Ống kính phê bình

13/4
8:19 AM 2016

Tiếp nhận thơ haiku ở Việt Nam

LƯU ĐỨC TRUNG - NGUYỄN BÍCH NHÃ TRÚC - Haiku là thể thơ Thiền độc đáo, giàu tính trí tuệ và tinh thần nhân văn. Thể thơ ngắn nhất thế giới này được coi là tinh hoa của thơ ca và văn học Nhật Bản - nền văn học tôn thờ thiên nhiên và cái Đẹp.

                                                                       Một tuyển thơ Haiku ở Nhật Bản (ảnh: Internet)

Hiện nay, Haiku đã trở thành thể thơ Quốc tế (World Haiku), được yêu chuộng trên thế giới, được nhiều nước đón nhận và sáng tác haiku bằng chính ngôn ngữ của mình. Trong đó, có Việt Nam. Sau mấy thập kỷ chính thức du nhập vào Việt Nam, Haiku đã thực sự bén duyên trên mảnh đất Việt vốn giàu truyền thống thi ca.

Nếu như thơ Đường Trung Quốc là thể thơ du nhập sớm nhất tồn tại trong văn học Việt Nam cả ngàn năm nay, thì Haiku Nhật Bản là thể thơ ngoại nhập thứ hai tuy chỉ mới du nhập vào Việt Nam khoảng nửa thế kỷ. Tuy nhiên, ngày nay thơ Đường không được sáng tác nhiều.Trong khi đó, haiku lại đang được người Việt đón nhận nồng nhiệt. Sự hội nhập và phát triển của thơ haiku trên đất Việt là minh chứng cho thành công của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật, hai đất nước vốn có nhiều điểm tương đồng về văn hóa.

Vậy, haiku đã du nhập vào Việt Nam từ khi nào và bằng những con đường nào; thể thơ này đã được người Việt tiếp nhận và phát triển ra sao; hiện nay nó có vai trò gì trong đời sống thơ ca nói riêng, văn học nói chung ở Việt Nam?

Quá trình du nhập của thơ Haiku vào Việt Nam

Tại Việt Nam, từ trước năm 1945 đến năm 1975, một số nhà thơ, trí thức lớn ở nước ta như Vũ Hoàng Chương, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Tường Minh, Ngô Văn Tao, Bùi Giáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là những người đã tiếp cận thơ Haiku từ rất sớm. Sự phát triển của nền văn hóa, học thuật miền Nam lúc bấy giờ đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi và tiền đề thúc đẩy quá trình dịch thuật, giới thiệu tinh hoa văn học, văn hóa nước ngoài, trong đó có văn học Nhật Bản - một cường quốc đang lớn mạnh ở Phương Đông lúc bấy giờ. Việc du nhập haiku nằm trong xu hướng chung ấy. Sớm nhất, phải kể đến một số bài dịch thơ haiku trong bài viết Thi văn Nhật Bản với phong trào Âu hóa đăng trên báo Sài Gòn của Hàn Mạc Tử (1936). Đầu thập niên 1970, các bản dịch thơ haiku bằng tiếng Anh của H.G. Henderson được Tuệ Sỹ, Nguyễn Tường Minh dịch sang tiếng Việt. Hai tác phẩm xuất bản sớm nhất phải kể đến đó là: Hòa ca (nhiều tác giả). Bản dịch của Nguyễn Tường Minh. Sài Gòn Sông Thao, 1971. Và Luyến ca (nhiều tác giả) Bản dịch của Nguyễn Tường Minh. Sài Gòn Sông Thao (1972).

Từ sau năm 1975, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu là người đã có công làm cho thơ Haiku được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam khi ông lần lượt xuất bản những công trình nghiên cứu công phu về thơ haiku. Công trình đầu tiên của ông là Basho và thơ haiku do Khoa Ngữ văn báo chí, NXB Tổng hợp Tp.HCM xuất bản năm 1994. Sau đó là hàng loạt những công trình khác về haiku và thơ ca Nhật Bản: Nhật Bản trong chiếc gương soi (NXB Giáo Dục, 1995); Thơ ca Nhật Bản (NXB Giáo Dục, 1998); Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868. (NXB Giáo Dục, 2003); Ba ngàn thế giới thơm, (NXB Văn Nghệ 2007).

Bên cạnh đó, cũng có một số công trình của một số dịch giả khác như: Basho - Con đường hẹp thiên lí. Bản dịch của Hàn Thủy Giang. NXB Hà Nội, 1998; Basho, Lối lên miền Oku, NXB Thế Giới, 1999. Vĩnh Sính dịch; H.G. Henderson: Hài cú nhập môn. Lê Thiện Dũng dịch. 2000. NXB Trẻ; Haiku - Hoa thời gian, Lưu Đức Trung - Lê Từ Hiển (biên soạn), NXB Giáo Dục 2007.

Các công trình nghiên cứu trên đã đặt nền tảng lí thuyết về haiku ở Việt Nam. Từ đó, giúp người đọc có cái nhìn toàn diện, bao quát hơn về một thể thơ vốn còn khá xa lạ với người Việt. Những công trình của Nhật Chiêu đã đóng góp quan trọng vào việc giảng dạy và phổ biến thơ Haiku ở nước ta. Nhật Chiêu không chỉ là nhà nghiên cứu mà còn là dịch giả nổi tiếng với những bản dịch haiku để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc qua nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, ông được coi là "ông hoàng của thơ Haiku", người khơi nguồn mạch haiku trên đất Việt.

 Cột mốc khá quan trọng, đánh dấu việc haiku được công nhận một cách chính thức ở Việt Nam là sự kiện năm 2002, khi thơ Haiku được Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam đưa vào giảng dạy chính thức ở chương trình lớp 10, Trung học Phổ Thông, qua sự giới thiệu của PGS. Lưu Đức Trung và PGS.TS. Đoàn Lê Giang.

Tiếp sau đó, vào năm 2007, PGS. Lưu Đức Trung đã thành lập Câu lạc bộ Haiku Việt Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là CLB Haiku đầu tiên ở Việt Nam vào thời điểm đó. Câu lạc bộ đã mở ra một sân chơi bổ ích cho những người yêu thơ haiku trên mọi miền đất nước. Đến nay, sau 7 năm hoạt động đã có những thành quả nổi bật: 10 số chuyên san đã được xuất bản; hàng chục tập thơ của các thành viên trong CLB, với hàng trăm thành viên, cộng tác viên trên khắp mọi miền đất nước. Câu lạc bộ Haiku Việt Tp.HCM với Chủ nhiệm là PGS. Lưu Đức Trung; cố vấn chuyên môn là nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, đã thực sự tạo ra một hiệu ứng thơ haiku trên toàn quốc.

Đến nay, ở Hà Nội cũng đã có CLB Haiku Việt Hà Nội, và đây là câu lạc bộ Haiku Việt thứ hai ở Việt Nam, cũng đang hoạt động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển haiku ở Việt Nam.

Năm 2010, Lãnh sự quán Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên phát động cuộc thi sáng tác thơ Haiku ở Việt Nam, mở ra một phong trào sáng tác Haiku trên cả nước. Đây là cuộc thi lớn, được tổ chức định kỳ hai năm một lần ở nước ta. Đến nay, cuộc thi đã 3 lần được tổ chức và ngày càng thu hút sự tham gia của đông đảo người yêu thơ.

Có thể nói haiku không còn là thể thơ xa lạ đối với người Việt nữa. Rất nhiều người yêu thích, đọc haiku, sáng tác haiku và nghiên cứu chuyên sâu về thể thơ này. Đã có những bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí Văn học chuyên ngành, những luận văn tốt nghiệp Đại học, luận văn Thạc sĩ và cả Luận án tiến sĩ nghiên cứu về Haiku. Haiku trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của một bộ phận trí thức và những người yêu thơ văn ở Việt Nam.

Đặc điểm tiếp nhận Haiku ở Việt Nam

Việc tiếp nhận thơ haiku ở Việt Nam không chỉ thông qua con đường giới thiệu, dịch thuật, nghiên cứu mà thể hiện rõ nhất ở phương diện sáng tác thơ haiku bằng tiếng Việt.

Thông qua việc đối chiếu haiku Việt và haiku Nhật, có thể tìm thấy đặc điểm tiếp nhận haiku của người Việt Nam. Khi so sánh, đối chiếu haiku Việt và haiku Nhật, chúng tôi nhận thấy có một số điểm đáng lưu ý sau:

1. Đề tài

Haiku Nhật Haiku Việt

- Đề tài về thiên nhiên chủ đạo

- Có đề tài về thế sự nhưng không nhiều

- Đặc biệt, không có đề tài tình yêu.   - Đề tài chính vẫn là thiên nhiên nhưng mở rộng rất nhiều mảng đề tài thế sự: tình mẫu tử, phụ tử, tình thầy trò, chồng vợ, tình yêu, bạn bè, tình yêu Tổ quốc,...

- Đặc biệt, đề tài tình yêu.

1.1. Đề tài về thiên nhiên trong thơ haiku Việt vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Và nhìn chung, thiên nhiên vẫn là mảng quan tâm lớn nhất của các haijin Việt. Tuy nhiên, vì có sự khác biệt về thiên nhiên, địa lí và thổ nhưỡng, khí hậu giữa hai nước nên haiku Việt có những hình ảnh thiên nhiên (quý ngữ chỉ mùa) khác với haiku Nhật. Bên cạnh việc mượn những hình ảnh thiên nhiên ở Nhật như: hoa anh đào, tuyết, lá phong thì haiku Việt tràn ngập các hình ảnh đặc trưng cho thiên nhiên xứ sở Việt Nam với những hình ảnh quen thuộc như: rau muống, hoa phượng, lũy tre, hương bưởi, hoa quỳnh, hoa sứ...

"Lũy tre/ kẽo kẹt/ tiếng võng trưa hè" (Thái Trọng)

"Hương bưởi đâu đây/ thơm lây ngọn gió/ tương tư tóc dài" (Vũ Tam Huề)

"Tạ lòng tri âm/ thâu đêm ai đợi/ quỳnh buôn trắng ngần" (Nguyễn Bao)

"Trên cành phượng nhỏ/ ngàn đôi môi đỏ/ hát giữa thiên thanh" (Phượng Nhi)

Có thể thấy ở phương diện đề tài thiên nhiên, các nhà thơ haiku Việt mở rộng đề tài mà không giới hạn biên độ. Bất kể hình ảnh nào của thiên nhiên, xứ sở Việt cũng có thể được đưa vào thơ. Các nhà thơ Việt dường như cũng không quan tâm lắm đến chuyện "mùa nào thức ấy" một cách chặt chẽ như trong haiku Nhật mà luôn biến hóa uyển chuyển, đa dạng trong thơ.

1.2. Về đề tài thế sự, có thể thấy haiku Việt rất mạnh ở điểm này. Bất kỳ vấn đề gì trong cuộc sống con người cũng đều được các nhà thơ sáng tác thành haiku.

Đó có thể là hình ảnh những chàng trai bao trong cuộc sống đô thị hiện đại như trong thơ Đông Tùng: "Những chàng trai bao/ đêm về trên phố/ bất chợt mưa rào".

Đó cũng có thể là chuyện kẹt xe - hình ảnh quen thuộc với tình trạng giao thông ở Việt Nam: "Nắng hè/ kẹt xe/ thèm tiếng ve". (Võ Văn Nam)

Hay những tình cảm giữa người với người mà ít thấy trong haiku Nhật: như tình thầy trò: "Rời nhà thầy/ nắng rẽ mây/ khai sáng" (Quỳnh Trang), tình cha con: "Mồ hôi/ kết thành muối mặn/ trắng lưng cha" (Thu Nở) và tình bạn bè: "Tiễn bạn bên rừng/ bỗng dưng khóe mắt/ đầy ánh trăng xuân" (Đông Tùng)...

1.3. Nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất trong haiku Việt đó là sự xuất hiện và "lên ngôi" của đề tài tình yêu. Điều này có thể làm cho những ai quen đọc thơ haiku Nhật cổ điển sẽ thấy "buồn cười", nhưng chúng ta hãy nhớ rằng Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên biến haiku thành thơ tình. Ở Mỹ đã có hẳn dòng Erotic haiku (haiku tình yêu, haiku nhục cảm) và được đón nhận rộng rãi:

"Đang giữ anh/ bên trong em nồng ấm/ tiếng chim sẻ vang lừng"

(Virgil)

"Sâu thẳm/ tôi vào bên trong/ và răng nàng hé sáng"

(Ruth Yarrow)

(Nhật Chiêu dịch)

Vì vậy, haiku về tình yêu ở Việt Nam không phải là hiện tượng hy hữu, ngoại lệ. Trái lại, nó thể hiện được đặc tính tâm lí của người Việt: thích tỏ tình bằng thơ. Ở Nhật, tanka là thể thơ chỉ dành riêng cho việc thể hiện tình cảm luyến ái. Ở Việt Nam, thể thơ lục bát của dân tộc cũng có thể được coi là rất phù hợp cho tiếng nói tình yêu nam nữ. Nhưng dường như nó vẫn chưa đủ với tâm tình của người Việt, vì vậy mà khi haiku du nhập, rất nhanh chóng người Việt đã thổi luồng gió mới là đề tài tình yêu vào trong thơ. Và thật bất ngờ khi dường như haiku Việt đã thành công ở điều này. Nhiều bài haiku thể hiện tình yêu một cách ý nhị, tinh tế... nhưng không làm mất đi tinh thần haiku:

"Nép vào trăng cao/ một bờ môi nhỏ/ cùng ta đêm nào" (Thiên Bảo)

"Em tặng riêng tôi/ nụ hoa son đỏ/ mọc trên đỉnh đồi" (Minh Trí)

"Cúc áo bung ra/ trắng ngần/ hạ đến" (Đức Việt)

"Trăng mờ/ leo đồi/ vướng gai trinh nữ" (Lưu Đức Trung)

"Cúp điện/ em ngủ ngon lành/ gió từ tay anh" (Thanh Tùng)

"Em lên mười sáu/ hương sắc đong đầy/ nguyệt tràn hiên mây" (Đông Tùng)

 

2. Hình thức thơ

Nhìn chung, thơ haiku Việt vẫn giữ được tinh thần cơ bản về mặt hình thức của haiku Nhật, đó là tính cực ngắn, cô đọng, hạn chế tối đa số lượng từ ngữ.

Haiku Nhật, như đã biết, một bài thơ có 17 âm tiết, được ngắt nhịp 5/7/5 và trong suốt mấy thế kỷ hình thành và phát triển, dường như chưa bao giờ nó ra ngoài quy phạm ấy.

Tuy nhiên, đến Việt Nam, do đặc điểm loại hình ngôn ngữ khác nhau nên bài haiku Việt thường không thể theo cấu trúc ngắt nhịp 5/7/5 như haiku Nhật. Một bài haiku Việt có số lượng tiếng/ âm tiết tối đa là 17 (đây cũng chỉ là quy ước tạm thời). Và cách ngắt dường như không có giới hạn. Thiết nghĩ điều này khá thú vị bởi số lượng âm tiết trong một bài, hay cách ngắt nhịp trong từng bài thường tùy thuộc vào mạch cảm xúc của người viết. Vì vậy haiku Việt thường không cố định cách ngắt nhịp hay số chữ/ âm tiết. 

Nhịp 1/1/ 3: "Đàn/ đứt/ một tiếng buồn" (Lưu Đức Trung)

2/2/2: "Bà lão/ liêu xiêu/ nắng chiều" (Minh Vi)

2/1/4: "Sài Gòn/ mưa/ oằn mình phố ngập" (Trần Xuân Tiến)

4/3/4: "Trên lá môn non/ giọt sương đọng/ vầng trăng tí hon" (Trần Đức Việt)

 4/4/4: "Lau trắng ven đồi/ lặng nhìn lữ khách/ trong màn mưa rơi" (Nhã Trúc)

Cách ngắt nhịp 3/3/3 hay 4/3/3 hay 4/4/4 là cách ngắt nhịp phổ biến và được ưa chuộng nhất trong haiku Việt. Tại sao lại có hiện tượng này? Có lẽ đây là điều thú vị liên quan tới nhiều vấn đề. Tuy nhiên, trong giới hạn bài viết này, chúng tôi chưa thể khảo sát, phân tích hết. Cũng như việc thống kê số lượng cách ngắt nhịp trong một bài haiku Việt, chúng tôi xin hẹn ở một bài viết khác.

Nhìn chung, về mặt hình thức (chủ yếu là số lượng âm tiết và cách ngắt nhịp) trong haiku Việt có sự khác biệt so với haiku Nhật. Haiku Việt đã thoát ra khỏi cái khuôn khổ giới hạn, quy định vốn có của haiku Nhật, thể hiện sự tự do, phóng khoáng trong hình thức sáng tạo. Tuy nhiên, điều quan trọng làm nên tinh thần của haiku là "tính cực ngắn" trong câu chữ, các nhà thơ haiku Việt vẫn luôn cố gắng giữ được trong sự uyển chuyển,tinh tế và sống động nhất có thể của ngôn ngữ Việt. Đây cũng là một thử thách đối với các haijin.

Về vấn đề "vần" trong thơ haiku Việt, đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng haiku không nên có vần (vì thơ Nhật ít/không có gieo vần trong một câu haiku mà chỉ có từ ngắt). Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc gieo vần trong thơ haiku Việt sẽ làm cho bài thơ hay hơn, dễ nhớ hơn.

Trên thực tế, cái hay của một bài haiku là ở tứ thơ và ý nghĩa Thiền vị của nó tạo ra qua hình ảnh, ngôn từ. Việc gieo vần hay không nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến nội dung, tứ thơ. Có những bài haiku Việt không gieo vần nhưng vẫn rất hay vì nó mang đậm tính Thiền, đi vào chiều sâu của sự suy nghiệm và nắm bắt khoảnh khắc:

"Uống quả dừa/ hút đại dương/ vào vũ trụ" (Lưu Đức Trung)

"Trong nắng mai/ giọt sương tự hỏi/ tan rồi hay chưa?" (Thanh Tùng)

"Vỏ sò trên vách núi/ con sóng nào/ nổi trôi" (Mai Liên)

Tuy vậy, xu hướng làm thơ haiku gieo vần ngày càng thu hút nhiều haijin hơn. Không phải vì gieo vần trong thơ haiku dễ dàng hơn việc không gieo vần, mà có lẽ vì những bài haiku gieo vần đọc lên nghe âm vang, dễ đi vào lòng người đọc hơn. Cùng một tứ thơ nhưng với bài haiku gieo vần, người đọc sẽ thích nghe bài có gieo vần hơn. Có lẽ đọc thơ có vần điệu cũng đã trở thành một thói quen của người Việt. Bản thân tiếng Việt vốn đa thanh nên việc gieo vần có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, không phải bài haiku nào gieo vần cũng hay. Việc gieo vần phải tự nhiên, phù hợp với tứ thơ, tư tưởng, tình cảm trong thơ. Khi nội dung và hình thức hòa quyện với nhau, ngôn ngữ gọi đúng tên tình cảm, cảm xúc mới có thể có những bài haiku gieo vần hay, tự nhiên. Một số nhà thơ haiku gieo vần hay hiện nay có thể kể đến như Đông Tùng, Thái Trọng,Thùy Nhung...

Theo nhịp chuông lay/ tương phùng một thoáng/để rồi mây bay. (Đông Tùng)

"Chiếc quạt ngang trời/ cánh diều nhỏ/ cho mùa hạ vơi" (Thái Trọng)

"Soi bóng dưới ao/ đất trời lộn ngược/ thân ta chốn nào" (Thùy Nhung)

"Trăm năm ơi/ kiến bò miệng chén/ người leo vách đời". (Thùy Nhung)

Với những bài thơ được gieo vần như vậy, chúng ta thấy "vần điệu" đã làm cho tứ thơ đẹp hơn, hay hơn và tạo ra ấn tượng mạnh với người đọc. Đôi lúc người đọc sẽ nhớ ngay từ lần đầu tiên được nghe. Tuy nhiên, việc gieo vần cũng cần chú ý không nên quá lạm dụng hoặc gieo vần gượng ép. Vì nếu không sẽ tạo ra tác dụng ngược lại, dễ đưa haiku vào chỗ nhàm chán, trùng lặp về mặt tiết tấu, hạn chế khả năng sáng tạo hình ảnh thơ.

 

3. Tinh thần Thiền tông

Tinh thần Thiền tông chính là yếu tố quan trọng nhất làm nên giá trị, vẻ đẹp của thơ haiku. Yếu tố Thiền trong thơ haiku thường được thể hiện qua những khoảnh khắc "đốn ngộ"của thi nhân về đời sống: sự bình đẳng, vô sai biệt; sự hòa hợp giữa tiểu ngã và đại ngã, mối tương giao giữa con người và vũ trụ, khoảnh khắc và thiên thu... Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nhà thơ haiku vĩ đại của Nhật Bản đều là những Thiền giả uyên thâm. Basho là nhà thơ và cũng là thiền sư."Đỉnh mây/ tan bao nhiêu cụm/ cho trăng lên đầy" (Basho)

Bài haiku trên của Basho không chỉ là hình ảnh thiên nhiên đẹp, kì vĩ của vũ trụ mà đó còn là một công án Thiền với ý vị uyên thâm. Yếu tố Thiền, tinh thần Thiền là điểm khó nhất trong thơ haiku. Đây thật sự là thử thách với bất kì haijin nào.

Một số nhà thơ haiku Việt Nam đã có được những bài thơ thật sự hay, mang đậm thiền vị. Nhưng quả thật, số này không nhiều.

"Mảnh ngói rơi/ giật mình/ ánh trăng soi" (Lưu Đức Trung)

Bài thơ là khoảnh khắc con người đối diện với cái đẹp. Mảnh ngói vô tình rơi xuống, đồng thời là cơ hội để tâm hồn con người có thể phá củi xổ lồng, thể nhập vào vũ trụ vô biên bên ngoài. Khoảnh khắc ấy, nếu không mở rộng lòng ta, "thức nhọn giác quan" thì không dễ gì có được.

"Trên lá môn non/ giọt sương đọng/ vầng trăng tí hon" (Trần Đức Việt)

Bài thơ đoạt giải nhất trong Cuộc thi thơ haiku Lần thứ 3 của tác giả Trần Đức Việt cũng là một bài thơ đẹp, đậm đà Thiền vị. Giọt sương nhỏ đọng trên lá môn non, ít ai để ý nhưng nó cũng có thể bao chứa cả vầng trăng - vẻ đẹp lớn lao của vũ trụ trong hình ảnh của nó. Thiền vị trong thơ haiku là điều không thể có được trong một sớm một chiều. Haijin cần trau dồi những kinh nghiệm Thiền học, kinh nghiệm đời sống, sự nhạy bén, tinh tế trong cảm xúc, và đặc biệt là luôn giữ được một tâm hồn nguyên sơ, trong sáng với cái nhìn "vô sai biệt", cái nhìn trẻ thơ trước cuộc sống.

Chính vì vậy mà haiku - hài cú đạo còn là "con đường tâm linh" cho mỗi chúng ta. Những bài thơ nhỏ bé như hạt cát, như bông hoa dại, như hạt bụi giữa ánh sáng mặt trời... ấy có thể đánh thức sức mạnh tinh thần, đời sống tâm linh cao cả trong mỗi người, đó cũng là điều chúng ta thường đánh mất trong một cuộc sống hiện đại trong sự tràn ngập những máy móc, thiết bị công nghệnhư ngày nay.

* Kết luận

Tiếp nhận thơ Haiku ở Việt Nam đã trải qua một quá trình khá dài nhưng haiku chỉ thực sự được biết đến và ảnh hưởng đến độc giả vào những thập niên 70 - 80 của thế kỉ XX. Sang đầu thế kỉ XXI, với tâm huyết của những nhà khoa học, người yêu thơ haiku, haiku Nhật đã thực sự bén rễ và phát triển mạnh thành một trào lưu như ngày nay. Mấy thập kỷ của haiku so với 1000 năm du nhập vào Việt Nam của thơ Đường, con số ấy quả là chênh lệch. Tuy nhiên, với những gì mà haiku đã và đang mang lại cho đời sống thơ ca, đời sống tinh thần của người Việt, chúng ta có quyền hy vọng về một tương lai bền vững cho haiku nói riêng, cũng như cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Nhật nói chung.

(Nguồn: Tạp chí Thơ- HNV)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *