Ống kính phê bình

9/6
10:07 AM 2017

TÍNH LIÊN VĂN HÓA TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI-TRƯỜNG HỢP HỒ ANH THÁI

THÁI PHAN VÀNG ANH-Văn học, nhất là văn xuôi, mang tính liên văn hóa tuân theo quy luật vận động của văn học hiện đại, hậu hiện đại trong nỗ lực hòa vào dòng chảy chung của văn học thế giới.

1. Khởi thủy, tư duy của loài người là tư duy nguyên hợp. Khởi nguồn của các ngành khoa học chuyên biệt cũng là sự giao thoa kiểu “văn sử triết bất phân”. Sự liên hệ, tương tác qua lại giữa các quan niệm về văn hóa vốn ẩn sâu trong tiềm thức, trong những ứng xử văn hóa của nhân loại, dù quan niệm về một ngành triết học liên văn hóa chỉ mới được hình thành vào cuối thập kỉ 80 của thế kỉ XX. Liên văn hóa dựa trên yếu tố cốt tử là đối thoại văn hóa, với đích đến là sự quy tụ văn hóa. Đối thoại văn hóa lại vận động và phát triển theo quy luật vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người. Đối thoại văn hóa xuất hiện ngay khi có hơn một nền văn hóa cùng hiện diện. Tuy vậy, đối thoại văn hóa chỉ thực sự trỗi dậy đặc biệt mạnh mẽ vào cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI khi thế giới trở nên đa cực, đa nguyên, khi đối thoại là cách thế khả dĩ để nhân loại cùng tồn tại, phát triển trong một “thế giới phẳng” và quy tụ về văn hóa, hướng đến những giá trị phổ quát. Đây chính là lí do sự xuất hiện của triết học liên văn hóa nhanh chóng được đón nhận và vận dụng trong nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật.

Khác với khái niệm đa văn hóa vốn chỉ đề cập sự tham gia đồng thời của nhiều yếu tố thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau, liên văn hóa chú ý đến sự tương tác văn hóa giữa tối thiểu là hai nền văn hóa. Quan hệ liên văn hóa nhấn mạnh đến sự bình đẳng trong các đối thoại văn hóa, từ chối các quan niệm trung tâm hóa kiểu “dĩ Âu vi trung”. Trong văn học, liên văn hóa cũng là một xu hướng tất yếu khi các nhà văn chuyển từ việc nhận thức đời sống chỉ từ góc nhìn dân tộc tính sang một cái nhìn đa chiều hơn, ưu tiên hướng đến những giá trị mang tầm nhân loại. Mĩ học hiện đại, hậu hiện đại với việc đề cao tính phản truyền thống, phản quy phạm, phi trung tâm, đại chúng hóa, chú trọng đến tính liên văn bản, đan kết nhiều lớp diễn ngôn trong một văn bản văn học... đã tạo lập những tiền đề quan trọng để văn học ngày càng hiển lộ rõ tính liên văn hóa. Văn hóa đọc trong thời đại toàn cầu hóa cũng khiến cho quan niệm hoặc tương đối văn hóa chủ nghĩa (cho rằng những người thuộc về những nền văn hóa khác nhau sẽ không thể hiểu nhau) hoặc phổ quát văn hóa chủ nghĩa (tin rằng con người ở bất kì nền văn hóa nào cũng có thể hiểu nhau dựa trên những đặc điểm phổ quát về nhân học) bị lung lay tận gốc rễ. Cách đọc “lấy mình làm trung tâm” để nhận thức một nền văn hóa khác tương ứng với kiểu tư duy của “chủ nghĩa duy ngã văn hóa” hoặc đọc từ những “điểm mù văn hóa” đã trở nên không còn phù hợp để tiếp cận các hiện tượng văn học đa dạng, khác biệt trên toàn thế giới. Đọc như là hình thức “giao tiếp liên văn hóa” trở thành cách đọc cần thiết trong thời đại mỗi độc giả đều có thể được khoác danh xưng độc giả toàn cầu. Giao tiếp liên văn hóa thông qua hoạt động đọc cũng là yếu tố khiến văn học hướng dần đến những giá trị mang tầm nhân loại, thông qua các đối thoại văn hóa trong các tác phẩm văn chương.
 
2. Việt Nam có truyền thống tiếp biến, dung hợp văn hóa. Điều này một phần do Việt Nam là quốc gia có nhiều tộc người, nhiều vùng văn hóa khác nhau. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi tư tưởng của L.Wittgenstein với chủ trương tìm kiếm cách thức đạt đến sự thống nhất trong những đa dạng của các quan niệm, các biểu hiện văn hóa giữa nhiều quốc gia, dân tộc dễ dàng được các học giả Việt Nam chấp nhận. Và vừa trùng hợp về quan niệm, vừa có phần tiếp thu tinh thần của triết học liên văn hóa, nhiều nhà văn Việt Nam, nhất là các nhà văn đương đại, đã rất có ý thức trong việc đưa văn hóa Việt Nam ra với thế giới, đối thoại với các nền văn hóa khác, thông qua ngôn ngữ văn chương. Văn học, nhất là văn xuôi, mang tính liên văn hóa tuân theo quy luật vận động của văn học hiện đại, hậu hiện đại trong nỗ lực hòa vào dòng chảy chung của văn học thế giới. Tuy vậy, tính liên văn hóa không tồn tại như một bình diện cụ thể trong tác phẩm văn học mà chỉ là một lập trường, một quan niệm, một thái độ hay một sự thức nhận về sự đối thoại, tương tác văn hóa, được hiển lộ đậm nhạt khác nhau trên nhiều phương diện của văn bản.

Liên văn hóa thể hiện cái nhìn chủ động trong đối thoại văn hóa trước hết của chính nhà văn. Trong số những nhà văn cùng một thời đại, cùng một quốc gia, cùng một phông văn hóa chung, có một số tác giả “nổi lên” như những nhà văn toàn cầu, nhờ điều kiện, đặc điểm riêng trong đời sống, trong sự nghiệp hay trong việc lựa chọn đối tượng phản ánh. Các nhà văn Việt Nam sống ở hải ngoại là trường hợp tiêu biểu. Hoặc viết bằng ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ (các nhà văn gốc Việt như Nam Lê, Nguyễn Thanh Việt, Linda Lê, Dương Như Nguyện, Barbara Tran, Andrew Lâm, Monique Truong...) hoặc viết bằng tiếng Việt cho độc giả Việt từ phương trời Tây (các nhà văn như Thuận, Đoàn Minh Phượng, Minh Thùy, Lê Minh Hà, Lê Ngọc Mai, Thế Dũng, Phạm Hải Anh, Mai Ninh...), các cây bút hải ngoại luôn đem vào trang văn những sự “dùng dằng” văn hóa. Có cái trì níu từ nguồn cội của văn hóa Việt trước văn hóa phương Tây. Cũng có cái hụt hẫng, đổ vỡ khi từ những quan niệm văn hóa khác, từ cái nhìn văn hóa bên ngoài để nhận diện văn hóa Việt. Cho dù không phải lúc nào cũng đạt đến sự bình đẳng văn hóa như quan niệm lí tưởng của thuyết liên văn hóa, song trên thực tế, bằng cách trưng ra các phương diện văn hóa khác biệt, soi chiếu từ cái nhìn dung hòa của chủ nghĩa khái quát văn hóa và chủ nghĩa tương đối văn hóa, các nhà văn hải ngoại đã ít nhiều tạo nên những cuộc tranh luận, đối thoại văn hóa bằng văn chương, đưa văn chương Việt đến gần hơn với thế giới và hòa vào quỹ đạo chung của văn học thế giới.
 
Không “tất yếu” như các nhà văn sống ở hải ngoại, song các nhà văn trong nước vẫn có thể mang một trường nhìn liên văn hóa nếu biết vượt qua những “điểm mù văn hóa” và chủ động trong giới thiệu, đối thoại và hội nhập văn hóa. Hồ Anh Thái là một kiểu tác giả liên văn hóa tiêu biểu. Hồ Anh Thái hội đủ các điều kiện để trở thành một nhà văn toàn cầu (anh được sống, trải nghiệm, học tập, nghiên cứu từ nhiều môi trường văn hóa khác nhau; công việc, khả năng ngoại ngữ cũng góp phần giúp anh trở thành một nhà văn thông hiểu nhiều nền văn hóa...). Văn xuôi Hồ Anh Thái, do vậy, mang đậm tính liên văn hóa, ngồn ngộn những tranh luận, đối thoại về văn hóa. Từ các tập truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Người bên này trời bên ấy đến các tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôiDấu về gió xóa, Những đứa con rải rác trên đường hay tản văn Hà Nội hướng nào cũng sông, tạp bút Namaskar! Xin chào Ấn Độ,Salam! Chào xứ Ba Tư..., có thể thấy văn chương Hồ Anh Thái luôn tràn ngập các thông tin văn hóa. Ngay cả khi không giấu được triệt để cái nhìn chủ quan, giễu nhại của người kể chuyện - tác giả trong các tác phẩm văn xuôi hư cấu, Hồ Anh Thái cũng không bao giờ trao chân lí cho bất kì một chủ thể văn hóa nào trong những cuộc tranh luận văn hóa mà anh bày biện ra. Tác giả tôn trọng nguyên tắc đa dạng và khác biệt văn hóa, cũng như ý thức rõ về sự bình đẳng văn hóa, cho dù những đụng độ, va chạm văn hóa chưa bao giờ thôi diễn ra trong đời sống xã hội của loài người.

Một trong những phạm trù cơ bản, đầu tiên của lí thuyết liên văn hóa là sự khác biệt. Sự khác biệt văn hóa lại là tiền đề của phạm trù thứ hai - tính đối thoại về văn hóa. Trên tinh thần đối thoại, văn xuôi hư cấu của Hồ Anh Thái nói nhiều về những khác biệt này. Có những khác biệt về sắc tộc, chính trị, tôn giáo giữa các quốc gia, dân tộc (Người Ấn, Cuộc đổi chác, Dấu về gió xóa). Có những khác biệt trong nhận thức, ứng xử với tự nhiên và xã hội giữa các cộng đồng, tộc người (Đàn kiến, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Đức Phật, nàng Savitri và tôi). Văn xuôi Hồ Anh Thái cũng thường đề cập những xung đột, đối thoại giữa các giá trị văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai (Mười lẻ một đêm, Những đứa con rải rác trên đường, Người bên này trời bên ấy). Sự đấu tranh nhằm xóa nhòa những bất bình đẳng trong địa vị văn hóa Đông - Tây cũng là một đích đến ở nhiều tác phẩm của Hồ Anh Thái. Bằng cách để cho nhân vật không phán xét về những khác biệt văn hóa, để cho họ được ngạc nhiên, thú vị về những nền văn hóa bên ngoài, truyện Người Ấn đã thể hiện một cái nhìn bình đẳng về văn hóa. Không đúng cũng không sai, không hơn cũng không kém, tất cả chỉ là sự khác biệt. Và dù luôn có ý thức đưa các nền văn hóa, văn học trên thế giới đến gần nhau, rút ngắn những khoảng cách định kiến trong những khác biệt, những đối thoại văn hóa trong văn xuôi Hồ Anh Thái không nhằm hướng đến chân lí, đến những tương đồng phổ quát bởi tác giả ý thức được sự hòa hợp, hội tụ văn hóa hiếm khi đạt đến tận cùng. Cái Hồ Anh Thái muốn khẳng định và khai mở ở người đọc chính là sự bình đẳng về văn hóa.
 

82892 20 08 15 nhung dua con rai rac tren duong

duc phat nang savitri va toi ho anh thai 5987 2819043 e6da2dfd57b71fd9de6f6d0eea400f47 zoom

full img 1158 1347241808

Nguoi ben nay troi ben ay

index

 

 

 

Một số tác phẩm của nhà văn Hồ Anh Thái - Ảnh: ST

Bình đẳng, đối thoại về tôn giáo là một chủ đề trở đi trở lại trong nhiều trang văn của Hồ Anh Thái. Tiểu thuyết Dấu về gió xóa với rất nhiều luận bàn về tôn giáo và biểu tượng đền Đa giáo trên Đảo xanh, bối cảnh của tiểu thuyết, là một ví dụ tiêu biểu. Trong thế kỉ XXI, “thế kỉ của tôn giáo”, Đảo xanh có thể xem là nơi chốn thiên đường của tôn giáo, khi mà mọi tôn giáo cùng được tôn trọng như nhau: “Chuông nhà thờ đánh suốt ngày, ban đầu là đánh chuông cho người Tin lành, người Thiên Chúa giáo, sau rung chuông cho người Hinđu, người Hồi giáo, người Hỏa giáo, sau thỉnh chuông cho Phật giáo”. Ngôi đền Đa giáo trên Đảo xanh cũng thật đặc biệt khi có chính điện hình bát giác bày tỏ quan điểm bát chính đạo của Phật giáo và “mỗi cạnh đặt một bệ thờ của một tôn giáo chính”. Trong đền thờ Đa giáo, người theo tôn giáo thứ chín trở đi thì được cầu nguyện ở vị trí tâm điểm của tòa bát giác, ở bệ thờ được đặt chính giữa đền. Như vậy, không ai không được thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh khi vào ngôi đền này. Trước tôn giáo, con người bình đẳng như nhau. Trong đền thờ Đa giáo, mọi tôn giáo cũng đều bình đẳng. Mọi sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo trở nên không còn ý nghĩa. Bởi cho dù mang một đức tin nào, con người cũng đều được thỏa mãn việc thực hành tụng niệm trong một nơi linh thiêng, được hướng về một đấng tối cao qua kinh sách, qua những lời truyền của nhà sáng lập. Bằng tư duy biểu tượng hóa, bằng những triết luận về tôn giáo đậm đặc, tiểu thuyết Dấu về gió xóa cũng như nhiều tác phẩm khác của Hồ Anh Thái luôn hướng đến sự quy tụ về văn hóa, nhất là khi tính cộng hợp từ những đa dạng văn hóa chính là đích đến của xã hội toàn cầu hóa hiện nay.

Đối thoại thường xuất phát từ sự khác biệt. Song, mục đích của đối thoại suy cho đến cùng là để tìm kiếm những tương đồng. Không duy lí đến mức tin tưởng vào cái phổ quát văn hóa dành cho mọi cộng đồng, dân tộc, triết học liên văn hóa hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng của những khác biệt văn hóa. Với tinh thần ấy, văn xuôi Hồ Anh Thái vẫn đề cập những nét tương đồng, xuất phát từ những phương diện mang tính bản thể của mọi tồn tại. Lúc này, tương đồng văn hóa trở thành cơ sở để giao thoa, hội nhập văn hóa, đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa trên nhiều phương diện, trong đó có văn chương. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Anh Thái là một trong những tác giả Việt Nam đương đại có nhiều tác phẩm được xuất bản, phát hành ở nhiều nước trên thế giới. Hồ Anh Thái biết cách “xuất khẩu” văn học, biết cách đón trước tầm đón nhận của độc giả quốc tế. Quan trọng hơn, tác phẩm của Hồ Anh Thái đáp ứng được tính chất “lạ mà quen” vốn làm nên tính hấp dẫn của văn chương. Lạ bởi văn xuôi Hồ Anh Thái gây tò mò nhờ những nét văn hóa Việt, văn hóa phương Đông mà phần lớn người phương Tây chưa hiểu hết. Lạ còn bởi những đánh giá, đối thoại với những giá trị tưởng chừng như độc tôn, bất biến... từ một cái nhìn khác về Tây phương. Tuy thế, lạ mà không gây ra dị ứng, lạ mà vẫn giữ chân những độc giả quốc tế đến cuối tác phẩm, đi từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, là bởi tư duy nghệ thuật và bút pháp Hồ Anh Thái vẫn tuân theo những quy tắc chung của trò chơi ngôn ngữ, của lối viết hiện đại, hậu hiện đại.

Thật ra, văn xuôi Hồ Anh Thái hấp dẫn độc giả trong và ngoài nước theo một cách thức như nhau, tuy chiều hướng có ngược nhau. Bởi bản chất của sức hút ở tác phẩm Hồ Anh Thái chính là những đối thoại từ những điểm tương đồng và khác biệt văn hóa. Độc giả thuộc bất kì một nền văn hóa nào cũng có nhu cầu được biết về một nền văn hóa khác, được tự nhìn lại những giá trị văn hóa của dân tộc mình từ địa vị của phía bên kia. Nhờ tính liên văn hóa, văn xuôi Hồ Anh Thái đáp ứng đòi hỏi này của cả hai phía độc giả. Trong vai trò của một kiểu tác giả liên văn bản, Hồ Anh Thái cũng phần nào nâng những bạn đọc của mình lên tầm độc giả toàn cầu. Chẳng hạn với tập truyện Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Hồ Anh Thái đã giúp bạn đọc Việt Nam tự nhìn lại văn hóa Việt qua những khác biệt văn hóa được hiển lộ rõ trong phong tục, tập quán, hay cách tư duy, quan niệm của người Ấn. Phải chăng, nhờ vào những nét tương đồng văn hóa mà độc giả Việt Nam đã đón nhận dễ dàng tập truyện Hồ Anh Thái viết trước hết cho những độc giả người Ấn? Và phải chăng cũng từ những khác biệt văn hóa mà tập truyện thấm đẫm tinh thần Ấn Độ của Hồ Anh Thái thu hút mạnh mẽ độc giả thế giới và Việt Nam?

Là một kiểu tác giả liên văn hóa, Hồ Anh Thái rất có ý thức khi lựa chọn lối viết tùy theo những đề tài, chủ đề khác nhau. Khái niệm phong cách hiểu theo nghĩa ổn định về một kiểu viết bất biến dường như không phù hợp với Hồ Anh Thái. Hồ Anh Thái có thể xây dựng những không gian nghệ thuật xuyên quốc gia, đa dân tộc và chỉ hướng đến những không gian mất bản sắc dân tộc tính dù giễu nhại hay khẳng định lối sống “hội nhập” trong thời đại toàn cầu hóa (Người bên này trời bên ấy, Những đứa con rải rác trên đường). Tác giả cũng có thể chỉ đề cập những không gian văn hóa đặc thù của một giống người, một dân tộc với cái nhìn khi ngưỡng mộ, khi xót thương (Đến muộn, Đi khỏi thung lũng mới đến nhà). Nghệ thuật kể chuyện, phương diện đặc sắc nhất trong thi pháp văn xuôi Hồ Anh Thái, cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc gia tăng cái nhìn đối thoại về văn hóa. Với kiểu người kể chuyện công dân toàn cầu (người kể chuyện với nhiều trải nghiệm văn hóa - có khi là nhân vật xưng tôi kể về những nếm trải, chứng kiến văn hóa của bản thân, có khi là một vai kể với chức năng khám phá thế giới đa văn hóa và sự tương tác giữa các nền văn hóa), với cái nhìn đa chiều kích và những quan niệm mang tầm nhân loại, mỗi tác phẩm của Hồ Anh Thái luôn là một câu chuyện văn hóa lớn. Ở đó diễn ra những cuộc đối thoại tư tưởng, ở đó các thân phận con người được đặt cạnh nhau, soi chiếu nhau, xuyên không gian, xuyên thời gian, bất luận tương đồng hay khác biệt về văn hóa. Có thể nói, nhờ cái nhìn liên văn hóa, Hồ Anh Thái đã mang vào trang văn của mình “tính cộng hợp của những khuôn mẫu văn hóa đa dạng” (Choe Hyundok). Đây mới là yếu tố làm nên một phong cách Hồ Anh Thái riêng biệt, cho dù tác giả có nỗ lực thay đổi, biến hóa đến mấy về “lối viết”.
 
3. Trong thế giới phẳng hôm nay, khi đường biên văn hóa ngày một nhòe mờ, không còn đồng nhất với đường biên địa lí của vùng miền, quốc gia, khu vực, việc nhận diện đời sống văn hóa, chính trị, xã hội của con người càng cần chú trọng đến tính liên văn hóa. Nghiên cứu văn học từ cái nhìn liên văn hóa, nhận diện văn học Việt Nam đương đại từ kiểu nhà văn liên văn hóa (như trường hợp Hồ Anh Thái chẳng hạn) đã mở ra một hướng nghiên cứu liên ngành nhiều triển vọng.
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *