Ống kính phê bình

5/3
4:49 PM 2019

ĐỌC “TRONG TĨNH TẠI &100 SÁT NA”

LÊ QUỐC HÁN - Nhà thơ, TS Lê Thành Nghị quê ở Can Lộc (Hà Tĩnh). Ông đã trình làng 6 tập thơ và 4 tập Tiểu luận – Phê bình. 3 lần đoạt giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam (2000, 2004, 2018); Giải thưởng Nhà nước về VHNT (2012)

“Trong tĩnh tại & 100 satna” là tập thơ thứ sáu của Lê Thành Nghị (NXB Hội Nhà văn, 2018). Tên tập thơ đã nói lên khá đầy đủ những tâm tư nhà thơ muốn giãi bày, muốn gửi gắm. Do đó không lấy làm ngạc nhiên khi nhà thơ chọn kiểu thơ “Haiku” để biểu hiện, vì thể thơ ngắn của Nhật Bản này đậm chất Thiền. Trong nguyên bản, một bài “Haiku” Nhật gồm 17 âm tiết viết thành 3 dòng (cách xác định số âm tiết trong ngôn ngữ Nhật rất phức tạp không giống ngôn ngữ Việt). Tuy nhiên, “Trong tĩnh tại & 100 satna” không hoàn toàn như vậy. Nó vừa mang tinh thần “Haiku” Nhật, nghĩa là thơ ngắn và mang đậm tư tưởng Thiền; vừa thấm đượm phong vị Đường thi. Mỗi bài thơ trong tập dường như một “sát na’. Phần lớn các một “sát na’ ở đây ba hoặc bốn câu, có “sát na” thực sự như một bài “Haiku” Nhật: Những bông hoa lặng lẽ rơi/ Một hàng cây đứng học bài:/ buông (sát na 17); có “sát na” như một bài thơ tứ tuyệt mang phong vị Đường thi, thâm trầm kín đáo: Một tiếng chuông chiều/ Mái chùa trĩu xuống/ Tiếng binh rằng: có/ Tiếng boong rằng: không/ (sát na 37).

Về tinh thần chung, “Trong tĩnh tại & 100 satna” là những chân lý, những bài học về cuộc đời và con người mà nhà thơ đã sống, chiêm nghiệm và đúc kết được sau khi trải qua hơn một “vòng can chi” trong cõi thế này: Điều gì có thể làm ta quên thời gian?/ Tình yêu!/ Điều gì có thể làm ta quên tình yêu?/ Thời gian! (sát na 8); Nỗi buồn càng cố quên đi/ Càng không thể quên!/ Nỗi đau càng không muốn nhớ/ Mà sao cứ nhớ! (sát na 20). Có những bài học bất ngờ là ta giật mình kinh ngạc: Người đang ném viên kim cương xuống biển/ Không hề có vấn đề thần kinh/ Mọi thứ cầm lên được/ đều có thể buông xuống được (sat na 6). Tiệm vàng/ Môi son, má phấn, váy ngắn, mi cong,/ lóng lánh…/ Nhưng không phải những gì lóng lánh/ cũng là vàng (sát na 11). Có những bài học bất ngờ là ta xa xót, đớn đau: Hạ gục một cái cây/ Cần cái rìu thật bén/ Đốn gục một con người/ Cần cái lưỡi sắc lẹm (sát na 45). 

Nhưng chỉ có những bài học, những chân lý cuộc đời và con người, hẳn tập thơ sẽ khô khan, khó cảm. Trái lại, trong tập thơ này, tình cảm lại thấm đẫm trong từng “sát na”. Từ lòng khắc khoải thương nhớ cố hương, nơi sinh ra và lớn lên, nơi gìn giữ cội nguồn sáng tạo của thi nhân: Cố hương/ Suối trôi tĩnh tại/ Núi động dáng thiền/ Nuôi ta lớn lên! (sát na 1), đến những kỷ niệm xa xót đớn đau về cha mẹ trong một thời khốn khó: Sau cải cách, bị vứt cạnh xó nhà/ Chiếc bình vôi của mẹ ngày xưa/ Đi xa về cầm lên/ Lòng tôi như men rạn (sát na 37), Mỗi lần về ngang ngọn núi/ Thương cha ngày tiễn con đi/ Bóng người từ chiều hôm ấy/ Khuất sau rặng núi không về! (sát na 99). Dù đi khắp bốn phương trời, thi nhân vẫn luôn ngóng về nơi chôn rau cắt rốn của mình, cho lòng vơi bớt nỗi buồn bơ vơ nơi đất khách quê người: Dẫu ở Kinh kỳ đã mấy mươi năm/ Không thoát được cảm giác: đất khách quê người (sát na 46). Dù công thành danh toại, dẫu có một mái ấm cuộc đời, thi nhân vẫn không hết mặc cảm “ăn nhờ ở độ” của người xa xứ: Đã có chốn đi về dẫu nắng dẫu sương/ Không thoát được cảm giác tha hương! (sát na 47).

Tình yêu thiên nhiên hoa lá cỏ cây của thi nhân thật sâu sắc, đậm đà. Bởi thế nhà thơ vô cùng căm phẫn với những kẻ vì cái lợi nhỏ riêng mà tàn phá thiên nhiên môi trường: Che cho người/ Cây tin cậy xỏa cành nghiêng xuống/ Nhà bên kia gã trọc đầu ngấp ngóng/ Xách rìu ra mài! (sát na 14). Chỉ hai từ “ngấp ngóng”, thi nhân đã vạch trần tham lam, đê hèn của kẻ rắp tâm định sát hại cây xanh, hạ gục bản chất ti tiện của gã.

Thi nhân yêu cái đẹp đắm say, cái đẹp của thiên nhiên, của con người với cái nhìn tinh tế, nâng niu: Đóa quỳnh thơm đợi đến nửa đêm/ Vầng trăng non chờ từ chập tối/ Cái đẹp không bao giờ vội (sát na 18). Người thổn thức trằn trọc trước cái đẹp thiên nhiên: Hoa sữa thơm/ Mùa thu xức nước hoa đầu tối/ làm mất ngủ/ Lúc nửa đêm! (sát na 29), trước con người: Khi mùa anh đào về/ Em gái Tokyo mặc Kimono vào chà cầu duyên/ Tôi thắp một nén hương/ Nguyện tóc mình xanh lại (sát na 5). Tình yêu thiên nhiên của thi nhân rộng dài như trời biển. Người xem mỗi cành cây ngọn cỏ, mỗi ngọn gió thổi qua, một đám mây trôi qua cũng thân thuộc đáng yêu như bạn bè, người thân: Biển nhận hết mọi dòng sông đổ về/ Rồi dặn trời độ lượng với những đám mây cô đơn (sát na 33); không muốn làm đau mỗi ngọn cỏ cành cây, không muốn phạm đến tự do của mây bay gió thổi: Dù rất đẹp/ Nhưng không thể làm cầm tay dắt mây về nhà/ Dù biết mây cô đơn/ Nhưng không thể làm mây khuây khỏa (sát na 34).

Bởi yêu thiên nhiên quê hương đất nước, yêu cái đẹp mà thi nhân có những đồng cảm với các nhà thơ, cùng đau với nỗi đau của họ, hóa thân vào những câu thơ “nhỏ máu thành mực” của họ: Suối chảy một đời bằng số cát đã trôi/ Cây đứng một đời bằng bóng mát đã trao/ Nhà thơ viết một đời/ Một đời tim nhói đau! (sát na 55). Người luôn tin vào sự trường tồn vĩnh cửu cửu của thi ca, không một thế lực nào tiêu diệt, thậm chí làm lu mờ được: Với những tên bạo chúa/ Đốt cháy một kinh thàn/ Quá dễ/ Nhưng xóa đi một câu thơ trong ký ức nhân dân/ Khó đấy!(sát na 10).  Bởi vậy, Người dành một sự ngưỡng mộ kính trọng đặc biệt đối với các đại thi hào dân tộc, muốn cùng san sẻ, cùng gánh chịu nỗi oan muôn đời của họ: Về Tiên Điền/ Mộ thi nhân ai vừa tưới rượu/ Nhớ câu thơ/ Không nâng chén bây giờ/ Mai sau ai rưới rượu lên mồ (sátna 96); Thanh bần về vật chất/ Không ảnh hưởng gì đến giàu có tâm hồn/ Ngẫm từ Nguyễn Trãi; Thông thái và cao thượng như Ức Trai/ Vẫn không thoát khỏi cạm bẫy đê hèn/ Cái đẹp thường sơ hở! (sát na 97).

Vâng. Cái đẹp thường sơ hở! Nhưng tôi tin dù ở đâu trên trái đất này, dù thời điểm nào từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, cái đẹp sẽ được cứu rỗi, và cuối cùng sẽ chiến thắng, như lòng tin của thi nhân vê những ngọn núi quê mình: Núi cứ đứng nghìn năm/ Chở che, chở che … đời đời kiếp kiếp/ Không nói một lời! (sát na 79).

LÊ QUỐC HÁN

 

 

                        

 

                     

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                     

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *