Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Những trải nghiệm dọc dài đất nước

(Đọc tập thơ "Màu ký ức" của Nguyễn Hồng Vinh, Nxb Văn học, 2015)

Hải Đường - 23-06-2015 08:01:14 AM

 

Trong đội ngũ các nhà báo làm thơ, tác giả Nguyễn Hồng Vinh mấy năm gần đây xuất hiện đều đặn qua những bài thơ viết về đất nước, làng quê, về nhân tình thế thái… Vẫn giọng thơ hồn hậu, chân thành, với tâm nguyện bày tỏ, sẻ chia những điều vừa thấy, vừa nghĩ với niềm đắm say, lãng mạn, tập thơ Màu Ký ức ra đời đúng vào mùa hè rực hồng hoa phượng, mùa có ngày hội của những người làm báo Việt Nam, 21/6.

Màu ký ức có thể coi là những trải nghiệm dọc dài đất nước của một nhà báo, nhà thơ khát khao tìm hiểu, khám phá những miền đất thân thiết, nhưng còn ẩn chứa nhiều điều mới lạ của Tổ quốc mình. Anh đi từ sông Kỳ Cùng - Lạng Sơn đến sông Hậu, sông Vàm Cỏ; từ Phong Thổ - Lai Châu đến Gia Lai – Tây Nguyên, rồi trở lên Sa Vĩ ở địa đầu phía Bắc, đến Năm Căn ở tận cùng đất nước phía Nam; đi từ Sông Sen - Pari, sông Nhêva ở Xanh Pêtécbua, đến Cata, Đubai; rồi trở về cửa Ba Lạt, cầu Vòi, nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Vừa mới trải qua miền đất: “Rát bỏng giữa Phi châu/ Đường Đubai lửa giấu/ Xanh trong hè nước Nga”, đã lại về “Ba Lạt mênh mang/ Mùa đông chưa về nên vắng đàn chim/ Ong kết mật khẽ khàng vào giấc ngủ” (Trước Cửa Ba Lạt). Nhưng hơn hết, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, rồi ngược lại, cứ thế, đã dần thành miền ký ức! Chẳng thế mà thấu trải nỗi người, nỗi nghề, rồi bỗng chợt thảng thốt: “Tôi đã qua nhiều cánh rừng Tổ quốc/ Nay ngỡ ngàng đứng ngắm lá trung quân” (Về nguồn).

Màu ký ức, theo cảm nhận của tôi, có bốn mảng màu chủ đạo, mà chắc hẳn tác giả không dụng công phân chia một cách rạch ròi. Đó là ký ức những năm tháng đã đi qua cuộc đời anh, từ cậu học trò vùng đồng chiêm trũng năm xưa ở huyện Nam Trực, Nam Định, đến anh sinh viên, phóng viên chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc; và sau này là người làm công tác quản lý báo chí, văn nghệ nước nhà. Thời gian đi qua để lại những số cộng. Còn ký ức đi qua thì để lại những chiêm nghiệm gạn lọc, gợi mở những triết lý bình dị, lắng sâu. Chỉ một câu thơ:“Cuốn sổ nhỏ chất chồng vết xóa” (Hoa tình yêu), cũng đã thấy cuộc đời làm báo, làm thơ của anh hiện lên thật nhọc nhằn, nhưng không kém phần thi vị, cuốn hút…

Đó là ký ức về những phần chìm khuất, từ niềm vui, nỗi buồn, những lo toan riêng tư thường nhật, đến niềm băn khoăn trước những biến thiên thời cuộc. Trong bài Câu hỏi lớn, tác giả viết“Buộc dây cung họ phải chùng/ Gươm sắc kia phải gãy”, phải chăng, đó là thái độ của nhà thơ: Dân tộc Việt Nam yêu nước, luôn nuôi khát vọng hòa bình, nhưng trước họa mất nước, buộc phải đứng lên chống kẻ thù xâm lược! Hay khi thăm Vạn lý Trường thành ở Trung Quốc, nhà thơ thấy: “Con người xưa chỉ với đôi tay/ Bắt tảng đá khổng lồ bay qua thung lũng”. Nhưng nay, sao có thể dửng dưng trước hiện tượng có người đang “xẻ thịt” rừng, “xẻ thịt” sông suối, làm vẩn đục môi trường? Thay vì chinh phục thiên nhiên, con người đang tàn phá, hủy hoại thiên nhiên. Một câu hỏi vang lên day dứt: Chẳng lẽ con người từng làm nên bao kỳ vĩ như Vạn lý Trường thành, lại chính mình đang gây hiểm họa tàn phá thiên nhiên?!

Đó là mảng ký ức về chiến tranh, những trọng điểm đạn bom ác liệt, mà tác giả cùng đồng đội từng có mặt ở ngầm Khe Tang, đèo Phu la nhích… trên đường Trường Sơn huyền thoại; về số phận những con người sau cuộc chiến, những khúc bi tráng đan xen trong lịch sử hiện đại của dân tộc ta. Nhà thơ đứng trước hố bom B52, trước mái nhà lợp lá trung quân thời chống Mỹ, cứu nước; đứng bên cột mốc số 0 nối Sa Vĩ với Năm Căn; đứng trước cửa lớp mẫu giáo gặp con người bạn gái năm xưa, đã và đang say mê giảng bài thơ “Đất nước”gần đó, tiếp nhận cháu mình vào trường mầm non, lòng tác giả cuộn trào cảm xúc, băng khuâng… Đây là phần khá thành công trong tập thơ, vì nó được viết rất giản dị chen lẫn niềm day dứt, xót xa, nhưng không làm con người gục ngã, mà truyền lửa tin yêu, thôi thúc ta đứng dậy với niềm khát vọng hướng tới tương lai đất nước: “Rẻo đất tột cùng trưa nay trời xanh cao lồng lộng/ Dòng người thăm đắm say/ Phù sa vươn dài ra biển/ Đước tràm loang rộng màu xanh…(Sa Vĩ – Năm Căn); “Giọng ai thiết tha sâu lắng/ Đánh thức bình minh cao nguyên” (Bất chợt Gia Lai)

Đó còn là ký ức về Mẹ, về những người thân thương đã nuôi dưỡng, chăm chút ta lớn lên cả phần xác, phần hồn, dạy ta biết sống vì đạo lý và lẽ đời cao đẹp. Mẹ ta, như ca dao đã viết: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Nguyễn Hồng Vinh có một người mẹ như bao người mẹ ở đồng chiêm khác, chắt chiu, thuần hậu, hanh hao tháng ngày, nghèo khó không từ nan, canh cánh ước vọng nuôi con học chữ, mong con bằng người để góp mặt, góp công với đời. Những câu thơ sau thật sự xúc động: “Gầu sòng nan vá chồng nhau/ Nón lá, áo tơi gió thốc”, “Hơ lá chuối non gói cơm”, “Nối nhau gió mùa đông bắc/ áo sờn một tấm phong phanh”… Với người thương yêu, vâng, có thể là một thôn nữ nào đó, một mối tình thưở học trò vẫn đau đáu trong anh: “Em lặng lẽ chờ anh/ Mỗi vụ rau, mùa lúa/ Nỗi mong chờ lên xanh”…

Song hành với mảng ký ức là những chuyện của đời sống xã hội hôm nay. Cồn cào, trăn trở trước nhiều sự kiện thời sự nóng hổi. Trong tập thơ, chúng ta cùng chung tình cảm và suy nghĩ với tác giả khi đọc những bài thơ viết về biển Đông, về Hoàng Sa, Trường Sa; về những người lính biển nơi tiền tiêu Tổ quốc với những ngọn sóng nghìn trùng, những cánh hải âu chao nắng; về tình cảm sâu nặng của hậu phương dồn gửi tới các đảo xa… Chiến tranh và hòa bình. Tội ác và sự khoan dung. Dân tộc và thời đại – tất cả được tác giả viết bằng cảm xúc chân thành, thể hiện rõ trách nhiệm công dân của người cầm bút khi chủ quyền của Tổ quốc bị đe dọa: “Biển mùa này sóng yên trời đẹp/ Bỗng dưng cuồn cuộn sóng ngầm”. Nghe nữ nghệ sĩ hát ở Trường Sa, người lính đảo cũng như bao khán giả khác đều hình dung: “Dáng cột mốc chủ quyền/ Sừng sững trong tâm/ Những con dân đất Việt” (Hòa tình ca lính đảo).

Ký ức và hiện tại đan cài. Hiện tại đứng vững trên nền ký ức. Thơ chắp cánh trên những hoài niệm, nhớ nhung, yêu thương, chia sẻ. Đi dọc đường đời, đường thơ, Nguyễn Hồng Vinh đã ký thác vào những câu chữ, hình tượng ẩn chứa bao khát vọng đắm say trên những cánh bay từ quá khứ đến tương lai của dân tộc ta trong thời đổi mới và hội nhập.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn