Chuyện văn chương

14/8
8:44 AM 2018

ÁM ẢNH “THÂN XÁC” TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU

NGUYỄN THỊ MINH-“Good girls go to heaven, bad girls go everywhere” (Gái ngoan đi tới thiên đường, gái hư đi khắp mọi nơi) được cho là câu nói của Helen Gurley Brown - người phụ nữ nổi tiếng làm biên tập cho tạp chí Cosmopolitan trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên New York Times vào năm 1982.

                                                             ảnh minh họa: nguồn Internet

Sau đó nó trở thành lời bài hát nhiều sức lan toả của Jim Steinman được Pandora’s Box ra mắt lần đầu năm 1989, rồi trở thành tiêu đề cuốn sách của Jana U. Ehrhardt và Eve Ehrhardt mang tinh thần giải phóng phụ nữ khỏi những cái nhìn đầy thiên kiến để biết tận hưởng cuộc sống, dám hạnh phúc ở giây-phút-này, ngay-bây-giờ thay vì trông chờ vào một thiên đường huyễn tưởng và cách đánh giá của người đời. Có điều cần phải thừa nhận là sự giằng co giữa mong muốn sống thật với bản thân, dũng cảm vượt qua những rào cản, những quan niệm mang tính áp đặt đối với con người không phải chỉ là bi kịch của phụ nữ, đặc biệt trong một xã hội đầy định kiến như xã hội Á Đông. Trong văn học Việt Nam, có thể tìm thấy những khao khát mạnh mẽ kiểu như vậy ở một nhà thơ thuộc trào lưu nhân văn chủ nghĩa cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX - Nguyễn Du, với ám ảnh về “thân” và “danh” trong thơ chữ Hán.

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du dùng chữ “thân” tới 22 lần. Chữ “thân” có khi gợi lại âm hưởng của Lão Tử Táp tải phù sinh hoạn hữu thân (Cuộc phù sinh ba mươi năm, có mối lo vì có thân - Mạn hứng 1), có khi mang tinh thần của Trang Tử Thử thân dĩ tác phàn lung vật (Thân này đã là chim trong lồng - Tân thu ngẫu hứng)(1), song nhìn chung đó là một chiếc thân lăn lóc trong cuộc đời. Tấm thân đó bị đày đọa, đầy bệnh tật, như lá vàng, như cỏ bồng, luôn ôm mộng về quê:

Thiên địa dữ nhân truân
                      cốt tướng
Xuân thu hoàn nhữ lão tu mi
Trời đất bắt mang nghèo
                       cốt tướng
Tháng năm đem lại trắng
                             mày râu

(Tự thán 1)

Chiếc thân được đặt song song với lá vàng:
Tứ thì hảo cảnh vô đa nhật
Phao trịch như thoa hoán bất hồi
Thiên lí xích thân vi khách cửu
Nhất đình hoàng diệp tống thu lai
Bốn mùa cảnh đẹp được
                       bao ngày
Vùn vụt thoi đưa gọi chẳng lùi
Ngàn dặm năm chầy thân
                     khách trọi
Một sân thu đến lá vàng bay

(Thu chí 2)

Cũng trong bài Tự thán 1, Nguyễn Du viết: Sinh vị thành danh thân dĩ suy (Sống chưa làm nên danh, thân đã suy yếu). Câu thơ, từ cấp độ âm vị đến nghĩa từ vị đều đối xứng qua chữ “danh”: “sinh” (sống) - “suy” (suy yếu); “vị” (chưa) - “dĩ” (đã); “thành” (đạt nguyện) - “thân” (trần trụi, không có gì). “Danh” thông qua các đối xứng âm vị học và đối xứng về nghĩa từ trở thành trung tâm của câu thơ, cũng là của bài thơ mà nhân vật trữ tình tự than thở về bản thân.

Ám ảnh về “danh” là một ám ảnh lớn gắn với mọi loại nhân vật trong thơ chữ Hán Nguyễn Du: người ca nữ đất La Thành Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng/ Phong nguyệt không lưu tử hậu danh (Phấn son lúc sống chưa rồi nợ/ Trăng gió đời sau luống để danh - Điếu La Thành ca giả); chủ thể trữ tình “Vì danh phải lăn lóc trong đám bụi trần” mà “Hư danh vẫn không tha cho người đầu bạc” (Mạn hứng 1); người đời “Thói đời suy kiệt bao người chết vì danh”, “bao người đọc truyện Tô Tần vậy mà vẫn để phú quý làm hại bản thân” (Tô Tần đình 2).

Ám ảnh về “danh” quả thực là một ám ảnh lớn gắn với “thân”. Nguyễn Du thường đặt “thân” cạnh “danh” hoặc nói về “thân” trong sự xung đột với “danh”. Điều này giúp người đọc cảm được khá nhiều bài thơ khó hiểu, chẳng hạn bài Điệu khuyển:

Niệm nhĩ thuộc thổ súc
Dữ nhân mao cốt đồng
Tham tiến bất tri chỉ
Vẫn thân hàn sơn trung
Vẫn thân vật thán uyển
Sổ thí vô toàn công
(Nghĩ mày thuộc giống gia súc
Lông xương cũng giống
                  như người
Ham tiến không biết dừng
Bỏ mình trong núi lạnh
Bỏ mình chớ oán than
Bao lần thử sức mà không
                     thành công)


Có hiểu được mối quan hệ chặt chẽ giữa “thân” và “danh” mới hiểu được tâm sự gửi gắm của chủ thể trữ tình trong bài thơ này. Chủ thể nói là thương con chó bỏ mình trong núi lạnh, không oán than một lời và bao lần thử sức mà không thành công, thực ra là tự thương mình. Tác giả cũng không giấu giếm ý đó: con chó thuộc giống gia súc song dữ nhân mao cốt đồng. Người đang nói về chính mình trong nỗ lực tìm kiếm công danh mà cả đời luôn mang mặc cảm thất bại, ám ảnh lỡ làng, dang dở. Người hình dung cuộc đời là Bách niên đa thiểu thương tâm sự (Trăm năm của cuộc đời biết bao việc thương tâm - Giang Đình hữu cảm). Các nhà kí hiệu học về thơ thường quan tâm đến sự song hành của các yếu tố trong nhịp tạo ra nghĩa thứ cấp. Xét từ góc độ ngữ nghĩa, cách ngắt nhịp của câu này rất đặc biệt: nhịp 2/5. Bằng cách này, tác giả đặt song song hai (cụm) danh từ, từ đó hoàn thành một vũ trụ, một thế giới: bách niên chỉ thời gian, một đời người và đa thiểu thương tâm sự chỉ thứ chất chứa trong thời gian ấy. Trong cuộc đời vô vàn việc thương tâm ấy, điều con người luôn câm nín ôm ấp trong lòng là gì? Có thể phần nào thấu cảm điều này qua các câu thơ như:
Vô ngôn độc đối đình tiền trúc
Sương tuyết tiêu thời hợp
                           hóa long
Riêng mình lẳng lặng trước cây
                 trúc ngoài sân,
Lúc sương tuyết tan nó sẽ
                      hóa rồng

               (Kí hữu)

Chuyện “hóa rồng” là câu chuyện trở đi trở lại trong thơ chữ Hán Nguyễn Du:

Ngư long lãnh lạc nhàn thu dạ
Bách chủng u hoài vị nhất sư
Hai câu này Mai Quốc Liên dịch là:
Cá rồng lặng lẽ đêm thu vắng
Trăm nỗi u buồn chưa một lần
                   được giải thoát
.

Câu thơ như vậy rất khó hiểu, đặt trong văn cảnh toàn bài, người ta không thể giải thích được sự xuất hiện của “cá rồng”. Tuy nhiên, theo cách ngắt nhịp 2/5 và cách đặt song song danh từ, cụm danh từ quen thuộc trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, ngư long có thể hiểu là “ngư vượt long môn”, từ lãnh lạc (đìu hiu) ở đây bổ nghĩa cho nhàn thu dạ. Như thế, câu này có thể hiểu là: Trong đêm khuya vắng lặng đìu hiu nghĩ chuyện cá chép hóa rồng, trăm nỗi u hoài không nói ra được.

Như vậy có thể nhận thấy trong thơ chữ Hán Nguyễn Du sự giằng co giữa quan niệm về thân xác như một hiện diện thể chất, một đau đớn hướng về sự tráng kiện với thân xác như một hiện diện tinh thần đặt trong mối quan hệ với “danh”. Sự giằng co giữa “thân” với “danh” về bản chất là sự giằng co giữa quan niệm về con người vũ trụ với một kiểu quan niệm mà ở đây chúng tôi tạm gọi là “con người cảm năng”. Ông ngao ngán việc con người cứ phải sống vì danh: Vạn cổ nhất hồng trần/ Kì trung giai lục lục (Lí gia trại tảo phát). Ông đau đớn khi bản thân vì danh mà tóc bạc vẫn lặn lội trên đường (“danh” ở đây cần hiểu theo nghĩa tích cực là sự tự ý thức của kẻ sĩ quân tử chứ không phải theo cách hiểu của người hiện đại). Ông phủ nhận cách sống đó, nhiều khi tự mỉa mai mình “không bệnh mà lưng cứ khom khom”, muốn thoát ra, và suy cho cùng đó là một sự phủ định Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận/ Hà sự mang mang thân hậu danh? (Chuyện trước mắt hay dở đã khó biết/ Cần gì lo cái danh xa xôi sau khi chết? - Hành lạc từ 1).

Quan tâm đến thân xác có thể xem là một nội dung mới đậm tinh thần nhân văn chủ nghĩa của văn học thời Nguyễn Du. Ở phương Đông, cả Nho, Phật, Đạo đều không chú trọng chuyện thân xác, đều khuyên con người muốn đạt đạo phải vượt lên trên xác thịt trần tục. Nho giáo dạy người quân tử “thực vô cầu bão, cư vô cầu an”. Người chỉ quan tâm đến chuyện thỏa mãn thân xác là người hết sức tầm thường. Tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Du, đặc biệt là bộ phận thơ chữ Hán, người đọc có thể thấy được sự xuất hiện của một cái tôi được chú trọng cả phần hồn và phần xác. Với Nguyễn Du, làm thơ không còn là để di dưỡng tính tình, tu tâm dưỡng chí mà đôi khi chỉ là để tả chiếc thân, tả những cảnh tình, cảm giác của thân xác. Nhìn từ góc độ này có thể thấy Nguyễn Du rất mới, rất hiện đại.

N.T.M
 _____
 
1. Vấn đề chữ “thân” trong sáng tác Nguyễn Du đã được nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đặt ra trong bài viết Chữ thân và vấn đề thân phận trong tư tưởng “Truyện Kiều”. Tác giả bài viết này thống kê tần số xuất hiện của chữ “thân”, chữ “phận” trong Truyện Kiều, xem vấn đề thân phận con người cũng là một chủ đề quan trọng trong tác phẩm kinh điển của Nguyễn Du. Nhà nghiên cứu phân biệt chữ “thân” mang hàm ý tôn giáo của đạo Phật, hàm ý triết học của Lão Tử, đồng thời khẳng định có cả một dòng văn học chữ “thân” trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII mà Truyện Kiều là trường hợp tiêu biểu. Tác giả có một nhận định đáng chú ý là chủ nghĩa nhân đạo thời Nguyễn Du khác với chủ nghĩa lí tính trong chủ nghĩa nhân đạo phương Tây ở chỗ lấy chữ “thân” làm nền tảng. Tuy nhiên, tác giả chưa đề cập là vấn đề chữ “thân” không phải đến Lão Tử mới được đặt ra mà đã có từ Dương Chu, khởi đầu của Đạo gia. Dương Chu chủ trương vị ngã, quý kỉ. Theo Mạnh Tử, Tận Tâm - thượng “Dương Tử thủ vi ngã, bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ bất vi dã” (Dương Chu chủ trương vị ngã, nhổ một sợi lông mà có lợi cho thiên hạ thì ông cũng chẳng làm). Xét cho cùng đó là tư tưởng khinh sự vật mà trọng sự sống, không vì vật mà lụy thân. “Thiên hạ tuy lớn nhưng cũng là ngoại vật. Một sợi lông tuy nhỏ nhưng thuộc hình thể của ta và là một phần sự sống của ta. Cho nên thiên hạ thì đáng xem nhẹ mà một sợi lông thì đáng xem trọng”.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *