Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Tiếng Việt chưa có chuẩn

Phạm Thuận Thành - 19-04-2014 09:15:48 AM

Từ khi báo Văn nghệ có mục “Tiếng Việt”, tôi theo dõi thường xuyên. Mới đây đọc bài “Tiếng Việt – tình yêu và ý thức về tiếng mẹ đẻ đâu rồi” của tác giả Nguyễn Đình Ánh (Văn nghệ số 48/2013) tôi cảm thấy buồn da diết về việc tác giả đưa ra vấn đề phát âm lệch chuẩn khá phổ biến hiện nay. Tôi buồn về hiện tượng này một, thì buồn mười về việc tiếng Việt chưa có chuẩn. Dựa vào chuẩn nào để nói người khác “lệch chuẩn” đây? Chuẩn của Hội Truyền bá quốc ngữ ư? Hay chuẩn ở vùng thủ đô? Xin thưa, Hội Truyền bá quốc ngữ không có tính pháp lí. Mà vùng thủ đô bây giờ không còn thuần nhất như trước nữa. Cũng có khi người ta viện dẫn đến những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng đây là văn bản dưới luật và không có chế định xử lí vi phạm trong phạm vi cả nước. Nghĩa là ta đang thiếu Luật về ngôn ngữ làm chuẩn. Trong khi chưa có chuẩn, ta vẫn có thể bàn về tiếng Việt trên cơ sở tập quán đang dùng hiện nay.

Trước hết ta hãy chia tiếng Việt làm hai bộ phận: tiếng Việt bác học và tiếng Việt bình dân.

Tiếng Việt bác học dùng trong các văn kiện chính thống hiện nay, gồm các lĩnh vực sách giáo khoa, văn bản pháp luật, văn bản văn học, văn bản báo chí… Ngay trong tiếng Việt bác học, hiện cũng đã và đang Việt hóa khá nhiều từ nước ngoài, nhất là các từ, thuật ngữ khoa học mà vẫn chưa được chuẩn hóa chính thức, hoặc đang cố tình phạm chuẩn trong phiên âm danh từ riêng và cách viết, như viết Alexandr thay cho viết A-le-xan-đơ-rơ chẳng hạn.

Tiếng Việt bình dân là tiếng nói giao tiếp hằng ngày của nhân dân. Bộ phận sinh ngữ này quyết định sự phát triển của ngôn ngữ. Không nên lấy cái chuẩn nào đó để làm rào cản, khiến sinh ngữ không phát triển. Và cũng không thể rào cản nổi. Một bộ phận dân chúng nói với nhau mà vẫn hiểu thì người ta sẽ tạo ra từ mới, nếu được đa số dân chúng sử dụng thì từ mới đó sẽ thành thuần Việt, bất chấp mọi thứ chuẩn nào đó, kể cả khi đã có luật. Trong ngôn ngữ giao tiếp thì nguyên tắc rút gọn luôn luôn được mọi người ưu tiên. Trước đây nói TV (ti vi) gọn hơn “vô tuyến truyền hình” nên từ ti vi đã thắng thế. Tương tự vậy, trước đây chỉ có đài thu thanh = ra đi ô nhưng khi nói lược “nghe đài” thì mọi người vẫn hiểu thì từ đài đã thắng thế từ ra đi ô. Ví dụ ta có thể nói “nói hay như đài”, “đọc báo nghe đài” hoặc “Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài mua xe”… thì mọi người đều hiểu được. Gần đây nhất từ “ô sin” vốn là một danh từ riêng tên nhân vật trong phim Nhật, đã được Việt hóa thành danh từ chung chỉ những người đi ở cho nhà người khác vì người ở vẫn có thể thăng tiến, tự thay đổi vận mệnh bằng nghị lực bản thân nó đỡ tủi hơn cho từ “người ở”, “con ở”… Tương tự vậy, từ MC (em xi) ngắn gọn hơn từ “người dẫn chương trình” và hàm ý tán dương tài ăn nói của cá nhân người đảm nhiệm công việc này, nên đang được Việt hóa thành danh từ. Lại có trường hợp sai phổ biến cũng tạo ra từ mới hoặc phụ âm mới rút gọn thay thế phụ âm kép đang sử dụng. Những từ Việt hóa nằm trong trường hợp này từ xưa còn dùng như “núi Thái Sơn”, “sông Hồng Hà”, “hồ Nguyệt Hồ”, thôn “Đỗ Xá”… chẳng hạn. Gần đây là sai do phát âm như “khoái trí” thành “khoái chí”, “sum suê” thành “xum xuê”… Trong ngôn ngữ mạng, giới trẻ đang có xu hướng dùng chữ cái w thay cho phụ âm qu, chữ cái j thay cho phụ âm ch, chữ cái z thay cho phụ âm tr, chữ cái k thay cho phụ âm kh, phụ âm ng thay cho phụ âm ngh là sự cách tân rất đáng chú ý, mà các nhà ngôn ngữ nên tận dụng để làm tham mưu cho các nhà làm luật về ngôn ngữ. Nếu chỉ khư khư ôm giữ “sự trong sáng của tiếng Việt” mà không dám khắc phục những cái bất hợp lí trước đây thì sẽ rơi vào bảo thủ, cổ hủ. Trước đây, các nhà nho đã biết dùng chữ giản thể viết chữ Hán theo nguyên tắc rút gọn, sau này nhà nước Trung Quốc đã chấp nhận và công bố chính thức dùng chữ giản thể phổ biến, nhưng vẫn chấp nhận chữ phồn thể đã có. Nếu cứ khư khư giữ gìn tiếng Việt như nó đã có thì sao hiện nay trong từ điển chính thống của ta lại có được bao nhiêu từ gốc Hán, bao nhiêu từ gốc Ấn, bao nhiêu từ gốc Pháp, bao nhiêu từ gốc Anh…?

Vài lời trao đổi lại với bài viết của tác giả Nguyễn Đình Ánh, mong được mọi người bổ khuyết thêm.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn