời chi chit sao giăng 
"Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm" 
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh 
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh 
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình 

Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp 
Mang hình những người những cảnh hôm nay 
Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối 
Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.


1967 

(Ghi chú của tác giả: Hồi cuối năm 1966 tại Tây Bắc, tôi (PTD) đã có mấy tháng là pháo thủ pháo cao xạ (tiểu đoàn 24 trực thuộc Quân khu). Ấy thế mà còn viết nhầm. Do khi viết cứ mê đi, mụ đi mà nhầm. Ấy là dòng này "Tiếng anh đo xa điểm đều như đếm nhịp chày giã gạo". Những dòng trên đã cho thấy pháo đây là pháo tầm thấp. Ban đêm làm sao dùng được máy đo xa bằng mắt thường. Nhưng thôi, không sửa. Đã là cuộc đời thì hẳn có tì vết) 

 

ảnh Internet

Nguyễn Đức Mậu

 

NGÀY 30 THÁNG 4

Áo còn vương bụi đỏ Trường Sơn 
Sư đoàn vào thành phố 
Giữa chói ngợp bao màu sắc lạ 
Mũ lá sen xanh một khoảng rừng 
Vào thành phố: những người thắng trận 
Một mảng trời bén lửa sau lưng 
Khuôn mặt đường xa 
Chưa xoá dấu nhọc nhằn 

Ngày 30 tháng 4 
Sáng chúng tôi dồn đạn vào nòng 
Chiều xanh trời ngẩng mặt đón trời xanh 
Hoà bình và chiến tranh 
Cách nhau bằng nấc đạn 
Súng đã khoá an toàn 
Sân bay giặc bùng lên luồng khói xám 
Ngày thành phố trằn vai cơn bão lớn 
Ngày pháo hoa đan kín vòm trời 
Ngày đạn bắn chuyển rung mặt đất 
Ngày súng đạn trên tay thảnh thơi 

Từ cánh hoa đào tới cánh hoa mai 
Hai miền đất vẹn tròn sum họp 
Đàn bầu hãy rung lên trong suốt 
Câu nhớ, câu thương, câu đợi, cầu chờ 
Giọt buồn tan ra 
Giọt vui lắng lại 
Dây đàn chăng vào trời cao bao la 
Cho âm thanh sao rơi mặt đất 
Triệu người nghe 
Khúc hát bây giờ 

Này rừng xanh màu áo chiến khu 
Này quần đảo chuỗi cườm xinh biển cả 
Vòm trời rộng bay nhiều mây trắng xoá 
Những đàn chim không biết tự đâu về 
Trăm giọng hót ngày hoà bình vui lạ 
Có phải chim từ nơi súng nổ bay ra 
Tôi cứ nghĩ đàn chim ở tay người cầm súng 
Trải tin vui suốt dải đất hai miền 

Trăng trên trời rơi xuống buổi đoàn viên 
Rơi xuống mái nhà chống Nam, vợ Bắc 
Đây mặt đất mùa hè thay áo khoác 
Pháo hoa bay lên nước mắt, nụ cười 
Tiếng trống vỗ như mở đầu, kết thúc 
Hoà bình về 
Cuộc chiến tranh qua 

Hoà bình về 
trên mái tóc người cha 
Và tiếng khóc oa oa thơ bé 
Người lửa cháy suốt thời trai trẻ 
Kẻ chào đời tiếng súng đã lặng câm 
Hai lứa tuổi cách nhau một nhịp cầu 
Một cuộc hành quân nắng dãi mưa dầm... 

Sư đoàn tôi vừa đi qua chiến tranh 
Hoà bình đến trên bàn tay lắp đạn 
Hái một trái sầu riêng đang độ chín 
Cây sum sê dâng hết ngọt ngào 
Chiến tranh có từ hồi gieo hạt 
Ngày hoà bình 
Trái chín nặng vòm cao 
Vai áo anh còn vết máu bạn bè 
Vai áo tôi khét nồng thuốc đạn 
Xin đặt vòng hoa: thắp nén hương tưởng niệm 
Có khoảng trời xanh dưới đất nâu 
Môt vuông đất: kẻ nằm, người đứng 
Nhưng hoà bình từ nay về ta 

Đôi giày dã chiến, đôi dép cao su 
Chúng tôi đi 
Bước đồng bằng, bước biển 
Bước núi đồi 
Bước biên giới rừng xanh 
Không đếm hết dấu chân dừng lại dọc đường 

Thành dòng chữ gọi người đang sống 
Chúng tôi đi tời ngày toàn thắng 
Cánh tay người lính 
Đã mọc thành cờ 
Trời xanh sáng ngời 
Gương mặt tự do 

Ngày 30 tháng 4 
Tôi cùng anh chung phút giờ hồi tưởng 
Mua bao thuốc Ru-bi mời bè bạn 
Võng đung đưa 
Nhà gác sáng đèn 
Hạnh phúc lớn lao của đời người lính 
Sau tháng năm xa phố, ở rừng

 

MỘT VỊ TƯỚNG VỀ HƯU

(Tặng Nguyễn Chuông và những người anh ở Sư đoàn cũ) 

Thôi, đã dứt đường binh nghiệp 
Tuổi hưu rồi bác ở quê 
Chạnh nhớ bạn bè thuở trước 
Cùng đi có đứa không về 

Người vợ tuổi già như bác 
Miếng trầu nhai dập chiều mưa 
Hồi son trẻ xa nhau mãi 
Giờ thương biết mấy cho vừa 

Huân chương xếp vào góc tủ 
Nay hàm tướng tá mà chi 
Tuổi già công danh xem nhẹ 
Cuộc đời như nước trôi đi 

Thuở trước bạn cùng súng đạn 
Nay khuây hàng xóm bạn già 
Bao dốc bao rừng đã vượt 
Lối mòn quanh quẩn vào ra 

Ngày đi khuất bóng mẹ cha 
Ngày về sửa sang mộ cũ 
Âm thầm một tấc đất sâu 
Hương khói tỏ mờ mầu cỏ 

Ngôi nhà nắng mưa vẫn đó 
Ðàn con mỗi đứa một nơi 
Nếu không có trẻ hàng xóm 
Tuổi già hẳn nhiều đơn côi 

Những đêm gió thổi buốt trời 
Vết thương cũ còn đau nhức 
Ôi sư đoàn xưa giờ đâu 
Người cũ, ai còn, ai mất? 

Về hưu giờ thôi quyền chức 
Ai người nhớ bác lại chơi 
Ai kẻ xa lòng, tránh mặt 
Niềm riêng một mảnh trăng trời...

 

BẢY VẦNG TRĂNG KHUYẾT

Binh trạm Trường Sơn năm Sáu chín 
Có bảy người con gái trúng bom 
Đám tang họ không ai đưa tiễn 
Giữa rừng chiều ngổn ngang núi non 

Những khuôn mặt lấm lem không bàn tay vuốt mắt 
Bảy chàng trai của các cô đâu ? 
Bảy chàng trai năm chiến tranh khốc liệt 
Sao biết được người yêu mình đã chết ? 

Không tiếng mẹ gọi tên con khản giọng 
Tên các cô lạc vào hoa, hoa cũng nát nhàu 
Da thịt các cô lẫn vào da thịt đất 
Người chết và người chết tiễn đưa nhau 

Bảy chàng trai là ai, ai biết ? 
Nhưng chắc hẳn là có bảy chàng trai 
Nếu không chiến tranh, họ đã thành đôi lứa 
Như bao lứa đôi hạnh phúc trên đời 

Bảy cô gái, bảy vùng quê xa lắm 
Hố bom vùi hoá nấm mồ chung 
Các cô chết giữa vùng đất chết 
Cành cây cháy đen như bàn tay chới với của rừng 

Những lá thư tình, những manh áo mới 
Bảy cô gái chết rồi chẳng kịp mang đi 
Chết tuổi đang yêu, chết còn quá trẻ 
Tuổi mộng mơ không kịp trối trăn gì 

Đám tang vắng bảy chàng trai ấy 
Vắng trắng hoa rừng, vắng nước mắt ngày ngâu 
Bảy cuộc chiến tranh, bảy vầng trăng khuyết 
Một nấm mồ chìm khuất giữa rừng sâu ...

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh Internet)

Anh Ngọc

VỊ TƯỚNG GIÀ

(Kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp) 

Những đối thủ của ông đã chết từ lâu 
Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa 
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa 
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình 

Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh 
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy 
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy 
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù 

Trong góc vườn mùa thu 
Cây lá cũng như ông lặng lẽ 
Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ 
Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây 

Ông ra đi 
Và... 
Ông đã về đây 
Đời là cuộc hành trình khép kín 
Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến 
Là một trời nhớ nhớ với quên quên 

Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên 
Cõi nhân thế mây bay và gió thổi 
Bầy ngựa chiến đã chân chồn, gối mỏi 
Đi về miền cát bụi phía trời xa 

Ru giấc mơ của vị tướng già 
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở 
Một chân ông đã đặt vào lịch sử 
Một chân còn vương vấn với mùa thu.


(Bài thơ này được viết năm 1994 sau khi tác giả cùng các nhà văn quân đội vào ngôi nhà 30 phố Hoàng Diệu thăm Đại tướng nhân kỷ niệm 50 năm thành lập quân đội)

 

MÙA MƯA ANH SẼ VỀ

Mùa mưa anh sẽ về 
Ai gọi hoài trong gió 
Ngôi sao Hôm vừa tỏ 
Bòng trên vai lên đường 

Xa xanh chiều quê hương 
Trời Cực Nam nắng trở 
Cái vạch sơn đạn lửa 
Cháy bùng lên mùa khô 

Lắc lư chiếc xe thồ 
Dốc Bù Du nghiêng ngả 
Dáng núi ngồi vất vả 
Nhọc nhằn ôm bóng em 
Cách nhau một khoảng đêm 
Vươn tay dường nắm được 
Đồng Nai nửa con nước 
Đã rụng đầy lá tre 

Mùa mưa anh sẽ về 
Cửa rừng con cuốc gọi 
Bàn tay nào biết nói 
Cần xe thồ rung rung 

Mặt đèo đêm vượt cung 
Lầm lì hòn đá hộc 
Mảnh trăng liềm đỉnh dốc 
Hai phía đường chia soi 

Mỗi đứa một phương trời 
Mùa khô nằm ở giữa 
Một đồn thù bốc lửa 
Nối hai đầu tiếng ve 
Mùa mưa anh sẽ về 
Họng súng còn nóng bỏng 
Mùa mưa anh sẽ về 
Gối đầu lên cánh võng 
Vầng trán chiều mơ mộng 
Rừng le nghe gió se 

Mùa mưa anh sẽ về 

Cho mặt suối thành gương 
Soi mặt người chiến thắng 
Cho mắt em đầy nắng 
Cho hồn anh đầy em.


SÀI GÒN ĐÊM GIAO HƯỞNG

Chúng tôi là một mảng màu xanh 
Trong rực rỡ bức tranh Sài Gòn đêm giao hưởng 
Đôi dép lốp bước lên thềm Nhà hát lớn 
Để rơi mấy hạt bụi đường trường 

Cuộc trường kỳ giành lại quê hương 
Trả chúng tôi về với tuổi thơ và kỷ niệm 
Bỗng  trẻ lại trong mắt nhìn lưu luyến 
Thoáng nét ngậm ngùi êm dịu phút đoàn viên 

Cây đũa thần, nhạc trưởng đã giơ lên 
Những khoảng trống lặng im bỗng bừng lên âm nhạc 
Đến ve vuốt lòng ta là tiếng hát 
Tiếng hát trong ta có tự bao giờ 

Cát bụi đường xa, khẩu súng, ngọn cờ 
Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng 
Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng 
Bỗng trầm cung bậc tìm nhau 

Phút này đây ta giành trọn cho nhau 
Anh trọn của em đến tận cùng ý nghĩ 
Giai điệu đẹp cho hồn em cao quý 
Anh nhắm mắt và uống cạn suối âm thanh 

Xanh như dòng sông ấy xanh xanh 
Đàn nhạc dây thổi vào ngọn gió 
Không sóng cho lòng lên tiếng vỗ 
Sài Gòn trong anh là ô nhịp bình yên 

Sài Gòn trong ta là trái chín vẹn nguyên 
Chiến thắng đặt vào lòng hai đứa 
Một nửa anh và em một nửa 
Tiếng kèn đồng đang nói đấy em ơi! 

Lơ lửng giữa không gian dải lụa tuyệt vời 
Quen thuộc quá ta giơ tay nắm bắt 
Con chim hồng đậu trên trần nhà hát 
Cây vĩ cầm đánh rơi những nhành tơ 

Đất yên lành trở dậy sau mưa 
Tháng năm mở bốn bề tiếng hát 
Những khoảng trống lặng im bỗng bừng lên tiếng nhạc 
Trên suốt đường chiền thắng đi qua.


10-10-1975

 

ảnh Internet

Hoàng Nhuận Cầm

 

NHỮNG CÂU THƠ VIẾT ĐỢI MẶT TRỜI

Nửa đêm thức không làm sao ngủ lại

Đốt lửa lên, chỉ nhớ mặt trời thôi

Cơn gió thoảng như bàn tay của bạn,

Hơ vội vàng trên ngọn lửa cùng tôi.

 

Nhà tôi nằm bên bờ cát loi thoi

Kỷ niệm thổi u u trong vỏ ốc

Bạn nhặt vỏ sò bỗng quây quần trong phút chốc

Đêm trong rừng dự cảm lắm bạn ơi.

 

Thức lại quanh tôi nhũng chuyện cổ xa xôi

Tà áo xanh đung đưa trong quả thị

Nghe lập cập ngựa Mỵ Châu – Trọng Thuỷ

Đầu voi chín ngà… và ngựa chín hồng mao.

 

Cuồi cánh rừng, rơi xuống mấy ngôi sao

Ngày mai ở đấy sẽ bay lên tiếng hát

Chung quanh đây nhiều hố bom rách nát

Chung quanh đây nhiều chồi non dịu mát

Sẽ là nơi tôi thức đợi mặt trời.

 

Sẽ là nơi tôi hát và đánh giặc

Đồng đội ơi! Thương mến đến không cùng

Con suối hát những điều tôi chửa hát

Mưa rơi đều, tiếng rất nhỏ và rung.

 

Đêm tôi thức bên lửa và bên súng

Sáng cửa rừng, bạn dậy sưởi cùng tôi

Đêm không ngủ là đêm nhiều mơ ước,

Là đêm nhiều dự cảm tới ngày mai…

 

PHƯƠNG ẤY

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài

Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.

 

Là cái phương sao quá bồn chồn

Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói

Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói

Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời.

 

Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi

Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ

Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé

Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay.

 

Chỗ Hiến nằm - giờ trời trắng heo may

Chỗ Thi ngủ -  bình minh rơi tím đất

Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật

Ơi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi.

 

Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi

Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới

Người con gái cõng mình qua đạn xối

Tình yêu thầm, kín lại lối giao liên.

 

Là cái phương chưa rõ cả mặt em

Chưa khóc kịp bao bạn bè nhắm mắt

Là cái phương nấm mộ người giữ đất

Chớp bên đường như một ánh sao nâu.

 

Phương ấy dài ngút ngút Cà Mau

Nơi trắng sóng, lá rừng xanh ngắt ngắt

Ôi phương ấy ở đâu tôi cũng gặp

Hát vô bờ chữ Đất, lá cây ơi!

 

Phương ấy còn ở mãi trong tôi

Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói

Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi

Trên hai vai tuổi trẻ -  trước chân trời.

 

NHỚ VŨ ĐÌNH VĂN

Thôi cho mình thắp nhang này

Khóc Văn nước mắt đã đầy quả tim

Ngàn sao mình đã kiếm tìm

Nhưng ngàn sao chỉ im lìm như nhau

Văn ơi, nằm ở nơi đâu

Người ta lại hát qua cầu gió bay

Thôi cho mình thắp nhang này

Khóc Văn nước mắt đã đầy cả đêm.

 

Văn đi sao quá nhẹ thênh

Mà thơ là nợ, mà tình là đau

Mát lòng nghe tiếng đàn bầu

Văn ơi, máu chỉ là màu đỏ thôi

Ngày đi - Văn mất mẹ rồi

Mai gầy yếu lắm mà đời mênh mông

Bàn chân Văn lội ngoài đồng

Nhớ thương nước mắt Cầm vòng quanh quanh

Cái cành Mai nhỏ ngoài hiên

Văn nuôi đã lớn rồi quên cất vào

Giờ Văn còn cất được sao

Có nghe ngàn lá Mai gào khàn hơi

Nô-Em khổ lắm Văn ơi

Chuông Nhà Thờ đổ từng hồi buồn tang

 

Đây "Mười ba bậc cầu thang"

Bàn chân Cầm xéo vội vàng vào chân

Nhớ Văn mỗi lúc đến thăm

Mỗi bậc thang mỗi vết bầm vào tim

Ngoài đồng vắng lắm cánh chim

Tiếng kêu chim Chả, Cầm tìm không ra.

Cầm thương Văn lắm... thế mà,

Tay Cầm vụng quá, sao mà bằng Văn

Mình buồn lắm những đêm trăng,

"Qua phà Long Đại" mấy lần Văn qua

Mình buồn lắm lúc tàu xa,

Đất Hà Trung cái đất mà Văn yêu.

Mình buồn lắm những buổi chiều

Hoa Kim Đao nở những điều trắng tinh.

Mà cây nhang cứ lặng thinh

Mà Văn khóc mẹ, mà mình khóc Văn.

Thôi con lạy mẹ ngàn lần

Như anh lạy mẹ trên đồng ngày xưa

Mẹ ơi, mẹ đổ trận mưa

Cho anh mát dạ, giọt thừa cho con

Dẫu rằng máu chẳng một hòn

Nhưng anh Văn mất - con còn làm em.

Dẫu rằng chẳng giống họ tên

Nhưng anh, em khúc ruột mềm như nhau

Thôi cho con mẹ cúi đầu

Khóc thương huơng lửa là màu đỏ hoe

Khôn thiêng thì mẹ hiện về

Thay Văn con kể Mẹ nghe:

                       - Chuyện đời.

 

 

ảnh Internet

Trần Đăng Khoa

 

 

ĐỈNH NÚI

 

Ta ngự giữa đỉnh trời

Canh một vùng biên ải

Cho làn sương mong manh

Hoá trường thành vững chãi

 

Lán buộc vào hoàng hôn

Ráng vàng cùng đến ở

Bao nhiêu là núi non

Ríu rít ngoài cửa sổ

 

Những mùa đi thăm thẳm

Trong mung lung chiều tà

Biết bao chàng trai trẻ

Cứ lặng thinh mà già

 

Áo lên màu mốc trắng

Tóc đầm đìa sương bay

Lời yêu không dám ngỏ

Sợ tan vào gió mây

 

Bỗng ngời ngời chóp núi

Em xoè ô thăm ta ?

Bàng hoàng, xô tung cửa

 

Hoá ra vầng trăng xa…

 

TÂY BẮC

 

Bỏ lại phố phường bon chen

Ta về thung thăng với núi

Có màu lính giữa đại ngàn

Núi bỗng quên mình ngàn tuổi

 

Và thế là mùa xuân tới

Trong từng vó ngựa tuần tra

Nòng súng chán làm sắt thép

Muốn thành cây để trổ hoa

 

Con suối riu riu trầm mặc

Đá hoá chàng trai mộng mơ

Cỏ cây rực màu thiếu nữ

Rừng buông sương tím ỡm ờ…

 

Đất trời bồng bềnh men rượu

Em từ mây trắng bước ra

Ối chao nàng tiên xuống chợ

Váy áo thông thênh nõn nà…

 

Ta cũng trẻ như trời biếc

Núi ngắm nhìn ta mơ màng

Thế là mùa xuân hào phóng

Tặng ta cả rừng hoa ban…

 

 

KHÚC CA CỦA LÍNH THỜI BÌNH

 

Đất nước không bóng giặc

Tưởng về gần lại xa

 Vẫn gian nan làm bạn

Vẫn gió sương làm nhà

 

Bãi hoang thành đô thị

Ai đi áo dài bay

 Còn ta thì trần trụi

 Lấm lem hơn thợ cày

 

Trước giặc là lính cựu

Sau trâu là tân binh

 Cái nghèo và cái dốt

Bày trận giữa thời bình

 

Trong lầm lì sỏi đá

Lòng ta mềm có hoa

Nhớ nhà lên dốc vắng

Dõi một làn khói xa…

 

Em vẫn thầm lộng lẫy

 Chờ ta như thuở nào

 Lặn lội tìm biết có

Gặp ta trong chiêm bao

 

 Giờ những kẻ thù xưa

Trông mặt đều quen cả

Có gì đâu máu người

Chẳng phải là nước lã

 

Các cậu đến làm bạn

Rượu ta xả láng chơi

Còn nếu sang làm giặc

 Chúng tớ cho chầu giời!

 

Pháo nằm như mơ ngủ

Núi bay dải mây tình

Ước gì ta mãi mãi

Cứ là  lính thời bình...

 

ảnh Internet

Nguyễn Việt Chiến

 

 

VỀ KHỔ ĐAU VÀ ĐẠI BÁC 

Đại bác nổ và chiến tranh ụp xuống

Những mảnh vườn hôm trước nở đầy hoa

Bên ô cửa là cánh đồng lặng ướt

Tiếng trẻ con và khói những căn nhà

 

Đại bác nổ và mây đen cũng nổ

Trên ngói trường tan tác gió và chim

Có người lính vừa đi qua thành phố

Thuốc trên môi và trẻ nhỏ bên mình

 

Đại bác nổ và tiểu liên đốn gục

Những chàng trai vui tính nhất sư đoàn

Trên môi họ nụ cười còn thoáng gặp

Cô gái nào chiều ấy đợi bên sông

 

Đại bác nổ cuộc chiến tranh thứ nhất

Đất chiến hào cỏ chưa kịp nhú xanh

Thì lựu đạn và lưỡi lê cường tập

Lần thứ hai cỏ lại thấm máu mình

 

Đại bác nổ giữa đại ngàn trận mạc

Người lính đi thăm thẳm một phương trời

Người vợ ấy đã bao năm thầm lặng

Sống vì anh nuôi đứa trẻ nên người

 

Đại bác nổ và pháo hoa thắng trận

Không làm cho tóc bạc những mẹ già

Xanh trở lại một thời xưa yên ấm

Tóc bạc người, Tổ quốc, đứa con xa

 

Họ sinh ra không phải để làm lính

Đứa con nào của mẹ cũng vậy thôi

Bởi sữa mẹ nghìn năm không giọt đắng

Và hoà bình là vú mẹ bên nôi

 

Sau đại bác lửa hoa cương trầm lặng

Cháy trên mồ người chiến sĩ vô danh

Rất có thể các anh là mây trắng

Nước của sông, ngọn gió sớm mai lành

 

Và đại bác xin cúi đầu tưởng nhớ

Những người con bất diệt đã quên mình

Vì xứ sở ngàn đời mây trắng

Vẫn ngàn đời bất diệt giữa cỏ xanh

 

TỔ QUỐC NƠI BIÊN THÙY

 

Mùa này biên giới hoa sim

Tím quanh mộ chí im lìm các anh

Những người lính trận vô danh

Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình

 

Cồn cào vào cõi lặng thinh

Trước bao mất mát hy sinh giống nòi

Còn đây máu thấm trên đồi

Đường lên biên giới một trời hoa sim

Mầu hoa chẳng chịu lặng im

Lẫn vào sỏi đá thắp nghìn nén hương

 

Mùa này biên giới đầy sương

Có ai trở lại chiến trường về thăm

Vị Xuyên, Phong Thổ, Đồng Đăng

Các anh ngã xuống trẻ măng thủa nào

Các anh bằm dọc chiến hào

Từng cây số máu trên cao nguyên này

Trong tầm lựu đạn ném tay

Trong khe ngắm của những cây súng thù

 

Hòa An mây núi âm u

Đường lên Bản Giốc mịt mù còn nghe

Các con dưới cỏ xanh rì

Chỉ thương tóc mẹ bạc về trắng đêm

Các con như cỏ hồn nhiên

Xanh thăm thẳm mọc dọc miền bao la

 

Ta là con của phù sa

Cha là đất nước. Mẹ là quê hương

Còn nghe máu thấm biên cương

Mây buồn Lũng Cú, đêm trường Nam Quan

Ta là con của Việt Nam

Theo cha xuống biển tự ngàn năm xưa

Lên rừng thờ mẹ Âu Cơ

Đem xương máu dựng cõi bờ hôm nay

 

 

TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN

 

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

 

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

 

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo

Lạc Long cha nay chưa thấy trở về

Lời cha dặn phải giữ từng thước đất

Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

 

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể

Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù

Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ

Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích

Những đau thương trận mạc đã qua rồi

Bao dáng núi còn mang hình goá phụ

Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ

Đã mười lần giặc đến tự biển Đông

Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

 

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

 

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

 

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

 

 

Tranh trận chiến Gạc Ma (nguồn:Internet)

Nguyễn Trọng Tạo

 

BIỂN MẶN

(Trích trường ca)

 

NHỮNG CỘT MỐC SỐNG

Không nhớ con thuyền nào đã phát hiện Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc 
Chỉ nhớ những ngư dân đánh cá tận trùng khơi 
Đảo dựng đá chắn che ngày bão lớn 
Những đảo hoang bỗng ấm áp hơi người. 
Ôi tiếng Việt bay qua đầu sóng dữ 
Nói râm ran trên đảo đá chơi vơi. 

Không nhớ người lính nào đã đặt bước chân đầu tiên lên đảo 
Chỉ nhớ Hải đội Hoàng Sa vâng lệnh Chúa lên đường 
Những người lính chụm vai làm cột mốc 
Tờ nhật trình Chúa Nguyễn vẫn lưu hương 

Bốn thế kỷ đi qua cột mốc giữa trùng dương 
Những Hải đội Hoàng Sa nhập hồn vào sóng nước 
Nhập vào đá san hô 
Nhập vào Tổ quốc 
Vẫn còn đến hôm nay tục tế lễ sân đình 
Tế lễ khao quân 
Tế sống lính lên đường 
Những hình nộm chết thay cho người lính 
Cầu an bình cho mọi chuyến hành hương. 

Và sản vật được thu về dâng Chúa 
Ốc tai voi cùng với ốc xà cừ 
Những hải sâm, hải ba, đồi mồi, san hô đỏ 
Những bạc vàng trôi dạt tráp thương gia. 

Không biết bao nhiêu máu mồ hôi đã đổ 
Chỉ biết những “cân”, “thoi”… sách sử vẫn còn ghi: 
 

Lê Quý Đôn, hồi làm Hiệp Trấn Thuận Hoá, đã viết: “tra khảo sổ biên của cai đội Thuyên Đức Hầu”, người chỉ huy Đội Hoàng Sa, trong nhiều năm đã vào Phú Xuân nộp các sản vật thu lượm được từ Hoàng Sa, cụ thể như sau: 
– Năm Nhâm Ngọ (1702), Đội Hoàng Sa lượm được 30 thoi bạc. 
– Năm Giáp Thân (1704), lượm được thiếc 5100 cân. 
– Năm Ất Dậu (1705), lượm được 126 thoi bạc. 
Từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Qúi Tỵ (1713), tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy con đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và hai khẩu súng đồng.


Không biết bao nhiêu việc công, Đội Hoàng Sa đảm nhiệm 
Chỉ thấy còn đây lời Vua Nguyễn đã ban: 
 

“Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đo nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi bao nhiêu, rà bên bờ nước bể nông hay sâu. Có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở tình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành đồ bản, chiếu khi khởi hành, do cửa bể nào ra bể, trông phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thuỷ đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường? lại ở chốn ấy trông vào bờ bể đối thẳng là tỉnh hạt nào? và phương hướng nào? Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường? Ghi nói minh bạch trong hoạ đồ để về trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm”.


Việc đo đạc thuỷ trình, hải trình đã trở thành thông lệ 
Những hòn đảo vô danh đã thành danh trong những tấm bản đồ 
Đời trước truyền đời sau 
Đời sau truyền đời sau nữa 
Đời đời ghi tạc 
Xương thịt vùi sâu trong ngôi mộ san hô… 

Tôi trên con thuyền ra khơi vào lộng 
Từ Móng Cái đến Hà Tiên 
Bạch Long Vỹ, Vịnh Hạ Long 
Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc 
Biển lắng máu cha ông biển xanh biêng biếc 
Biển nghĩ suy sóng biển trắng mái đầu 
Sóng đi đâu, sóng về đâu 
Những ngọn đèn thao thức 
Những trái tim thắp lửa phía đất liền 
Những trái tim của Mẹ của Em 
Sau bờ bãi phi lao phập phồng gió hú 

Tôi trên con thuyền bình minh nắng đỏ 
Nắng trên trời nắng dưới nước lung linh 
Nắng ngàn sao trong mẻ lưới tung lên 
Nắng lấp loá oằn mình con cá quẫy 
Nắng từ cát hắt vàng hươm chân đảo 
Nắng từ lòng người cất tiếng hát bay cao 

Tôi trên con thuyền hoàng hôn buông neo 
Ánh ngày chưa chịu tắt 
Ngày ở biển dài hơn ngày mặt đất 
Những cuộc đời dài ngắn bá vai nhau 
Đêm mông lung trong chén rượu quê nghèo 
Ly bồng bềnh cùng thuyền 
Người bồng bềnh cùng sóng 
Ngàn sao sa trong đêm biển bồng bềnh… 

Tôi trên con thuyền ngày sóng dữ 
Hải tặc ráp vây thuyền 
Súng ống 
Dùi cui 
Choang 
Xoèng 
Ực 
Huỵch 
Những con cá ngáp khan trong lưới 
Mắt không mở được 
Tiếng la 
Tiếng thét 
Tiếng bồm bộp dùi cui 
Tiếng lạnh tanh qui-lát 
Tiếng chân bước nặng nề 
Từ thuyền này sang tàu kia 
Từ tàu kia sang thuyền này 
Từ thuyền này sang tàu kia 
Oằn lưng răng rắc… 

Không thể nào mở mắt 
Loang loáng dao găm, lưỡi lê 
Tôi nghe mình nói mê 
Trên hoang đảo một miền nào xa lắm 
Những con cá bị cướp 
Hội họp căm thù 
Những con tôm bị cướp 
Duỗi thẳng lưng đứng lên 
Rồi tất cả bị mũi dày đè bẹp 

Tanh tởm ngoại ngữ quen nghìn năm 
Nhai xác… 

Tôi nghe sóng Hoàng Sa uất ức 
Gầm vang 
Tôi nghe hồn Hoàng Sa nghiêng bóng thuyền, che chở 
Các bạn thuyền chụm vào nhau trên con thuyền rách nát 
Tiếng rên thành bản nhạc chiêu hồn 
Có người chết mà tôi không khóc được 
Không nói được 
Không làm gì được 
Tôi chìm vào những bàn tay 
Ngày ngày cầm nắm 
Những bàn tay xoa dịu 
Những bàn tay vuốt ve Sói Biển 
Những bàn tay bảo tôi: Nhớ lấy! 

Tôi con thuyền bị đâm trên biển của mình 
Những xương sườn gãy nát 
Ứa máu ngư dân 
Ứa máu ngư trường 
Bọn cướp biển là ai? Tôi đã nhìn rõ mặt 
Chúng lén lút 
Chúng ngang nhiên 
Chúng hằm hằm 
Chúng sằng sặc 
Chúng nguỵ trang áo mặc 
Chúng trá hình dân đen 
Chúng giả bạn giả anh em 
Giả tình giả nghĩa 
Chúng phản bội cả đàn cừu lột lông và xẻo thịt 
Phản bội những con thuyền đánh đắm cả yêu thương 

Tôi con thuyền gãy nát cột buồm 
Tâm hồn làm phao biển 
“Không thể dìm được phao” 
Bọn cướp biển hiểu chăng điều đơn giản 
Những chiếc phao tâm hồn trong bão tố lớn lên 
Mang những chiếc thuyền về bến 
Dù vỡ nát 
Không thể nào chìm xuống…. 

Tôi mảnh ván tả tơi lại mọc thành cây 
Thành rừng xanh 
Thành cổ thụ 
Lại xẻ ván đóng thuyền 
Lại đợi ngày hạ thuỷ 
Lại tế lễ sân đình 
Lại đánh trống khao quân 
Lại tuyên thệ sống còn vì biển đảo 
Những con thuyền tung bay cờ đỏ 
Lại rẽ sóng ra khơi… 
Sừng sững giữa biển trời. 

Những ngư dân trên đất nước tôi 
Nguyện làm “cột mốc sống” 
Ngàn vạn “cột mốc sống” 
Cả triệu “cột mốc sống” 
Trên biển sóng 
Trên đá ngầm 
Trên đảo chìm đảo nổi 
Trên tự do lãnh hải Việt Nam tôi! 

ĐIỆP KHÚC TIẾNG SÁO: 
Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ 
Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng 
Mọc lên lớp lớp tầng tầng 
Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô 
Những vùng biển đẹp như mơ 
Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng… 

Nhặt lên hạt muối, thưa rằng: 
Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…

 

ảnh Internet

Nguyễn Hữu Quý

 

 

HẠ THỦY NHỮNG GIẤC MƠ

 

Chim Lạc xoãi cánh về Đông

phía mặt trời lên bao la biển cả

tổ tông tôi tắm mặn thời xưa cổ

những tượng hình từ sóng vút lên.

 

Biển

hạ thủy những giấc mơ đầu tiên

những khát khao giong buồm vượt sóng

lấm láp bơi trên thời gian thăm thẳm

sấp ngửa

       ru nhau

                             mặn muối cay gừng.

 

À ơ…

muối mặn gừng cay

một nửa ca dao đất nước tôi là biển

thủy triều vơi đầy lục bát

những hải lưu sáu tám chở vui buồn.

 

Xoay nhịp trống đồng

gõ vang sấm biển

chớp bão khơi xa nhay nháy canh gà

có khuya khoắt ao làng nổi sóng

canh gió đồng ướt át nghìn năm.

 

Nghìn năm, nghìn năm

ánh chớp thiên hà

bão máu thành hồn Việt

kẽo kẹt kẽo cà mái tranh vách đất

bóng sông in trên mỗi đấu chiêm mùa.

 

Lang Liêu ở rừng

An Tiêm ra biển

cổ tích ngược xuôi theo những con thuyền

tôi hiểu vì sao chuyện cổ thường có hậu

dân tộc tôi hạ thủy giấc bình yên.

*

Tôi cúi xuống thời gian

nghe con sóng hóa thạch cùng lịch sử

trong mảnh buồm đã vỡ

có bước ấu thơ của ngọn gió nồm.

 

Tôi tin vào lửa

và tin vào giấc mơ màu đỏ

bổ ra từ vườn cổ tích của bà 

những trái hè lăn lốc trên cát

 

Chẳng có gì gần hơn cát

biển tìm tôi theo dấu dã tràng...

 

Tôi một chấm hồng hoang

trong năm mươi người con của mẹ

theo cha đi về phía bể

lập trình tương lai!

 

Tôi một giọt Lạc Hồng

mẹ gieo trên bán đảo

vóc dáng Việt nhỏ nhoi, ngón chân cái hình lưỡi hái

gặt bóng mây trên cỏ mặt trời.

 

Tôi vẫn tin tôi là gió sông Hồng

là nước Cửu Long

là hồn Linh Giang đấy

tôi chảy bao đời như sông tuôn về biển

tôi hát bao đời như sông vì biển hát

tôi mồ hôi sông

tôi máu sông

tôi nước mắt sông...

 

Không thể nào không mặn, biển Đông ơi!

 

 

Tôi cùng những ngư dân bé nhỏ

mang câu ca xứ Quảng ra khơi

Tổ quốc đấy, từng ngọn đèn vầng lưới

những sải bơi giữa sóng gió nghìn trùng.

 

Trước mặt Hoàng Sa lồng lộng

đường chân trời thương nhớ nhấp nhô

Tổ quốc đấy, mỗi con tàu sóng vỗ

lặng im đi trong rình rập tham tàn.

 

Nếu kiêu hãnh ta thừa kiêu hãnh 

nhưng không bán anh em xa, vẫn mua láng giềng gần

Tổ quốc đấy, bàn tay lửa ấm

thắp niềm tin trong thăm thẳm biển trời.

 

Của ta, dù chỉ mỏm đá thôi

ta cũng giữ bởi đó là Tổ quốc 

ta không lấy của ai dù tấc vàng tấc bạc

đói sạch rách thơm mẹ đã dặn dò.

 

Trái tim như vì sao sáng tỏ

soi đêm dài từng hải lý ta qua

Tổ quốc đấy, ơi Hoàng Sa của mẹ

câu ru nào đắng đót long đong !

 

Ăn trái yêu rừng, ăn cá yêu sông

ăn muối yêu em lấy biển trời là chứng

Tổ quốc đấy, khi băng qua dài rộng

ta gặp quê hương trên đảo nổi, đảo chìm...

 

Xa em, có thể mãi xa em

có thể chết khi kẻ thù nổ súng

anh vẫn mặn trong từng ngọn sóng

Tổ quốc ru anh như mẹ ru mình.

 

Có thể ngày mai anh không đón bình minh

không kéo lưới không lặn vo bơi sãi

không nâng chén ngang mày thì em hỡi

Tổ quốc mình biển đảo vẫn vẹn nguyên !

 

Giữa bao la, ta gọi thầm Tổ quốc

như gọi ông cha khuất bóng mây mù

hướng Hoàng Sa ngư trường rộng mở

như bao đời tiên tổ buồm giong !

 

 

Theo cha ra biển, mở buồm

mây bay như nhớ cội nguồn về non

hải trình không dấu chân mòn

ngàn năm ngực vạm vỡ còn mặn theo.

 

Lời ru mẹ mắc cheo leo

gừng cay đầu sóng, muối neo lòng rừng

đói lòng ăn đọt lá mưng

gánh non sông giữ điệp trùng vẹn nguyên.

 

Biển Đông sóng cả, con thuyền

mái chèo cắt gió giữa miền mênh mông

đảo hoang ghé hạt lửa hồng

mọc lên ấm áp muôn vòng sinh sôi.

 

Làng trên sóng ngóng mưa rơi

ăn nằm kẽo kẹt mù khơi nổi chìm

mắm tôm, cà xổi, cá rim

thương nhau lục bát đi tìm ca dao.

 

Nhỏ nhoi đảo bão giông gào

ngọn rau mỏng mảnh nép vào trẻ trai

lặng im giọng hót đầu thai

bơợc san hô nhú một vài líu lo.

 

Bát nhang trăm dặm xa bờ

trái cây chén nước đặt thờ tổ tiên

trùng khơi nối với đất liền

cầu mong biển lặng, trời yên xa gần…

 

Dậu phên làng lính, làng dân

khắc lên đảo bài thơ Thần linh thiêng

mái chùa một nét Việt riêng

hoa văn ngọn lửa thắp miền viễn khơi…   

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *