Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Sống bằng ngòi bút

Kaya Genc (Thổ Nhĩ Kỳ) - 20-01-2014 02:22:16 PM

VanVN.Net - Kaya Genc là một tiểu thuyết gia, nhà bình luận của Istanbul, có bằng tiến sĩ Văn học Anh. Bài viết của ông thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí phương Tây như Paris Review Daily, the Guardian, the Financial Times, the London Review of Books blog, Salon, Guernica Magazine, Sight & Sound, the Millions, the White Review, the New Inquiry, the English PEN Atlas, the Rumpus, Index on Censorship, the Guardian Weekly,… Ngoài ra, ông còn là phóng viên của tạp chí Mỹ Los Angeles Review of Books.

Thể chế hóa nhà văn ở Thổ Nhĩ Kỳ là như thế nào? Tiểu thuyết gia Kaya Genc đã chỉ ra lợi ích và rủi ro trong việc làm việc cho một tờ báo lớn, thỏa hiệp giữa tự do của tác giả và sự ủng hộ của thể chế, giải pháp đơn giản để bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Nhà văn Kaya Genc

Tháng Tư năm 2007, tôi buộc phải đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng đối với tôi vào thời điểm đó.

Tôi cố gắng để chấp nhận rằng, tôi nên làm việc toàn thời gian cho Tạp chí Newsweek của Thổ Nhĩ Kỳ. Nỗ lực của tôi trong việc thuyết phục biên tập viên của tạp chí rằng tôi sẽ làm việc tốt hơn, có giá trị hơn nếu được tự do, đã thất bại. Họ yêu cầu tôi phải là một người làm việc toàn thời gian. “Tôi không quan tâm đến việc thuê một freelancer (người làm việc tự do), tôi muốn trả cho anh một mức lương phù hợp”, đó là câu trả lời mà tôi nhận được. Đây có thể là một sự lựa chọn đơn giản nếu tiền là mối quan tâm duy nhất của tôi. Nhưng, tôi thật sự muốn làm việc như một freelancer, là một tác giả tự do. Cái mà tôi muốn là: viết cho Tạp chí Newsweek, kiếm tiền, có thời gian và hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình.

Song, các biên tập viên nhắc nhở tôi rằng, nhà văn tự do đơn giản là không tồn tại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà văn tự do thậm chí không thể kiếm đủ tiền trả tiền thuê nhà của họ. Họ không được xem xét một cách nghiêm túc như các đồng nghiệp làm việc chính thức. Nếu bạn muốn có được sự tôn trọng, bạn phải là thành viên của một cơ cấu tổ chức ấn phẩm. Hoặc là bạn làm việc trong văn phòng và nhận được tiền lương hoặc là tự do mà không được đồng nào. Nhà văn mà không thuộc về bất kỳ đảng phái hay thể chế nào ở Thổ Nhĩ Kỳ thật sự không tồn tại. Vì vậy, tôi cần phải xem xét lại tình hình và quyết định của mình. Cuối cùng, tôi chấp nhận làm việc tại một văn phòng.

Sau vài ngày đi làm đầu tiên, tôi nhận được cuộc gọi từ biên tập viên của Tạp chí Văn học Thổ Nhĩ Kỳ, nơi tôi đã cho xuất bản vài tiểu luận và truyện ngắn trong vài năm vừa qua. Anh ta nói với tôi với một giọng lo lắng, “Các công tố viên đã nhận được đơn khiếu nại về một trong những truyện ngắn của anh. Chúng tôi đã họp sơ bộ với họ ngày hôm qua. Anh cần đến gặp họ vào ngày mai. Đây là một chuyện hệ trọng, Kaya. Nguyên đơn muốn xét xử anh tại tòa án.”

Trong năm 2007, một vụ án chính trị rất có thể trở thành giấy chứng tử. Mới có vài tháng trôi qua kể từ vụ ám sát Hrant Dink, một nhà báo Armenia. Ông bị sát hại bởi một nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở trung tâm Istanbul. Kẻ tấn công nhà báo Armenia này nói rằng, quan điểm của Dink là nguy hiểm và vì thế, họ quyết định khiến ông phải im lặng vĩnh viễn.

Dink là một thành viên của một nhóm các nhà văn mà các phương tiện truyền thông đã gọi họ với những cái tên như “phe tự do”, “những kẻ phản bội”, “những kẻ nổi loạn”. Vào thời điểm đó, tôi không thể nhìn thấy sợi dây kết nối giữa các tác giả tự do. Họ độc lập, không dựa vào các tổ chức lớn để được bảo vệ, làm việc như một biên tập viên, nhà xuất bản hoặc như một học giả nghiên cứu nhưng tâm trí hoàn toàn tự do.

Các nhà văn tự do khác biệt với các nhà trí thức, những người có một liên kết chặt chẽ với các tổ chức lớn mạnh. Khi một nhà văn từ nhóm thứ hai viết về cái gì đó kích động hoặc là lời ăn tiếng nói, phong tục của người Kurrd ở Thổ Nhĩ Kỳ, tờ báo của họ ngay lập tức sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, phải nộp phạt vì tội phỉ báng. Nói một cách khác, nhà văn thuộc nhóm thứ hai được bảo vệ bởi tổ chức mà họ làm việc. Tạp chí sẽ chịu trách nhiệm thay vì cá nhân nhà văn bị truy tố. ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi xác định bối cảnh của nhà văn dựa trên arkasi saglam, tức là người chống lưng. Nếu họ có người chống lưng, những chuyên mục về dân tộc có thể được tiếp tục mà không cần phải lo lắng về tương lai.

Nếu bạn là một freelancer, nghĩa là không có kết nối nào với các tổ chức lớn và cũng mất luôn sự bảo vệ, bạn sẽ phải chi trả toàn bộ cho những chi phí pháp lý mà bạn vi phạm. Đây là một chiến thuật phá hoại sự ổn định tình hình tài chính của các freelancer cực kỳ hữu hiệu. ở đất nước này, khi một nhóm trí thức thể chế muốn thống trị các tranh luận chính trị, điều đầu tiên mà họ làm là cố gắng để thoát khỏi việc là một nhà văn độc lập. Điều này đã xảy ra từ rất lâu trước đây. Vào năm 1932, sau sự ra mắt của một tạp chí có tên gọi là Kadro, tư tưởng tự do ở Thổ Nhĩ Kỳ đã làm việc cho nhà nước. Nhà văn giống như là người bảo vệ bộ máy nhà nước và sự cải cách của họ không chỉ là trong sự nghiệp sáng tạo mà còn liên quan đến cánh tả của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bằng cách chấp nhận lời đề nghị của Newsweek, tôi cảm thấy như là tôi đã trở thành một trí thức được thể chế hóa. Đôi cánh độc lập của tôi bị cắt đứt. Sự tự do cũng không còn nữa. Tất nhiên, nó cũng có cái lợi của nó, là tạp chí sẽ đứng ra chịu trách nhiệm nếu tôi có thật sự phải hầu tòa.

Đây là một điều tốt lành. Nếu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ có “chấm” tôi, một tạp chí tin tức sẽ đứng ra bảo lãnh cho tôi. Tôi đem theo giấy tờ liên quan đến văn phòng công tố viên, nơi mà tôi đã từng có kinh nghiệm vô cùng khó chịu vì phải bào chữa cho một câu chuyện hư cấu. Nhân vật trong truyện ngắn bị “điểm” của tôi là một người vô cùng yêu mến nền văn minh phương Tây. Tôi đặt nhân vật làm người dẫn chuyện như là một cách để giễu cợt anh ta. Giọng điệu của nhân vật được tạo dựng sao cho người đọc phải phẫn nộ. Và, sau tất cả, không lẽ nó không phải chỉ là một hư cấu hay sao? Những gì mà các nhân vật nói là đại diện cho quan điểm của họ, chứ không phải là quan điểm của tôi. Tôi cố gắng giải thích rằng tôi đã sử dụng biện pháp tu từ làm nổi bật sự mỉa mai và, có vẻ như nó đã thuyết phục được vị công tố. Khi rời khỏi văn phòng của công tố viên, tôi có cảm giác như tôi vừa thảo luận với một giáo sư văn học chứ không phải là đang bảo vệ bản thân trước một công tố viên nhà nước.

Một tuần trôi qua. Không có thông tin nào từ văn phòng công tố. Họ đã quyết định bỏ qua tôi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Kỹ năng hùng biện của tôi đã giải thoát tôi khỏi sự truy tố. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng, cái thật sự cứu tôi không phải là khả năng hùng biện của tôi. Nếu tôi không mang theo các bản copy của Newsweek và Washington Post mà trên đó có tên của tôi, mọi chuyện có lẽ sẽ khác. Tôi đã được cứu nhờ vào quyết định từ bỏ trở thành một freelancer.

Ở một đất nước như Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà sống bằng ngòi bút chỉ là một hy vọng mong manh, đâu mới là vị trí của các tác giả chuyên nghiệp? Con đường đến với quyền tác giả, khi mà bạn lần đầu tiên đặt chân lên đó, bạn sẽ cảm thấy nó hệt như một kết thúc chết chóc vậy. Không ai có thể mơ mộng. Bạn phải nghiêm túc xem xét. Ví dụ, xem xét kinh nghiệm đau thương của thế hệ nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ cũ, những cố gắng của họ và cả kết cục bi thảm, hoặc bị bắt nạt, đe dọa, hoặc buộc phải chạy trốn, sống lưu vong, sợ hãi trong suốt cuộc đời. Hãy xem xét cả cách chúng tôi chứng kiến họ bị hiếp đáp bởi chính trị, những tác nhân đã nỗ lực tuyệt vọng trong việc kiểm soát và buộc các nhà văn tự do phải thay đổi quan điểm.

Bài học mà chúng tôi đã buộc phải học: tiếng nói cá nhân trong đất nước này đồng nghĩa với việc tự động dán mác “kẻ phản động” lên trán của mình, trở thành một kẻ tham lam, là kẻ thù của nhà nước. Văn học phải cống hiến cho các nhà lãnh đạo quốc gia, những lý tưởng hoặc biểu tượng mà không đòi hỏi bất cứ lợi ích gì cho riêng bản thân. Sự tận tâm và trách nhiệm là những điều thực sự quan trọng. Văn chương là lời kêu gọi, văn bản là nhiệm vụ, nói về quốc gia là nghĩa vụ.

Buồn thay, thế hệ đầu tiên của các tác giả cộng hòa lại phải chấp nhận những quan điểm sẵn có. Khi ai đó cố gắng để kiếm sống bằng việc viết tiểu luận, đánh giá, họ ngay lập tức bị cho là những kẻ thực dụng, chỉ bận tâm đến vật chất thay vì được coi là những người lên tiếng vì giá trị lý tưởng. Việc kinh doanh bằng văn bản thuộc về và nên tiếp tục thuộc về những người giàu có, những người không bao giờ cần đến tiền bạc. Viết và nói thuộc về tầng lớp có quyền lực, còn những người khác thì hãy im lặng, vì họ lên tiếng thì chẳng khác nào tự nhận mình là những kẻ tham lam, suy đồi.

Không có cách nào tốt hơn để thể hiện lòng biết ơn và sự đánh giá cao của bạn đối với công việc của một nhà văn là trả lương cho họ một cách hợp lý. Hơn chín mươi năm của lịch sử cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, các freelancer đã im lặng hoặc chỉ được các tổ chức nhà nước sử dụng vào việc bù đắp cho những thiếu hụt trên thị trường văn học. Khi tôi nhìn xung quanh và cố gắng để tìm hiểu xem các tác giả khác trong thế hệ của tôi đang làm gì, tôi thấy họ đã không còn chung lý tưởng với nhà nước, trở thành những tác giả tự do, bị nghi ngờ trong con mắt của cộng đồng trí thức. Không dừng lại ở đó, họ còn đang gia tăng hội nhập hàng ngũ các nhà văn độc lập. Tôi biết, từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, điều đó đồng nghĩa với việc mất đi sự bảo trợ của nhà nước hoặc các tổ chức đặc biệt, đồng thời, không thể tránh khỏi thực tế bi quan, nghèo khổ và bị truy tố. Đừng biến nhà văn trở thành một phần của bộ máy nhà nước hay biến họ thành các nhà tư tưởng hoặc là những biên tập viên. Nếu bạn muốn các nhà văn thành công, chỉ cần trả tiền lương cho họ.

 

Vũ Nam (Lược dịch theo Englishpen.org)

 

(Nguồn: Văn nghệ số 3/2014)

 

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...