Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tản văn Đặng Thiên Sơn

09-06-2014 06:03:06 AM

VanVN.Net – Tác giả Đặng Thiên Sơn sinh năm 1984. Quê quán: xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn, K28 – Đại học Quy Nhơn. Hiện đang sống và công tác tại Hà Nội. Đã xuất bản tập thơ “Blog Thời sinh viên” năm 2009. Mới đây, anh vừa ra mắt bạn đọc tập tản văn “Đường về xa lắm” (NXB Văn học). VanVN.Net xin giới thiệu cùng bạn đọc chùm tản văn chọn từ cuốn sách này.

Bìa tập tản văn Đường về xa lắm

 

Theo cánh chuồn chuồn

 

“Đã bảo rồi, ngồi xuống đi tau bắt cho thì không chịu. Đứng lên mần chi cho hắn bay, để rồi khóc. Mà ba con cũng được rồi, ham chi cho được năm con cơ chứ? Chuồn chuồn mùa ni khôn lắm, chỉ bay chứ không chịu đậu trên cành rào. Thôi trưa ni đến đây ta tạm nghỉ. Ngày mai thể nào tau cũng lấy thật nhiều nhựa mít để bắt đủ năm con cho mi. Nín đi! Mà nhớ là thích tau thì tau mới bắt cho. Hứa với mi là sẽ bắt đủ năm con chuồn cồng…”

Con Uyên Sún cạnh nhà, má hồng, váy hoa, có chiếc răng khểnh dễ thương thôi rồi. Vì nó mà đã bao buổi trưa mình phải chang nắng đi bắt chuồn chuồn cống nạp. Chỉ để được nó thinh thích, được nhìn nó cười típ mắt dưới rặng tre sau nhà. Mà phải công nhận ngày ấy mình là tay săn chuồn chuồn giỏi số một. Mà có lẽ do mình thích con Uyên thật lòng nên mới hăng say đuổi bắt chuồn chuồn đến thế.

Chuồn chuồn nhiều vô kể, nhưng phải có mẹo và kiên trì thì mới bắt được. Để bắt được chuồn chuồn ớt, dùng nhựa mít quệt lên thanh tre, nhẹ nhàng rình từ phía sau lưng chạm nhẹ lên cánh. Chuồn chuồn ớt có nhiều màu: xanh, đỏ, tím, vàng... Chúng thường bay chứ ít khi đậu mà chúng có đậu cũng chọn những cành rào ở giữa ao để hạ cánh chứ không đậu trên bãi cỏ như chuồn chuồn đen, hay chuồn chuồn kim.

Chuồn chuồn đen và chuồn chuồn kim dễ bắt hơn chuồn chuồn ớt. Chúng thường đậu trên bãi cỏ, luống ngô, luống cà. Dùng cánh tay quay theo vòng trước mặt chúng thật nhanh, khiến chúng chóng mặt, không còn bay được nữa là bắt được. Nhưng chuồn chuồn đen không đẹp, chủ yếu bắt xong, ngắt cánh thả cho chúng bay lảo đảo mấy vòng rồi đâm xuống ao như chiếc máy bay bà già của Mỹ khi trúng đạn. Mấy phút sau đoàn cá rô phi đã tranh nhau rứt thịt chúng thành trăm mảnh.

Khó bắt nhất là chuồn chuồn cồng. Nhưng con Uyên lại thích chuồn chuồn cồng. Kể cũng lạ. Con gái mà lại đi thích chuồn chuồn cồng, vừa to, vừa thô. Nhưng mình thích con Uyên, nên phải bắt bằng được thôi. Để bắt được chuồn chuồn cồng trước tiên phải rình và xác định được địa bàn hoạt động của chúng. Sau đó, dùng những cành rào khô, lấy nhựa mít quệt lên thật dày, rón rén cắm gần nơi chúng đậu. Ngụy trang xong, dùng một cần dài có quệt nhựa mít ở đầu đặt nhẹ lên cánh chúng. Nhưng cách này ít khi được, vì chúng rất tinh nên thường bay trước khi mình đặt nhựa mít lên cánh. Nhưng cũng nhờ chúng bay mà đậu phải những cành rào mà mình đã ngụy trang từ trước. Vì thế mới bắt được chúng. Trưa nào bắt được năm, ba con là kỳ tích lắm rồi.

 Chuồn chuồn bắt xong, con Uyên đem về nhốt trong chiếc hộp gỗ. Ngày hôm sau đã thấy đoàn kiến trống, cờ đưa chúng về huyệt mộ. Con Uyên đứng nhìn theo khóc nức nở đòi tôi bắt những con mới.

Tôi xa quê lên phố tới giờ. Bỏ lại sau lưng ánh nhìn mắt nhớ. Bỏ lại sau lưng bờ tre, gốc rạ. Bỏ lại sau lưng những buổi trưa chang nắng đuổi bắt chuồn chuồn… Bỏ lại tất cả. Nhưng trong sâu thẳm đáy lòng tôi dường như tuổi thơ vẫn còn nguyên vẹn, hồn nhiên và mỏng manh như cánh chuồn chuồn, mỏng manh như cách tỏ tình thời tuổi thơ trong vắt.

 

 

Nhớ mãi một mùa World Cup*

 

Trong nỗi nhớ miên man về miền tuổi thơ xa ngái, tôi vẫn không bao giờ quên được một mùa World Cup đáng nhớ nơi quê nhà. Đó là mùa World Cup 1994, được tổ chức tại Hoa Kỳ, Brazil đã đoạt cúp vàng.

Gần đến mùa World Cup năm ấy, tôi thấy cha tôi mang về một chiếc tivi nội địa 14 inch - đây là những thông số mà sau này lớn lên tôi mới biết. Còn khi ấy, một đứa bé mười tuổi như tôi chỉ biết đó là một khối hình hộp biết nói. Sau đó mấy chú, mấy bác trong xóm đến giúp cha tôi dựng cần ăngten để thu sóng. Sân phơi nhà tôi được dựng rạp và sắp đặt bàn ghế như nhà chuẩn bị có đám cưới. Nghe mấy chú, mấy bác vừa làm vừa bàn tán về tên của những quốc gia trên thế giới, tôi lấy làm lạ. Tôi hỏi cha tôi: "Có chuyện gì mà nhà mình bắc rạp thế hả cha?". Cha tôi bảo: "Bắc rạp để xem World Cup".

Khi ấy, tôi chưa hiểu lắm về khái niệm World Cup, nhưng sau đó đêm nào tôi cũng thấy mọi người tập trung về nhà tôi rất đông, và họ thức thâu đêm tới sáng để xem bóng đá qua chiếc tivi nhỏ xíu được kê cao trên thềm nhà. Tôi cũng trở thành một tín đồ bóng đá từ đó. Tôi ao ước được có quả bóng như trong tivi để chơi mỗi ngày. Vì ngày ấy bọn trẻ con ở quê như chúng tôi chỉ biết đến những quả bóng gói bằng ni lông, lá chuối...

Suốt một tháng trời ròng rã, nhà tôi trở thành một cái sân vận động thu nhỏ: tiếng la hét, tiếng bình luận, tiếng vỗ tay không ngớt của các cổ động viên cuồng nhiệt. Trong số những người đến xem có người đam mê bóng đá, có người không ngủ được đến ngồi cho khuây khỏa, bọn trẻ con như chúng tôi thì tò mò, còn phải kể đến một số người đến lo "hậu cần" nữa. Tôi dùng từ hậu cần cho sang, chứ thật ra đó là những chú, những bác ham "đánh chén" hơn ham bóng đá, đến để phục vụ anh em khâu ăn khuya.

Những câu chuyện về các đội bóng, những bàn thắng đẹp, những cú phạm lỗi nguy hiểm, cầu thủ xuất sắc... được tiếp tục đem ra bàn tán cả buổi ra đồng ngày hôm sau. Coi thâu đêm tới sáng như thế nhưng sáng hôm sau mọi người vẫn phải lao động, vì ở quê không thể chần chừ với mùa vụ được. Những người dân quê tôi thời ấy có người đọc chưa rõ tên các cầu thủ, nhớ chưa đủ tên quốc gia thi đấu, nhưng họ rất say mê theo dõi từng trận đấu và cổ vũ hết mình.

Chiều nay, khi tôi đang loay hoay trang bị cho quán cà phê của mình chiếc tivi lớn hơn để phục vụ các bạn sinh viên và khán giả mùa World Cup 2010 thì nhận được điện thoại của cha từ quê gọi vào thông báo tin vui: "Nhà mình mới mua chiếc tivi màn hình phẳng 46 inch để phục vụ hàng xóm xem World Cup".

Mới đó mà nhanh thật, từ chiếc tivi 14 inch bé xíu cha tôi đã thay cái tivi 46 inch. Một cậu bé mười tuổi đã thành người lớn. Một mùa World Cup mới lại tới. Khắp thế giới lại có một tháng không ngủ để được trực tiếp chứng kiến những trận đấu trong khuôn khổ mùa giải năm nay. Lúc này, tôi lại thèm cái cảm giác được xem World Cup ở quê đến nhường nào...

(*) World Cup 2010

 

 

Mạ non

 

Càng xa quê người ta càng cố níu những gì thân thuộc nơi quê hương gần lại. Nhưng dù có níu thế nào đi nữa thì những thứ ấy cũng chỉ đủ để nhắc nhớ người ta đừng quên đi những gì một thời đã gắn bó với họ mà thôi. Còn cái hồn cốt. Chao ôi! Cái hồn cốt của những vật dụng, những thức quà và cả cây cối, chim muông nơi quê nhà chỉ vẹn nguyên khi ta tận tay cầm nắm, tận mắt nhìn thấy và phải thưởng nó nơi quê nhà yêu dấu thì mới cảm hết được cái đẹp, cái nồng nàn, cái mát lành của nó.

Và như sáng nay đây. Trong quán cà phê này. Người ta ươm mạ non trong chiếc bình gốm, rồi đem bài trí trên chiếc bàn màu nâu đất. Đám mạ non yếu ớt chen nhau vươn lên trong chiếc bình chật hẹp... Nhiều thực khách cầm lên ngó nghiêng rồi đặt xuống. Chắc họ là những người đã lớn lên cùng cây lúa, luống khoai, gặp khóm mạ non lại nhớ quê nhà. Cũng có thể họ là những người lần đầu tiên nhìn thấy mạ non mà tò mò khám phá.

 Nhưng phải thừa nhận gã chủ quán là một nhà kinh doanh có đầu óc nghệ thuật, biết khơi dậy lòng người từ những thứ thân quen, gần gũi, hơn nữa đã gây sự tò mò cho những cậu ấm, cô chiêu lớn lên giữa chốn phồn hoa đô hội. Tôi cũng không ngoại lệ trong đám thực khách ấy. Khi bắt gặp lại những khóm mạ non, một trời tuổi thơ bên luống mạ non nơi quê nhà lại ùa về trong tôi, phong kín thời gian của một sớm cà phê thanh bình nơi phố vắng.

Ngày tôi lên bốn, lên năm, bố mẹ thường gửi tôi cho ông bà nội trông nom. Một sáng cuối đông, khi tôi vừa chui ra khỏi lớp chăn bông dày cộm, ngó ra ngắm khoảng sân nhà nội, một hình ảnh diệu kỳ đã đập vào mắt tôi. Đó là luống đất trên nền sân nhà nội tối qua còn nhão nhoẹt với những hạt mầm no nước nằm dán bụng vào đất, thế mà sáng sớm hôm sau, chúng đã kịp ngồi dậy bung những mầm non chĩa thẳng lên trời. Sau vài ngày sinh trưởng, cả luống mạ đã xanh um, mơn mởn. Những cây mạ non bụ bẫm, chen nhau reo vui trong nắng sớm. Tôi đưa bàn tay bé nhỏ của mình xoa xoa trên đầu chúng. Mỗi lần tôi lướt bàn tay qua chúng lại nằm rạp xuống. Nội tôi sợ đám cháu nghịch ngợm làm hư mất luống mạ, rút chiếc roi cày để ngay nơi bậc thềm răn dạy. Luống mạ bắc trên sân, ở quê tôi gọi là mạ sân. Mạ sân thường được deo vào vụ Đông Xuân để tránh rét, ngắn ngày hơn và dễ nhổ khi đem đi cấy.

Những ngày còn học cấp hai, vào ngày mùa, một buổi tôi tới trường, một buổi tôi theo mẹ ra đồng đi cấy. Và công việc mà tôi thích nhất là đi lấy mạ cùng mẹ. Trời vừa hừng sáng, mẹ con tôi đã có mặt trên chân mạ. Sau một đêm thải cacbonic ra không khí, mùi hương của mạ còn vương lại trên những lá non, khiến cánh mũi tôi căng phồng mùi đồng nội. Trên lá mạ những giọt sương còn treo lơ lửng. Con châu chấu soi mình vào hạt sương rồi đạp mạnh càng sau lên thân mạ bay vụt vào bụi dứa dại... Những luống mạ hình chữ nhật, rộng khoảng một mét, xanh tít tắp đã làm nên vẻ đẹp của miền quê lúa nước thuần phác, yên ả bao đời.

Cứ mùa này qua mùa khác, luống mạ non nơi góc sân của nội, thửa mạ non  nơi cánh đồng quê, cứ lớn lên, sinh sôi, nẩy nở để gia đình tôi gặt hái những mùa vàng. Giờ, nội tôi đã đi xa về miền cực lạc. Mẹ tôi đã hoa râm mái đầu. Nhưng những luống mạ vẫn lên xanh non, nuôi lớn tôi từng ngày...

 

 

Chụp hình gia đình

 

Cuối tuần, mấy anh em tôi về thăm quê. Cha tôi nổi hứng bảo cả nhà chụp hình. Ý kiến của cha được bà nội tán thành. Nội bảo: “Tao gần đất xa trời rồi, tụi bay không chụp mai mốt lấy hình đâu mà để trên bàn thờ”. Mẹ tôi gắt: “ Nội cứ nói xui!” Mấy anh em tôi thì không hứng thú lắm với cái ý kiến trên của cha. Vì với chúng tôi hình ảnh có đầy ra đó: hình hôm đám cưới đứa bạn, tôi có chụp chung nên nó gửi tặng, hình họp lớp đầu năm xếp chặt an bum…

Thấy chúng tôi đánh trống lảng về chuyện chụp hình, cha lục trong cái ba lô sờn bạc đưa ra một xấp hình đen trắng. Nào là hình của cha ngày còn đi lính, hình đám cưới cha mẹ, hình chúng tôi hồi còn để chỏm… Trong đó có một bức hình cả nhà chụp chung vào những năm tám mươi thế kỷ trước. Cha chỉ cho chúng tôi xem từng người một: mẹ tôi bế thằng út, cha tôi đứng cao nhất, tôi và đứa em kế đứng vịn vai nội. Nếu cha không chỉ thì chúng tôi cũng khó nhận ra mình trong tấm hình đen trắng ấy. Cha bảo, năm ngoái nhờ có tấm hình này mà ông thợ vẽ mới phác thảo được chân dung ông nội tôi, đặt trên bàn thờ, mỗi lần con cháu thắp hương lại được nhìn thấy ông. Rồi giọng cha điềm đạm: “Chẳng mấy khi tụi bay về đông đủ, cha nghĩ nên chụp mấy tấm hình để cha mẹ ở nhà khi nào nhớ tụi bay đem ra ngắm nghía cho đỡ nhớ, gần hai mươi năm nay nhà mình chưa chụp hình chung.”

Cha tôi nói đúng. Đã gần hai mươi năm rồi nhà tôi chưa chụp một tấm hình chung nào, mặc dù việc chụp hình bây giờ rất dễ dàng, không phải ngồi ngóng chú thợ ảnh dưới xuôi mấy tháng mới ngang qua làng mình một lần như trước đây. Ba anh em tôi đứa nào cũng có máy hình riêng. Nghe cha giảng giải một hồi chúng tôi đứa nào cũng giành được chụp hình chung với cha, mẹ và bà nội. Để chụp được tấm hình cả nhà, cái máy ảnh phải đặt chế độ tự động.

Hết ngày chủ nhật, chúng tôi trở lại thành phố để tiếp tục công việc. Những tấm hình chụp chung với gia đình, tôi chia sẻ lên facebook, chỉ vài giờ sau tôi đã nhận được hàng trăm góp ý và nhận xét. Tôi rất vui khi được mọi người khen: “ Gia đình bạn hạnh phúc qúa! Bố mẹ bạn trẻ quá!…” Những tấm hình chụp chung cả nhà thật ý nghĩa. Thế mà, phải đợi cha nhắc chúng tôi mới làm. Chúng tôi thật có lỗi với cha. Có lẽ không riêng gì anh em tôi mà còn nhiều người nữa không mấy để ý đến việc chụp hình gia đình. 

 

Tác giả Đặng Thiên Sơn

Dắt nhau đi hết buổi chiều

 

Nhà mình có ba anh em. Mẹ sinh mình vào mùa thu năm 1983. Hồi còn nhỏ mình ốm yếu nên cô giáo cho ở lại vỡ lòng một năm, năm sau “cứng cáp” sẽ lên lớp một. Vì vậy, cô giáo ghi vào học bạ mình sụt đi một tuổi. Thành ra giấy chứng minh thư mình sinh năm 1984. Em trai kế mình sinh năm 1986 và em trai út sinh năm 1988. Ba anh em, đứa lớn cách đứa bé năm tuổi, nên khi mình biết giữ em thì thằng út bắt đầu chập chững tập đi. Anh em có nhiều kỷ niệm thời tuổi thơ mà đến bây giờ vẫn không nguôi nhớ. Nhưng có lẽ chuyến đi lạc của hai cậu em trai mình là một trong những kỷ niệm nhớ nhất.

Hôm ấy mẹ đi chợ xa, mình ở nhà trông em. Giờ trưa tới, mình ra sau nhà cắt rau dền cho heo. Hai em vẫn chơi dưới gốc dừa trước nhà. Thế nhưng, khi mình làm xong công việc quay vào thì không thấy hai em đâu nữa. Lúc này mình chỉ biết khóc mếu máo đi tìm khắp nơi. Mình chạy qua nhà nội để thưa, nội báo cho mọi người đi tìm. Nhà gần rừng núi nên mọi người phải chia thành nhiều ngả để tìm em. Nỗi lo lớn nhất là chỉ sợ em ra ao chơi rồi đuối nước…

Mọi người đang tóa hỏa đi tìm thì mẹ dắt hai em về. Bắt hai đứa nó nằm trên tấm phản rồi dùng roi tre đánh rất đau. Hai đứa khóc ré lên nhưng không dám đứng dậy. Mình cũng khóc theo em. Mình đã lớn, mẹ không đánh mà chỉ mắng. Đến khi mẹ xuống bếp thổi cơm thì bảo mình lấy dầu lên thoa cho em.

Mấy hôm sau, ông bác họ làng bên sang chơi, mình mới biết là hai em mình đi lạc. Hai đứa biết mẹ đi chợ nên dắt nhau đi đón mẹ để lấy quà, nhưng lạc sang xóm khác, rồi không biết đường về nhà. Ông bác họ nhìn thấy hai đứa lếch thếch, mếu máo bên vỉa hè đường cái quan nên xuống hỏi, rồi dắt về. Vừa dắt chúng tới đầu làng thì cũng vừa lúc gặp mẹ đi chợ về. Sau cái hôm đi lạc ấy, chúng không dám đi ra khỏi ngõ khi mẹ không cho phép.

Mới đó mà giờ ba anh em mình cũng đã lớn khôn cả rồi. Mỗi đứa mưu sinh mỗi miền khác nhau. Mình bôn ba tất tả ở Quy Nhơn gần chục năm trời, em kế thì bon chen giữa Hà thành rộng lớn, em út đang công tác ở Đà Nẵng. Hiếm hoi lắm anh em mới có dịp gặp nhau. Có những cái Tết vì lý do công việc cũng không đoàn tụ được. Dù mỗi đứa mỗi phương nhưng anh em rất thương yêu nhau. Mình vẫn thèm cái cảm giác được nằm trong chăn với hai đứa em vào những ngày trời rét trên mảnh đất nghèo xứ Nghệ thương yêu. Anh em kể chuyện cho nhau nghe rồi cười rúc rích…

 

Lá thư chiều cuối năm

 

Vào một buổi chiều cuối năm cách nay mười tám năm tròn, mọi người trong nhà tôi đang xốn xang chuẩn bị một cái tết thật chu toàn, đầm ấm. Nhìn thấy dáng cha ngồi trong chiếc nong tre gói những chiếc bánh chưng, những đòn bánh tét là đã cảm nhận được thời gian đang xích gần về thời khắc giao thừa. Năm nào cha cũng tự tay gói bánh để dâng lên bàn thờ tiên tổ như một bổn phận mà cháu con phải làm trong những ngày tết đến. Mẹ tôi ngồi bên cha lau những tàu lá dong xanh rờn. Ông nội thì sửa sang lại đôi câu đối trên bàn thờ cho ngay ngắn. Những người dân quê sau một năm dài bươn bả khắp trong Nam, ngoài Bắc đang vội vã về quê đón tết. Tiếng í ới hỏi thăm nhau của những người làng lâu ngày gặp mặt đã làm chộn rộn cả xóm làng. Lũ trẻ con bơm căng những chiếc bong bóng lợn, rồi rượt nhau tranh dành khắp ngõ xóm. Tôi và bà nội ngồi nơi chái thềm ngóng về phía đầu thôn chờ chú tôi về.

Sự chờ mong một điều gì đó ở thời khắc chiều cuối năm khiến cho lòng người thấp thỏm, sự nhộn nhịp xung quanh cũng không khỏa lấp được nội lòng trống trải. Càng chờ mong càng vô vọng, tôi và bà nội định đứng lên đi vào nhà thì nghe có tiếng gọi đầu ngõ. Bà nội đinh ninh là chú tôi về nên vội vàng chống chiếc gậy tre đứng lên, lom khom đi ra phía ngõ để mong được sớm nhìn thấy đứa con trai út biền biệt cả năm dài. Nhưng tiếc thay, người thanh niên vai mang ba lô, đầu đội mũ cối có gắn sao vàng không phải là chú tôi mà là chú Lực người trong làng, đóng quân cùng đơn vị với chú tôi. Chú Lực ghé vào báo qua tình hình sức khỏe của chú tôi rồi đưa cho bà nội lá thư của chú gửi về.  

Niềm hi vọng của bà nội đã nguội tắt khi nghe xong câu chuyện chú Lực thông báo. Thế nhưng, đôi mắt đục mờ của bà vẫn dõi xa về phía đầu thôn để cầu mong sẽ có phép màu kì diệu, biết đâu chú tôi sẽ về. Sự khắc khoải của nội cũng là tâm lý chung của ngàn người mẹ khi có con đi xa không kịp về quây quần đoàn tụ với gia đình bên mâm cỗ giao thừa. Tôi lật dở từng trang thư của chú đọc cho nội nghe. Trong thư có đoạn chú tôi viết: “Con mong ở nhà cha mẹ, anh chị và các cháu sẽ có một cái tết vui vẻ. Không phải lo cho con đâu. Anh em trong đơn vị ở lại đảo rất đông, chúng con cũng đã nhận được thịt heo và bánh chưng từ đất liền gửi ra rồi. Con ở lại tết này nữa thôi. Sang năm, con được ra quân sẽ về với cha mẹ và mọi người…” Khi tôi đọc xong bức thư, trong khóe mắt nhăn nheo của bà nội những giọt nước mắt đã rỉ ra, bà kéo vội tà áo nâu sòng thấm thấm, rồi thở dài như bằng lòng và chấp nhận sự thật là chú tôi sẽ không về đón tết cùng gia đình.

Bà nội tôi qua đời sau một cơn tai biến nhanh cuối mùa xuân năm ấy. Sự  ra đi đường đột của bà đã khiến chú tôi không bao giờ được gặp mặt người mẹ đã trông chờ mình suốt những năm dài, người mẹ đã thương yêu chú nhất nhà. Trong phút lâm chung bà nội tôi gọi tên chú đến cả chục lần khiến cho mọi người xung quanh không cầm được nước mắt. Khi biết mình không trụ được với tai nạn hiểm nghèo, bà tôi rút từ túi áo nâu sòng lá thư của chú gửi cho trước tết đặt vào lòng bàn tay cha tôi rồi dặn dò cháu con những lời sau cuối. Chú tôi về tới nhà thì bà tôi đã nằm trong tấm áo quan kín mít. Cầm trên tay lá thư cuối cùng viết cho mẹ, chú tôi cúi đầu xuống nền đất mà vái lạy, khóc thương…

Lá thư chiều cuối năm chú gửi cho bà nội tôi đã được chú cất giữ rất cẩn thận trong chiếc tráp sơn đen. Sau này mỗi lần về quê đón tết cùng gia đình tôi, chú vẫn chong đèn đứng trước bàn thờ đọc cho bà nội tôi nghe. Lá thư đã được gấp mở nhiều lần, nét chữ đã nhoè và những nếp gấp không còn nguyên vẹn. Một cái Tết nữa lại sắp đến, chiều nay sửa soạn lại bàn thờ, tôi lau lớp bụi phủ lên chiếc tráp đựng đồ cúng và nhìn thấy lá thư chú tôi viết cho bà nội năm nào, kỷ niệm của buổi chiều ngồi ngóng chú với bà nội nơi chái thềm năm xưa lại hiện về nguyên vẹn.

 

 

Ngày con trai chào đời

 

Cha đã chở mẹ tới bệnh viện từ chiều tối hôm qua. Bác sĩ bảo sức khỏe mẹ yếu nên không sinh thường được, phải sinh mổ, cha cứ chở mẹ đến bệnh viện sớm hơn dự đoán giờ con chào đời của bác sĩ phòng siêu âm hôm trước ghi trong sổ thai nhi cho chắc. Lỡ đâu con mong ngóng được gặp cha mẹ sớm hơn dự đoán thì cha mẹ biết quay thế nào. Trời đang là cuối thu, heo may lành lạnh, cha đã chuẩn bị cho con mấy bộ áo thu đông rồi. Tối qua mẹ con còn bỏ đủ thứ đồ lỉnh kỉnh vào chiếc làn nhựa nữa cơ. Chắc chắn khi con ra đời sẽ được mặc đẹp và không bị rét đâu.

Đáng lý giờ này, cha phải ở bên mẹ và con, nhưng cha phải tới bến xe để đón ông nội ra với con, cho kịp thời khắc con chào đời. Quê mình xa lắm, bà nội và bà ngoại nay mai mới ra được với gia đình mình. Hôm nay, có ông nội ở bên là cha con mình  vững tâm rồi. Ông ra tới nơi là cha chở đến bên mẹ và con liền. Tối qua cha đã nghĩ ra từ để đặt tên cho con. Tên con là chữ thủy và thêm một dấu chấm trên đầu, sẽ không đụng hàng với ai trong nội, ngoại nhà mình cả, chắc con sẽ ưng cái tên ấy thôi, vì cha đã mất nhiều ngày nghiên cứu Đông Tây kim cổ để chọn ra nó. Cha chỉ mong muốn con trai mình mạnh khỏe, sau này giỏi giang nên mới nhọc công tìm tòi như thế. Với lại những cái tên đẹp người ta đặt hết cả rồi. Mà cái tên cũng quan trọng lắm con ạ, nó quyết định đến nhiều vấn đề của cuộc sống con sau này. Cha lan man một chút để thời gian trôi qua thật nhanh cho cha sớm được gặp con.

Trong đời cha chưa bao giờ hồi hộp và nóng lòng như thế này. Bác sĩ đã gọi mẹ con vào buồng mổ hơn cả tiếng đồng hồ, thế mà giờ vẫn chưa thấy con và mẹ đâu. Thương cho ông nội vượt cả trăm cây số ra tới nơi chưa kịp ăn uống gì đã thấp thỏm đi ra đi vào mong cháu đích tôn. Thấy khuôn mặt ông đăm chiêu, lo lắng, cha càng bối rối hơn. Không biết mẹ và con trong ấy thế nào? Người ta dùng kính mù cách âm làm cánh cửa, lại còn kéo kín ri đô nên cha chỉ dám đứng đây để ngóng con thôi. Cầu mong cho mẹ tròn con vuông! Ngày mai nhất định cha sẽ mua thật nhiều hoa hồng tặng mẹ vì đã tạo nên một kiệt tác tuyệt vời là con yêu. Ít phút nữa thôi, con sẽ nhìn thấy mẹ, thấy cha, thấy ông nội con và cả ánh sáng của cuộc đời này nữa.

Khi cha nghe tiếng con khóc, niềm vui sướng đã vỡ òa trong tim cha.  Cô y tá bế con lướt qua mặt cha và ông nội, phấn khởi nói: “Sướng nhé! Mẹ tròn con vuông! Con trai, nặng 2,9 kg.” Cha và ông nội nhảy cẫng lên như hai đứa trẻ được mẹ chia quà mỗi buổi chợ trưa, thế mới biết niềm hạnh phúc lớn như thế nào. Con được chuyển vào phòng sau sinh để các bác sĩ chăm sóc và chờ mẹ xuống truyền cho con những dòng sữa ngọt ngào. Cha và ông nội con không còn căng thẳng nhưng vẫn mong được gặp con lắm lắm. Mẹ con dù rất đau đớn nhưng cười rất mãn nguyện khi cha đến bên. Cha mách với mẹ là con yêu rất ngoan và dễ thương. Khóe mắt mẹ ứa ra những giọt nước mắt hạnh phúc. Bao nhiêu tháng ngày chờ đợi, chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau giờ cha mẹ đã có con trong đời. Còn gì vui hơn thế nữa…

Bác sĩ gọi cha vào viết giấy chứng sinh cho con. Cha đã viết hàng trăm bài báo, hàng ngàn bài văn, dạy bao lớp học trò, thế mà đặt bút viết giấy chứng sinh cho con tay run như cầy sấy, đầu óc cứ bung biêng như người say, khiến cô y tá cười cười làm cha thẹn đến đỏ hết mặt mày. Số 39 - là số sinh treo trên tay con, cha chờ cô y tá gọi vào bế con sang với mẹ. Cha được tường tận, được thấy con chúm chím đòi ăn, được bế con trên tay niềm vui ấm áp đến lạ kỳ. Cha trao con vào vòng tay ông nội. Ông nội nhìn con thật lâu. Từ nay, ông đã có cháu để bế bồng. Chỉ mấy tiếng đồng hồ thôi mà cả cha và ông nội đã được lên chức.

Nhà mình ở viện bốn hôm thì về nhà. Những ngày ở viện tuy cực nhưng mà vui. Con ít khóc hơn các bạn khác cùng buồng. Ai cũng khen con ngoan. Mẹ con lấy làm vui sướng lắm. Cha cứ đi đi về về mang cơm cho mẹ ăn để có thật nhiều sữa cho con. Ông nội đã về quê để báo cáo với tổ tiên ông bà và chia sẻ niềm vui với mọi người. Ông bảo sẽ cử bà nội ra trong nay mai để chăm sóc con và mẹ. Chẳng phải cử, bà nội cũng cuống lên ấy mà. Từ hôm con chào đời, trong nhật ký cuộc gọi đến điện thoại của cha, số điện thoại bà nội gọi nhiều lần nhất.

Từ nay con đã có mặt trên đời. Từ nay con sẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc của cha mẹ và mọi người trong gia đình mình. Con sẽ mãi là tình yêu thương lớn nhất của cha và mẹ. Cha mẹ sẽ luôn bên con, chở che cho con nên người. 

 

Đường về xa lắm

 

Nhà tôi và nhà nội cách nhau một cánh đồng, tuổi thơ tôi ở nhà nội nhiều hơn nhà tôi. Tôi sống với nội từ khi còn nằm trên võng, được nghe nội hát ru những câu ví dặm ngọt ngào. Tôi lớn thêm một chút, bà cháu không còn nằm võng mà chuyển ra chiếc chõng tre được kê sẵn sát thềm. Nằm trên chiếc chõng tre, bà cháu tôi vừa ngắm được ông Thần Nông, tìm chị Hằng, chú Cuội, và hơn hết là được hưởng hơi nước từ cánh đồng Vàng Lái theo nồm lên xua tan cái oi bức ngày hè. Thích thú nhất trong những tháng ngày ngủ trên chiếc chõng tre là được nghe nội tôi kể chuyện ma, những câu chuyện ly kỳ và đầy tình tiết hấp dẫn chẳng thua gì xem phim kinh dị bây giờ:

Bóng ma đầu tiên mà nội hay nhắc đến, là bóng ma vẫn thường xuất hiện vào những đêm trăng sáng ở hang núi đá Đồng Lèn. Nội bảo, đã từng nhìn thấy bóng ma ấy xít võng ru con. Tiếng ru của chị ta thảm thương lắm. Có người làng tôi còn thấy chị xuống giếng làng gánh nước vào những khuya mùa hạ. Tôi tò mò hỏi nội về cuộc đời của chị ta lúc đang sống. Nội bảo là nội cũng chưa gặp chị ta lúc đang sống bao giờ, chỉ nghe người làng kháo rằng, chị ta là một cô gái chửa hoang, sợ làng bắt phạt và xấu hổ với gia đình dòng họ mà ăn lá ngón qua đời trong hang đá.

Bóng ma thứ hai nội thường kể cho tôi nghe trong những đêm trăng là con mèo khoang trắng ở đồng Triệu Cảnh. Đêm nào đi bán củi sớm qua lùm cây đầu cánh đồng Triệu Cảnh, nội cũng nhìn thấy nó. Con mèo chạy xẹt qua đường cái quan, để lại một vệt sáng dài và tiếng gầm gừ ghê rợn. Bóng con mèo trắng thì nhiều người làng tôi đã nhìn thấy, có người còn vứt luôn xe củi chạy thốc chạy tháo về nhà, mặt trời lên mới dám quay lại đẩy xe củi về.  

Tôi sợ nhất trong số những bóng ma mà nội tôi kể là bóng ma của đứa bé dưới gốc gạo cổ thụ đầu làng. Nó là một đứa bé bị bỏ rơi, rồi qua đời vì đói rét, mỗi lần người lớn đi chợ xa ngang qua gốc gạo, nó nhảy lên ngồi một bên quang gánh, người nào tốt tính thì nó nằm im ngủ đến lúc trời hừng sáng là tan biến, còn với những người ác tính, hoặc lấy trộm đồ của người khác đi bán thì thể nào nó cũng nhảy lên gánh, hành cho đến lúc phải vứt gánh lạy trời, lạy đất nó mới tha cho. Nội bảo, cha tôi gặp nó một lần trong chuyến đi soi ếch về khuya, nó cứ dẫn cha tôi theo mép khe mà bắt ếch, những con ếch vàng và béo nhẫy, nhưng khi về tới nhà đổ ra lon thì thấy đất không là đất. Nó lừa cha tôi chỉ vì trước lúc cha đi soi, nội tôi khuyên cha đừng đi qua gốc gạo, dạo này thằng bé hay theo người, nhưng cha tôi thì quả quyết làm gì có ma.

Tôi say sưa nghe những câu chuyện ly kỳ ấy của nội, nửa thì sợ đến thót tim, nửa thì tò mò muốn biết đầu đuôi câu chuyện thế nào.

Rồi năm tháng qua đi, tôi lớn khôn và phải rời chiếc chõng tre về nhà ngủ với bố mẹ. Phần vì chiếc chõng tre của nội đã có những đứa em tôi thế chỗ. Phần vì mỗi sáng, tôi còn phải dậy sớm để mẹ đưa đến trường. Nhưng những câu chuyện ly kỳ của nội vẫn cuốn hút tôi mỗi đêm. Ăn cơm tối xong tôi mang sách lên nhà nội học bài, học xong ra ngồi hóng chuyện nội tôi kể cho những đứa em đang nằm im thin thít trên chiếc chõng tre vểnh tai lên nghe. Vẫn là những bóng ma quen thuộc nhưng tôi nghe vẫn không thấy chán. Mỗi lần hóng chuyện xong là tôi không dám về nhà ngủ. Vì đường về nhà tôi phải đi qua gốc gạo già. Nhưng nếu không về thì chắc chắn sáng mai sẽ bị cha đánh đòn vì cái tội ngủ lang nhà nội. Mặt khác, ở lại thì mấy đứa em lại lêu lêu là mình sợ ma. Tôi đành bấm chặt môi chạy một mạch về nhà. Đường từ nhà nội về tới nhà tôi dài chưa đầy một cây số mà sao xa lắm, tôi cứ ngỡ mình sẽ không về đến đích vì sợ. Có hôm tôi mặc quần dài, lúc chạy hai ống quần cứ va vào nhau, càng chạy nhanh ống quần càng va mạnh hơn, trong đầu tôi nghĩ là ma đang chạy theo mình. Chỉ đến khi mẹ tôi vén chiếu lên để dằn màn cho muỗi khỏi vào giường. Lúc ấy, tôi mới chắc chắn là mình đã về đến nhà. 

Khi rời làng quê yêu dấu đi xa, tôi được tiếp cận với kho kiến thức đồ sộ của nhân loại, được hiểu hơn về cuộc sống, và khoa học cũng đã chứng minh là không có ma, bấy giờ tôi mới hết tin những câu chuyện mà nội tôi kể thời thơ ấu. Những câu chuyện ly kỳ mà ở mọi làng quê trên đất nước tôi đều có. Những câu chuyện giúp cho làng quê trở nên huyền bí và linh thiêng. Những câu chuyện mà người lớn dựng lên để răn đe trẻ nhỏ. Những câu chuyện giải khuây cho người dân quê đêm nông nhàn. Những câu chuện mà bất cứ một người xa quê nào khi nhớ tới quê hương cũng đều liên tưởng đến. Giữa cuộc sống xô bồ, bon chen nơi phố phường ngột ngạt này, nhiều lúc tôi đã ước ao, giá như mình được ngược về những ngày tuổi nhỏ, được nằm trên chiếc chõng tre để nghe bà kể chuyện, nhưng đường về những tháng ngày ấy xa xôi vô cùng.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...