Ống kính phê bình

26/5
8:01 AM 2017

CHỦ NGHĨA DUY LÝ KỸ THUẬT VÀ SỰ KHỦNG HOẢNG CÁC GIÁ TRỊ NHÂN VĂN

NGÔ HƯƠNG GIANG-Có thể nói, chủ nghĩa nhân văn Phục hưng ra đời đã giải phóng con người ra khỏi thế giới thần quyền ngự trị phương Tây suốt thời kì Trung cổ kéo dài hàng trăm năm, đưa nhận thức con người từ “trên trời xuống dưới mặt đất”, hướng ý niệm về vai trò của nhân loại từ sự phụ thuộc vào đấng tối thượng đến việc xem chính con người là hạt nhân của thế giới.

Bàn về khái niệm “lí tính kĩ thuật”, giới triết học, nhân học và văn học không thể bỏ qua vai trò của giáo dục giá trị nhân văn cho con người. Giá trị nhân văn trong giai đoạn hậu công nghiệp không còn dừng lại ở các tiêu chí thẩm mĩ trong mối quan hệ giữa con người với con người như thời Phục hưng thế kỉ XVII hay chủ nghĩa nhân văn Pháp thế kỉ XVIII và cũng không phải là sự phát triển một thứ nhân văn duy lí trong thời đại công nghiệp hóa thế kỉ XIX - XX, mà thực chất nhấn mạnh đến một kiểu nhân văn mới: nhân văn kĩ thuật.

Vậy thế nào là chủ nghĩa nhân văn kĩ thuật? Nó khác biệt với chủ nghĩa nhân văn duy lí thế kỉ XIX và chủ nghĩa nhân văn Phục hưng như thế nào? Việc phê phán đối với bản chất của kiểu con người kĩ thuật cần được hiểu ra sao? Chúng ta cần chống lại sự khủng hoảng các giá trị nhân văn trong xã hội hậu công nghiệp ở khía cạnh nào?... Đó là những vấn đề triết học cần được giải quyết một cách cụ thể.

Có thể nói, chủ nghĩa nhân văn Phục hưng ra đời đã giải phóng con người ra khỏi thế giới thần quyền ngự trị phương Tây suốt thời kì Trung cổ kéo dài hàng trăm năm, đưa nhận thức con người từ “trên trời xuống dưới mặt đất”, hướng ý niệm về vai trò của nhân loại từ sự phụ thuộc vào đấng tối thượng đến việc xem chính con người là hạt nhân của thế giới.

Vì vậy, các giá trị của con người được đề cao như là sự tổng hòa các giá trị giữa tự nhiên và thần học, giữa khoa học và đức tin, giữa cảm xúc và nhận thức lí tính. Do đó, những sản phẩm của nghệ thuật Phục hưng ra đời là để tôn vinh sự có mặt của con người trong vũ trụ, tôn vinh các vẻ đẹp cá nhân mà thời Hy Lạp - La Mã đã góp phần xây dựng nên các kiểu mẫu chuẩn mực cho chủ nghĩa nhân văn này.

Việc chủ nghĩa nhân văn Phục hưng ra đời đã giải quyết mối quan hệ trung dung, đa chiều khi đánh giá về phẩm chất, sức mạnh chinh phục tự nhiên, chinh phục thế giới tinh thần mà con người đã làm. Những bức họa của Leonardo da Vinci, hay các tác phẩm điêu khắc của Michelangelo được xem là biểu trưng cho các giá trị nghệ thuật chuẩn mực về cái đẹp, về sự cao cả của con người trong giới tự nhiên và xã hội. Con người được đề cao không phải như một hoạt động duy lí một chiều, mà là sự duy lí cộng sinh các giá trị cuộc sống.

Bước sang thế kỉ XVIII và XIX, chủ nghĩa duy lí phương Tây dường như đã trở thành một hoạt động chống lại chủ nghĩa nhân văn, chống lại các giá trị cộng đồng, cộng hữu giữa tự nhiên và xã hội, giữa thần học và khoa học, đưa đến sự khai sinh của một thứ nhân văn cá nhân chủ nghĩa. Các giá trị cộng đồng hay các giá trị tổng hợp được thay thế bởi kinh nghiệm cá nhân. Chúng đề cao sức mạnh của cá nhân con người theo nghĩa mà Friedrich Nietzsche đã khởi xướng “Chúa đã chết” và con người có quyền năng sức mạnh ý chí như một vị Chúa. Sức mạnh cá nhân đã đem lại cho nền công nghiệp thế kỉ XIX một sự thay đổi toàn diện về chất. Nền văn minh vật chất được chú trọng và cùng với đó là vai trò cá nhân con người cũng được đề cao.

 Tuy nhiên, cũng chính từ việc đề cao lí trí con người như vậy đã đưa đến sự hình thành của kiểu “con người đơn độc”, mọi phán đoán cá nhân được xem như là thước đo của sự điều phối cuộc sống bên ngoài. Cái ý chí tối thượng của con người đã biến họ trở thành bức tường ngăn cách đối với các cá nhân, cộng đồng khác, để có thể giao tiếp, đối thoại nhằm đưa đến hiểu biết lẫn nhau, giảm thiểu các ảo tưởng duy lí. Sự duy lí cá nhân này thực sự đã đưa con người vào một “tình thế triết học” là sự vắng bóng của tính người trong hiện hữu thực tại, điều mà E. From đã cảnh báo, rằng “Con người đã chết”. Những gì mà nhân loại đã làm trong thế chiến I và thế chiến II, chính là cách để chúng ta hình dung về sự đơn độc của con người trong thế giới, một thế giới của sự nghi hoặc và sát hại lẫn nhau. Thế giới đó không thể có sự bao dung và đối thoại, lại càng không thể tồn tại các giá trị nhân đạo và nhân văn.
 

 


Và thực tế ngày nay, những di chỉ từ quá khứ thế chiến I và thế chiến II như thảm cảnh Holocaust, chấn thương tâm lí Hiroshima - Nagasaki, đã cho thấy tính chất một chiều trong việc đánh giá lí trí cá nhân của con người. Con người đã xem lí trí ấy như là sức mạnh tối thượng, cắt bỏ các chiều kích của duy cảm và duy tình. Kiểu con người duy lí, một chiều như thế, ngày nay không những không mất đi mà còn biến đổi về bản chất theo cấp độ duy lí hơn - một thứ duy lí vô cảm của kiểu thức nhân bản kĩ thuật, khi mà loài người bước sang giai đoạn mới của chủ nghĩa kĩ trị: giai đoạn hậu công nghiệp.

Ngay từ cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX các nhà marxist phương Tây như T.Adorno, H.Marcuse, J.Habermas, J.Baudrillard, M.Foucault đã phê phán rất mạnh mẽ về sự duy lí kĩ thuật này. Thậm chí Michel Foucault đã nhắc đến sự vắng bóng của con người trong hoạt động sống của nó. Kiểu “con người một chiều” như Marcuse đề xướng trong xã hội kĩ nghệ ngày nay không chỉ nhắm vào sự nhận thức mang tính duy lí nữa, mà thực sự trở thành một sự xóa bỏ các chiều kích của tư duy, trở thành loại hình “nhân bản robot”. Con người trong thế giới công nghệ ngày nay thực sự đã trở thành kiểu thức con người không chiều kích, không còn mang tính duy lí tự chủ như trong triết học truyền thống thế kỉ XIX mà đã trở thành một thứ “duy lí bị động”, “duy lí tai biến” trong thế giới máy móc công nghệ.

Jean Laloup và Jean Nélis đã nhắc đến con người và máy móc trong cuốn sách thú vị Người và Máy: Nhập môn nhân bản kĩ thuật như là quan điểm về sự hoán đổi không tách rời giữa thế giới hữu cơ và thế giới vô cơ. Nhưng sự hoán chuyển ấy, giờ đây, không còn là hai chiều biện chứng nữa, mà trở thành đơn cực, theo nghĩa: máy - người. Con người không còn là chủ nhân của máy móc, mà giữa chúng đã có sự hoán chuyển trong thực tiễn: máy móc là chủ nhân của con người - một sự phụ thuộc không lí do.

Một kiểu ngôn ngữ mang tính lập trình trong các dây chuyền công nghệ đã đặt con người vào tình huống buộc phải theo, đã chính thức chấm dứt vai trò “sinh động của nhận thức thực tiễn” ở con người. Con người sống, hưởng thụ, quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống, nhân sinh như một cái máy. Sinh hoạt nhân văn cũng bị lập trình. Giấc mơ về một sự hưởng thụ nghệ thuật như thế kỉ nhân văn Phục hưng giờ chỉ còn là dĩ vãng. Con người đã “điện tử hóa” các giá trị thẩm mĩ. Nghệ thuật cũng bị “điện tử hóa” về mặt ý niệm. Hội họa, giờ đây, là hội họa điện tử. Âm nhạc, giờ đây cũng là âm nhạc điện tử. Thưởng thức nghệ thuật giờ đây không phải là cảm xúc, sự nghiền ngẫm, trầm tư mà thay vào đó là cảm giác “nhanh”, “mạnh”, là chạm đến bản năng khoái dục…Mối quan hệ giữa con người với con người không còn ràng buộc bởi ngôn ngữ sống động đời thường khi có sự đối thoại trực tiếp, mà thay vào đó, chiếc máy tính trở thành cánh cửa cho phép con người nhìn nhau nhưng không thể thấy nhau, gọi nhau nhưng không nghe thấy lời nói của nhau, tương tác với nhau nhưng thật khó để có thể hiểu nhau.

Con người đã thực sự bước vào giai đoạn khủng hoảng các giá trị tính người. Vai trò của cộng đồng xã hội trở nên vắng bóng trong các hoạt động cá nhân. Con người luôn nghĩ mình đang đối thoại với cộng đồng một cách dễ dàng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng thực tiễn lại ngược với điều đó, chính các phương tiện truyền thông này đã “đặt” con người vào tình huống “dễ dàng” được đối thoại, nghĩa là tác nhân quy định sự đối thoại ngày nay không phải từ phía con người mà là từ phía kĩ thuật. Cộng đồng xã hội, giờ đây, được định nghĩa như là một thứ “cộng đồng ảo”; cuộc sống sinh động giờ đây cũng được thay bằng thuật ngữ “đời sống ảo”, “lối sống ảo”… Tất cả thực tiễn trên đã đẩy các phán đoán, nhận thức, cũng như các tiêu chí sống của con người vào một thứ chủ nghĩa cá nhân duy kĩ thuật.

Các giá trị nhân bản mà con người hiện thời đặt ra dường như chỉ là thước đo “ảo tưởng” do họ tự “lập trình”. Không còn các tiêu chí để hướng đến một thứ nhân văn đích thực(1), khi mà các chiều nhận thức của con người luôn trong tình huống “không chiều kích”. Những chiều kích mà con người đương thời vẽ ra chỉ là các dạng thức khác nhau của một thứ “chủ nghĩa hư vô” không có căn nguyên, không có kết quả, tự sản sinh rồi tự kết thúc, không lí tưởng, không đức tin, không hướng đến sự hi vọng… Những nhận thức theo kiểu lí tính công nghệ ấy đã đưa thế giới tinh thần con người vào trạng thái “đóng băng” cảm xúc. Sự vô cảm trong một xã hội công nghệ, chính là minh chứng cho một thế giới “âm tính” về các giá trị.

 Thực tiễn khủng hoảng nhân văn trong thế kỉ XXI cho thấy chúng ta cần thiết phải trở về với những thành tựu truyền thống Phục hưng; tự mỗi cá nhân cần thiết phải phản tư và phê phán đối với chính các hành động của mình. Sự tự phê phán ấy không phải là một tác động thực hành nhằm phủ nhận thực tiễn đương thời, mà đó là quá trình để mỗi cá nhân tự giảm bớt “các ảo tưởng” về nhận thức khi chung sống trong thế giới công nghệ. Đồng thời với sự phê phán ấy, con người cần tăng cường đối thoại văn hóa, hướng tới xây dựng một xã hội đại đồng, lấy các nguyên tắc trung dung truyền thống làm cơ sở đạo đức để thực hành nhận thức.

Việc đánh giá con người từ góc độ triết học cần được xuất phát từ thực tiễn lao động, thực tiễn sống của con người, vì, đúng như Marx nói: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(2) và cũng chỉ “những người sản xuất mới có thể liên kết với nhau một cách tự do”(3). Cái “quan hệ sản xuất” như Marx nói, cần được hiểu không chỉ là quá trình sản xuất tạo ra của cải vật chất, mà còn là quá trình sáng tạo các giá trị văn hóa, trong đó, mối quan hệ trực tiếp giữa con người với con người trong quan hệ ấy là thước đo xây dựng các nguyên tắc giá trị cuộc sống. Hơn lúc nào hết, và ngay lúc này đây, con người cần phải thoát ra khỏi tình trạng “đóng băng cảm xúc”, cần bước ra khỏi cánh cửa tư duy “không chiều kích”, cần vượt qua giới hạn của tình trạng “vô cảm kĩ thuật” để trở về với chính mình trong tư cách của một “hiện hữu người” (M.Heidegger) sinh động đa chiều kích.

Sự ảnh hưởng của lí tính kĩ thuật đối với hiện thực khủng hoảng đa chiều hiện nay, đặc biệt là sự khủng hoảng về quan niệm tự do và dân chủ, khủng hoảng về các giá trị nhân văn, cho thấy, việc phê phán đối với tinh thần duy lí kĩ thuật là cần thiết. Những bài học được rút ra từ triết học của các triết gia phát triển chủ nghĩa Marx giai đoạn đầu, đặc biệt là lí luận phê phán xã hội của ông, khẳng định thêm một lần nữa sự thắng thế của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng đối với “quý ngài kĩ thuật” (chữ dùng của Martin Hedegger). Từ đó góp phần giảm bớt những ảo tưởng của con người về một đời sống “dư thừa” các giá trị vật chất bên trong “thế giới ảo” của một “hiện thực phì độn”, để con người cần trở về là chính mình trong vai trò cá nhân “sáng tạo vật chất theo quy luật của cái đẹp” (K.Marx - Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844); để các giá trị nhân văn truyền thống được phục hưng thêm một lần nữa trong tinh thần hiện đại đương thời
 
N.H.G

---------
   1. Chủ nghĩa nhân văn đích thực là thuật ngữ được sử dụng lần đầu tiên tại Đức năm 1806 với ý nghĩa như là “chương trình giáo dục các phẩm chất Người của con người trong các nhà trường”. Năm 1856, Georg Voigt đã sử dụng thuật ngữ này để nói về văn hóa thời kì Phục hưng (Renaissance) ở phương Tây (thế kỉ XIV - XVI) theo nghĩa “là môn học nghiên cứu về con người, nghiên cứu bản chất, vị trí, giá trị, cá tính của con người”.
   2. C.Mác và Ph.Ăng-ghen (1993). Toàn tập. Tập 3. Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. tr.11.
  3. Dẫn theo Bùi Văn Nam Sơn trong: Jean - Francois Lyotard (2007). Hoàn cảnh hậu hiện đại. Ngân Xuyên dịch. Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.49.
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *