Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

“Xa thẳm” và những chiêm nghiệm cuộc đời

(Một cách cảm nhận tập thơ “Xa thẳm” của Trần Quang Hiển)

Nguyễn Thị Bình - 25-12-2014 10:40:07 AM

“Xa thẳm” là tên một tập thơ mới nhất của Trần Quang Hiển (Nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2014). Ngay cái tên tập thơ đã khiến người ta phải suy ngẫm. Khác với những tập thơ trước, đến tập thơ thứ bảy này, dường như tác giả có nhiều thời gian hơn để suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời với những dở, hay, được, mất; những trớ trêu trong cõi nhân gian. Không biết nhận xét như vậy có chủ quan không, nhưng đọc “Xa thẳm” của anh, tôi luôn có cảm nhận như vậy.

Kể cũng đúng, tập thơ là kết quả của những năm tháng nghỉ hưu “nhàn rỗi”. Nhưng đúng hơn, đó còn là những chiêm nghiệm của tác giả trong suốt cuộc đời. Nghỉ hưu về với “chốn thật thà”, nói theo cách của Trần Quang Hiển thì: Ta về xóa nỗi phù vân/ Bớt lời trịnh trọng cho gần nhau hơn/ Lúc bão gió lúc sóng cồn/ Bắt tay nhau biết dại khôn ở đời… Lúc ấy, người ta có nhiều thời gian để suy nghĩ, nhìn lại mình, nhìn cuộc đời mà ngộ ra nhiều điều: vui có; buồn có; thất vọng, xót xa cũng có: Thế gian sao lắm đa đoan/ Bon chen ác nghiệt mưu toan hại người. Một câu hỏi tưởng bâng quơ như thế mà chứa đựng bao nỗi nhân tình thế thái. Nhìn lũ trẻ “Chơi trò lá đa” tác giả không giấu được tiếng thở dài, bởi lẽ: Lá đa nào có bán mua/ Mà đời tức tưởi thiệt thua hỡi người. Và lo lắng: Trong chùa tượng phật có hay/ Ranh ma lũ trẻ có ngày làm quan.

Vẫn biết cuộc đời không bằng phẳng, thậm chí nhiều khi thật, giả, trắng, đen lẫn lộn, sống chết với con người chỉ trong gang tấc. Vậy nên nhà thơ nghiệm ra rằng: Âm dương sợi chỉ mỏng manh/ Bụi trần phủi rũ sạch banh về trời (Nỗi lòng chúng sinh). Vâng, chết là hết, nhưng dư âm về cuộc đời thì không phải vậy. Bởi: Bạc vàng rồi cũng theo nhau/ Bia đá nhẵn thín khắc câu bia mồm (Muối từ biển). Mượn cách nói dân gian: Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ, tác giả có cách diễn đạt khác nhằm chuyển tải quan niệm từ ngàn đời ấy chăng?

Nhưng những sự trớ trêu của cuộc đời còn được tạo bởi cơ chế xã hội và thời cuộc. Với “Mùa thi lại đến” tác giả so sánh chuyện học hành, thi cử xưa và nay mà chạnh lòng: Ngày xưa lều chõng đi thi/ Người quê ngóng đợi kinh kì đỗ quan/ Danh gia vọng tộc vẹn toàn/ Vinh quy bái tổ hân hoan đón mừngBây giờ sao cứ dửng dưng/ Giấy báo đại học nửa mừng nửa lo. Mừng vì con đỗ Đại học, nhưng còn bao nhiêu thứ lo từ chuyện đỗ đạt ấy. Đó là nỗi lo chung bởi sự học bây giờ cứ tràn lan. Lo nhất là người học ít chú ý đến tâm tài, mà mải chạy theo bằng cấp nên việc làm tùy thân. Bằng cấp nhan nhản mà thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp. Đây vẫn là một bài toán chưa có lời giải của xã hội. Thế nên, cái điều tác giả nói đến là cần thiết và không lạ. Dẫu vậy, ta vẫn đọc được nỗi day dứt xót xa của anh qua những câu thơ tâm huyết ấy.

Người ta càng có tuổi, càng dễ chạnh lòng- nhất là mỗi khi có điều gì gợi nhớ về quá khứ thiêng liêng, hào hùng đã trải. Khi hòa bình, được may mắn trở về quê hương, mỗi khi nghe tiếng kèn đồng đám ma, người lính không khỏi bồi hồi nhớ về một thuở, theo tiếng kèn thúc giục ra đi bảo vệ Tổ quốc; nhớ về đồng đội; nhớ: Cuộc đời chinh chiến bao phen/ Chiến trường chôn bạn không kèn đám ma…(Đám ma đồng đội). Đó là những hoài niệm về một thời máu lửa mà chan chứa tình người, để mỗi khi hồi tưởng, lòng lại bồi hồi day dứt không nguôi…

Viết về những chiêm nghiệm cuộc đời, Trần Quan Hiển thường đi sâu tìm hiểu về các cặp phạm trù đối lập trong triết học như: “Nông và sâu”; “Nặng và nhẹ”; “Dại và khôn”; “Đen và trắng”; “Cao và thấp”; “Đằng trước, đằng sau” nhằm đưa ra những cách luận giải rất riêng của anh. Đây là cách lý giải về nông, sâu: Sâu xa nên khéo phô bày/ Nông tràn bí ẩn sâu đầy lòng nhau/ Cơi trầu vành vạnh giếng sâu/ Để cho muôn thuở ngắm lâu thấy mình; về nặng, nhẹ: Nặng như cơn gió xoay vần/ Nhẹ tênh núi đứng bồng bềnh trên sông/ Trời cao thăm thẳm hư không/ Còn đất thì thấp lại đông mặt người… Những cách lý giải về sự đối lập như vậy, thoạt nghe tưởng chừng vô lý nhưng ngẫm ra lại rất có lý.

Xuất phát từ quan niệm: “Ở đời xấu tốt song đôi”, ranh giới xấu, tốt nhiều khi rất mỏng manh nên con người dù mắc lỗi, dù phạm tội nhưng phải biết đâu là ranh giới. Thậm chí nếu đã trót phạm tội phải Tĩnh tâm cải tạo, thì mọi tội lỗi sẽ qua đi. Bài thơ “Chữ viết của đứa con phạm tội” là một bài thơ cảm động về tình mẹ, khi mẹ nhận được thư con, thấy được nét chữ của con gửi ra từ trong tù. Qua nét chữ của con, mẹ hy vọng con sẽ cải tạo tốt, sẽ được hoàn lương, bởi vì mẹ tin: Đường đời danh lợi thiệt thua/ Chữ tâm chữ đức người mua bằng tình/ Nét chữ con viết còn xinh/ Mẹ hình dung cả dáng hình ngày xưa.                                                                                            

 Những nỗi niềm như thế ta dễ bắt gặp trong thơ Trần Quang Hiển. Tuy nhiên, nếu viết nhiều về những vấn đề ấy sẽ dễ tạo cảm giác nặng nề cho người đọc. Nhưng đọc “Xa thẳm” của anh, ta không có cảm giác ấy bởi lẽ anh luôn có niềm tin và truyền cho ta niềm tin trước cuộc đời: Tình người bao la đằm thắm/ Cái chết hóa lại hồi sinh/ Tận cùng xa xanh đằm thắm (Xa thẳm). Và trên hết anh vẫn tin vào điều thiện, vào sức mạnh lòng người: “Sức mạnh lòng người nặng hơn bom tấn”; tin vào những giá trị bền vững trường tồn: Lọng vàng còn có khi phai/ Chỉ bông lúa chín vươn dài nắng thơm (Mong và ước). Tin vào sự sống vẫn nảy lộc đâm chồi: Mùa xuân lất phất mưa bay/ Giao hòa trời đất thân cây đâm chồi (Mùa xuân nghe rõ mầm cây). Tin vào sự nhiệm màu của trời đất: Đừng nghĩ về tuổi tác/ Mùa xuân đang ở gần/ Cả bầu trời mặt đất/ Trong ta rộn ràng xuân (Rộn ràng xuân). Đó cũng chính là niềm tin bất chấp tuổi tác mà Trần Quang Hiển đã mang đến cho người đọc qua “Xa thẳm”. Hy vọng niềm tin ấy sẽ mãi theo anh như một động lực thúc đẩy sự sáng tạo…

 

                                                             

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn