Ống kính phê bình

29/9
10:00 AM 2017

LÀM NGƯỜI

Nguyễn Chí Hoan-Mạch ngầm là một trong những cuốn sách xuất sắc nhất mấy năm gần đây thuộc dòng văn học tự truyện-hư cấu. Thể loại này trong văn chương nước nhà thực ra chưa được minh định, vẫn còn nấp vào cái bóng lớn của tiểu thuyết.

Ấy là một lý do khiến qua nhiều năm vẫn có nhiều ý kiến than phiền tiểu thuyết sao không “đổi mới” về hình thức thể hiện hay vẫn thiếu hụt “chất” tiểu thuyết. Mặt khác, dường như cái mặc cảm của việc xưng “tôi” để tự thú đời mình trước công chúng, dẫu đã được chấp nhận là có hư cấu, vẫn còn nặng nề.

Dù vậy, Mạch ngầm  đã cho thấy chất xúc cảm chân tình thuyết phục, sự thẳng thắn và tính chân thực can đảm, chất lượng văn học của kết cấu truyện và trình thuật kể, cho đến các chân dung nhân vật đa dạng và sinh động – tất cả gây những ấn tượng mạnh, độc đáo như  đã có thể thấy qua một số tác phẩm tương tự : Dòng sông mang lửa của Hồ Sỹ Hậu, Thời hoa lửa của Kiều Vượng, v.v.

Chứng kiến trên trang giấy một cảnh sinh động đến giật mình khi nhân vật Phạm Minh Hùng – người kể chuyện xưng “tôi” của Mạch ngầm  -  kể một cách hết sức tự nhiên việc anh ta tát vào mặt vợ, đuổi vợ về nhà đẻ, vì cô vợ tự ý đẩy mẹ chồng vào cảnh ăn cơm riêng … có lẽ đông đảo bạn đọc ngày nay sẽ không khỏi thấy sửng sốt bất mãn. Ta thấy cái phong hóa của xã hội đất nước đã biến đổi biết bao trong vòng có mấy thập niên. Chi tiết nhỏ nhưng rất đáng giá như thế của câu chuyện góp phần rất lớn trong việc phục dựng một diện mạo phong hóa , một diện mạo đạo lý vốn có của thôn làng Việt.

Tính chất tự thú, từ những tình tiết đại loại như vậy, chính là đặc điểm quan trọng và là ưu thế lớn nhất của văn chương tự truyện-hư cấu. Nó nguyên là một thể loại văn học xuất sinh trong lòng nền văn hóa Thiên Chúa giáo phổ quát. Do đó, việc tự thú, bộc bạch đời tư của một cá nhân không bị coi là một xúc phạm hay đáng hổ thẹn, mà ngược lại, là một hành vi tinh thần can đảm, được hợp thức hóa bởi truyền thống, và tất nhiên, thường là một sự tự thú hướng tới hay dưới ánh sáng cái cao cả thiêng liêng.

Và cũng tự nhiên như chính đời sống, truyện kể tự truyện dường như mặc nhiên được đem vào những yếu tố hư cấu trong chừng mực chấp nhận được. Bởi lẽ khi kể đời mình thành một câu chuyện, người kể buộc phải tuân theo nhiều khuôn mẫu mà ngôn ngữ chung đã hun đúc nên trong mỗi truyền thống kể; chẳng hạn, đơn giản nhất, mấy việc trong quá khứ đã cùng lúc xảy ra nhưng khi kể lại sẽ phải thể hiện như là chúng nối tiếp nhau theo tuyến tính, v.v. ; và những “kỹ thuật” trần tình như thế đã tạo ra cái không-thời gian căn bản cho hư cấu nảy sinh,vẫy vùng.

Vả lại, hư cấu không là điều quá quan trọng đối với văn chương tự thú hay tự truyện. Một tự truyện chân thành luôn hướng vào chủ đề quan trọng nhất: “tôi” đã sống làm người như thế nào.

Trong Mạch ngầm  , nhân vật người lái xe mang tên Phạm Minh Hùng dồn hết tâm huyết cho câu chuyện sống làm người của chính mình, một hành trình khá nổi chìm truân chuyên nhưng cũng rất đáng tự hào về tư cách và thành công của một cá nhân “trai thời loạn.” Một câu chuyện đời rất đặc thù, cá biệt, song lại có tính biểu trưng cho truyền thống văn hóa một thời: nhân vật kể chuyện cùng người anh trai của anh ta tuân theo phương châm sống gói thâm trầm trong lời dăn của người mẹ của họ - Hai anh em con phải nhớ: nhà mình không như nhà người ta, nên con người ta cố một, anh em con phải cố gấp hai gấp ba. Đã đi thì khổ mấy cũng cố chịu, và phải biết giữ gìn mọi nhẽ, đừng để xảy ra chuyện gì. Để xảy chuyện, bị người ta đuổi về, thì không chỉ khổ anh em mày  mà nhà mình sẽ mang tai mang tiếng không gột rửa được, mẹ không biết giấu mặt vào đâu đâu. Nhớ đấy!

Người cha hàm oan khi bị giết oan trong kháng chiến khiến cho gia đình này dẫu là một “Gia đình liệt sĩ” có chứng nhận “Tổ Quốc ghi công” đàng hoàng vẫn bị ngầm liệt vào loại “lý lịch có vấn đề.” Hậu quả là hết người anh đến người em không cách gì đi “thoát ly” cho được. Vào cái thời chưa quá xa ấy, đối với thanh niên nông thôn, con đường tiến thủ duy nhất là phải “thoát ly” được cảnh “theo đít trâu cày”. Có thể đi học, có thể đi công nhân, có thể đi bộ đội v.v. miễn là “thoát ly” mới nói được đến chuyện ước mơ, tiền đồ. Mà việc “thoát ly” đó lại được kiểm soát gắt gao qua mấy hệ thống quan liêu hành chính. Từ cái bối cảnh ấy, cái điểm xuất phát như thế của nhân vật – cả hai anh em họ đều học giỏi, có tài năng bẩm sinh và đều bị “lý lịch” trói giật vào cổng làng – mới thấy lời dặn của người mẹ ấy thâm sâu gói gọn cái “đạo của người quân tử” vốn đã Việt hóa từ bao đời nay, đồng thời thông qua hình thức lời dặn, một biểu đạt điển hình của tình gia đình mẫu tử, mà bà mẹ cập nhật cái đạo lý ấy vào hoàn cảnh cụ thể một gia cảnh cá biệt, dùng ý thức truyền thống về “gia phong”biến nó thành gần như một lời nguyện thề. Cái lý tưởng làm người giản dị và sâu sắc thế.

Mà tất nhiên, những ủy thác hệ trọng đến đâu thì cũng thành bại do người nhận ủy thác. Phạm Minh Hùng, bằng năng lực xuất sắc của mình hết lần này đến lần khác, mười hai lượt, tìm con đường tiến thủ bên ngoài lũy tre làng. Ở đây, nhân vật tập trung vào ưu tiên mạch truyện kể về quá trình anh ta được trở nên một người lái xe chính thức, có bằng lái – thứ quý giá và hiếm có khó tìm thời ấy – và đạt đến những vai trò nổi bật và uy tín trong tất cả những cơ quan xí nghiệp Nhà nước mà số phận đưa chân anh ta vào.  Đó là cái cốt truyện cho câu chuyện làm người của nhân vật.

Anh ta làm như thế nào? Điều thú vị nhất, đáng nhớ và đáng nghĩ hơn cả ở cuốn sách này, ở câu chuyện của người lái xe Phạm Minh Hùng, là tính chuyên nghiệp, tác phong chuyên nghiệp mà anh ta thể hiện xuyên suốt câu chuyện. Tình tiết biểu hiện dễ thấy nhất về phẩm chất này là ở những đoạn người kể chuyện mô tả rất xúc cảm, hào hứng, nhuần nhuyễn và tỉ mỉ đến chừng có thể những thao tác xe máy, từ quy trình kiểm tra xe trước khi lăn bánh, khi nghỉ giữa lộ trình - ở cả góc độ người lái phụ và người lái chính – đến những thao tác lái xe thông thường, thao tác lái đặc biệt khi xử lý những tình huống khó khăn nguy hiểm, v.v. cho đến những cung bậc cảm xúc của một “bác tài” với từng chiếc xe dưới tay mình, với từng lộ trình quen thuộc hay mới lạ, với từng chuyến hàng, từng công trường, với những ngày phục vụ chiến đấu trong Chiến tranh 19-2-1979.v.v.

 Nhìn chung, tất cả các đoạn mô tả hành động với xe và máy móc đã tạo nên đặc điểm nổi trội nhất của tác phẩm này xét về mặt văn học của câu chuyện.  Những mô tả đó lặp đi lặp lại, dù mỗi lần không chiếm nhiều dung lượng kể, mà mỗi lần mỗi khác. Rất có thể sẽ có người đọc không hứng thú hay không thấy có ý nghĩa mấy với loại tình tiết “khô khan” này. Vả lại, bên cạnh đó là dày dặn những chuyện đời rất sống động của người kể và của những người – những nhân vật – đồng hành hay đi ngang qua cuộc đời của anh ta:  cảnh sát giao thông,   cô giáo mỏi mòn miền sơn cước, người công nhân làm đường, những người lái xe khác v.v. và v.v. dễ dàng lôi cuốn sự tò mò của người đọc nói chung. Tuy nhiên, điều rõ ràng và độc đáo mà tác phẩm này chỉ ra, là: làm sao có thể kể về cuộc đời một người lái xe mà không kể đến việc anh ta lái xe thế nào?! Bởi con người ta đều có một thói quen rất lớn, thậm chí là một thói quen sinh tử: nghề nghiệp. Và ở đây, hơn hết, chính là phẩm chất xúc cảm toát lên một cách không thể nhầm lẫn hay bỏ qua từ những mô tả các thao tác các trạng huống nghề nghiệp ấy: tình người và tính người biểu đạt trong ý thức và hành xử chuyên nghiệp. Chất xúc cảm đó khiến người ta không thể không ngẫm nghĩ: nhân vật Phạm Minh Hùng đây, sống làm người  yêu nghề, hiểu và thạo nghề đến cặn kẽ và toàn diện,  trân trọng từng chiếc xe, từng chi tiết máy, trân trọng ý thức chuyên nghiệp như thể đó là sinh mạng thứ hai của anh ta. Và cần phải nói, dù có thể thừa, rằng tính chuyên nghiệp là  điều kiện cần để có ý thức về đạo đức nghề nghiệp, rộng ra là có đạo đức.

Điều kiện đủ để có đạo đức nghề nghiệp: chính là phải có đạo đức. Ta thấy, hoàn toàn không ngẫu nhiên, mà cũng là một trong những đặc điểm khiến ta nhận ra ở Mạch ngầm một tự truyện-hư cấu, là việc người kể nhắc đi nhắc lại lời dặn của người mẹ anh ta. Lời dặn ấy được hai anh em người kể dùng làm thước đo cho mọi tình huống khi cần phải lựa chọn, cho mọi thành tựu lớn hay nhỏ mà họ đạt tới. Như đã dẫn ở trên, ta thấy lời dặn đó, rất tự nhiên, có một cấu trúc, mang tính “quy phạm” hẳn hoi, truyền thống: cá nhân phải đặt gia đình lớn lên trước, con cái phải làm rạng danh cha mẹ và gia tộc, làm người cần phải biết tuân thủ ( - Đã đi thì khổ mấy cũng cố chịu, và phải biết giữ gìn mọi nhẽ, đừng để xảy ra chuyện gì.- ) và biết thời biết thế ( - nhà mình không như nhà người ta,…)

Có thể nói không sợ quá lời: toàn bộ câu chuyện đời của nhân vật Phạm Minh Hùng, cũng như của nhân vật người anh của anh ta, dường như chứng minh cho tính đúng đắn của lời tiên tri ẩn trong lời dặn của người mẹ của họ - một trong những  Mạch ngầm đầy sức mạnh. Lời tiên tri ngầm ẩn của lòng tin: người mẹ tin các con trai của bà sẽ không để bà phải “giấu mặt” đi. Một niềm tin như thế chỉ dựa trên hiện thực của đạo đức: các con của bà đều nhất mực hiếu thảo, học giỏi, có chí hướng và hoài bão nhưng cũng rất biết chịu đựng, bền bỉ và khôn khéo.

Bản thân cuộc đời người lái xe Phạm Minh Hùng đã mang những “mạch ngầm” dẫu rốt cuộc vẫn là tuôn chảy xứng đáng dưới ánh mặt trời. Anh ta là một mẫu của đạo đức truyền thống thích nghi trong thời đại mới: biết “chấp kinh” và biết “ngộ biến tòng quyền” nhưng không theo kiểu hiện đại cơ hội chủ nghĩa mà luôn luôn có nguyên tắc. Tính chuyên nghiệp kỹ thuật, là nguyên tắc, mà ngay cả  đạn đại bác quân bành trướng nổ bốn xung quanh cũng không thể khiến rời bỏ hay làm sai. Giữ đức nhân, là nguyên tắc, nên, chẳng hạn, không xuống tay với kẻ xưa kia hại cha mình nhưng nay đã tàn tạ trả giá và mở lời hối hận van xin, dù anh đã phải bao năm lần tìm mới có cơ giáp mặt. Hiếu đễ, là nguyên tắc, nên, chẳng hạn, dứt khoát gạt bỏ cô người yêu mà gia đình cô ta khinh miệt gia đình mình, nên lấy vợ không cần yêu chỉ để có người chăm nom mẹ mình, nên tìm kiếm một đứa con trai ngoài giá thú để khỏi mang tội với gia tộc; …

Hẳn ta không nên nhầm lẫn một câu chuyện làm người với những cái gọi là “bài học làm người.” Chúng khác nhau. Trong câu chuyện làm người của nhân vật người lái xe Phạm Minh Hùng, điều rất thú vị khi ta nghiệm trải một hiện thực “nhân vô thập toàn.”  Người kể không giấu diếm điều ấy ở mình và ở những người khác – những nhân vật anh ta biết và kể đến, mà phần lớn là những nhân vật hoặc gần gũi hoặc thân quen và giúp rập nâng đỡ anh ta. Trên phương diện đó, Mạch ngầm quả xứng đáng được đọc như một tiểu thuyết./.

 

Nguồn Văn nghệ số 39/2017

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *