Chân dung văn

4/4
9:09 AM 2018

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP: BÁO VĂN NGHỆ LÀ MỘT “THƯƠNG HIỆU” CẦN ĐƯỢC GIỮ GÌN VÀ NÂNG CAO

Hướng tới kỉ niệm 70 năm ngày thành lập tờ báo văn học cách mạng của Hội Nhà văn Việt Nam, Tuần báo Văn nghệ, nơi công bố tác phẩm mới cũng là nơi rèn luyện, thử thách và nâng đỡ nhiều tài năng cho đội ngũ nhà văn nước ta hiện nay, chúng tôi có cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở với nhà văn Trần Huy Quang, người đã có 20 năm từng làm biên tập viên, phóng viên và trưởng ban Văn của báo Văn nghệ.

                                                              Nhà văn Trần Huy Quang

Sinh năm 1943 tại Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự, ông về học và tốt nghiệp khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà nội, rồi trở lại quân đội dậy học. Ông tham gia sáng tác rồi chuyển ngành về làm phóng viên báo Độc Lập từ năm 1977. Mười năm sau, ông chuyển về làm biên tập viên báo Văn Nghệ (1987), rồi Trưởng ban Văn xuôi (1998) cho đến khi nghỉ hưu.

Nhà văn Trần Huy Quang đã xuất bản 15 đầu sách, truyện ngắn, tiểu thuyết và phóng sự xã hội. Ông đã được nhiều giải thưởng văn học và báo chí, đáng chú ý có Giải nhất cuộc thi bút ký năm 1986, với “Câu chuyện ông vua lốp”. Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1998, với tiểu thuyết “Những cô gái Đồng Lộc”, và giải nhì Bút ký của tạp chí Nhà Văn, năm 2008…

 PV:  Nhà văn có thể chia sẻ với bạn đọc những kỉ niệm sâu sắc với nghề, với đồng nghiệp và bạn đọc, trong 20 năm làm việc tại báo Văn nghệ?

 

THQ:  Từ năm 1987, Ban Văn gồm có nhà văn Ngô Ngọc Bội (Trưởng ban), nhà văn Hoàng Minh Tường và tôi. Ban chia làm hai kíp trực, sáu tháng tôi đọc, sáu tháng sau anh Tường, anh Bội đọc quyết sau, cả năm. Như thế có thể thay nhau đi viết. Tòa soạn thời anh Nguyên Ngọc và anh Hữu Thỉnh có một đội hình mạnh. Ban thơ có các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Võ Thanh An, Trần Ninh Hồ. Ban lí luận phê bình có chị Thiếu Mai, anh Hồng Phi. Ban văn học nước ngoài có dịch giả Ngô Vĩnh Viễn, người từng dịch Chuông nguyện hồn ai, và dịch giả Đăng Bảy. Ban Thư kí có Hữu Nhuận và Bế Kiến Quốc. Họa sĩ trình bày có cụ Chính, Thành Chương, Phạm Minh Hải. Tham gia minh họa cho báo thời đó còn có các họa sĩ ”mét” (nổi tiếng), mà nếu ai giữ được bản minh họa gốc cho đến nay, ắt trở thành của quí.

Bản thảo ngày đó nhiều, ngày nào cũng nhận được gần chục cái truyện và kí. Vài năm sau thì chia ba, mỗi anh trực bốn tháng. Mỗi biên tập viên có một “gu” chọn khác nhau, người trước bỏ nhưng người sau có thể lấy lại, như vậy không bỏ sót truyện hay và làm phong phú sắc thái tờ báo. Tuy nhiên, bạn viết không phải ai cũng cẩn trọng và chăm chút cho bản thảo của mình. Có người còn viết hoa tùy tiện, hoặc viết cả con số thay chữ…Tuy nhiên, người biên tập vãn cứ háo hức và kiên nhẫn tìm. Vừa đọc vừa nghĩ là phần này không hay nhưng có cái kết truyện hay thì sao. Kiểu như đãi cát tìm vàng, mẻ nào cũng hi vọng có vàng. Có một nữ tác giả miền Trung, truyện thì hay, không điệu đàng gì mà rất lạ, nhưng câu nào cũng què, chữa để mà in rất khổ. Có tác phẩm phải cắt đi ba trăm chữ vì tiếp trang nữa thì xấu, đưa cho tác giả tự cắt, hôm sau tác giả đưa lại thấy cắt hai đoạn tròn trịa, hơn ba trăm chữ. Khổ quá, cắt thế thì gọn nhưng mất chi tiết này thì chi tiết sau vô lí. Thế là tự biên tập viên lại phải đọc lại, so trước tính sau, để tỉa từng chữ, từng câu có thể bớt được mà không ảnh hưởng gì đến truyện… Đấy, những ki niệm về nghề là thế đó bạn ạ.

 

PV-  Hình như báo Văn nghệ nơi xảy ra nhiều sự cố hay còn gọi là “tai nạn” nghề nghiệp phải không, thưa ông?

 

THQ-Tai nạn thì báo Văn nghệ gặp nhiều, khi nặng khi nhẹ, riêng về truyện tôi nhớ như là từ truyện ngắn “Người không đi cùng chuyến tàu”  (Nguyễn Quang Thân), “Khách ở quê ra” (Nguyễn Minh Châu),  “Cái bóng cọc” (Bùi Hiển), “Khẩu thuật” (Nguyễn Huy Cường), “Lửa lạnh” (Võ Thị Hảo), “Ông già cô đơn” (Nguyễn Phan Hách), “Côi cút giữa dòng đời” (Vũ Oanh)… Có khi phải gỡ bài, có khi in lại một tay báo, Biên tập viên viết kiểm điểm, ban họp, nặng hơn thì tòa soạn họp. Nhưng nói qua trải nghiệm của mình để nói với các nhà văn trẻ chú ý để không gặp phải tai nạn thì không thể có phương cách nào cả, nó là thuộc tính của sáng tạo. Khi không sáng tạo, nghĩa là đi theo vết cũ thì an toàn, không va vấp gì cả. Tôi đã từng phải viết kiểm điểm nghiêm khắc với bản thân nhiều lần, nâng cao lập trường rất sâu sắc nhưng có khi chỉ hai tháng sau lại đã vấp phải một truyện khác, nghĩ có vui không? Có khi mình nghĩ chưa đủ nước, nghĩ theo đường thẳng, nhưng bạn đọc nghĩ ra một đương cong, đường ê lip chẳng hạn, ra một thông điệp khác, mình thua. Không ai cấm người đọc tìm tầng nghĩa mới của tác phẩm, đó là quyền của bạn đọc, và mục đích của văn học là đưa ra những tác phẩm hàm chứa nhiều tầng nghĩa. Vậy muốn sự phong phú thì phải chấp nhận đa sắc màu, đa thanh, đa dạng, và muốn đa thanh đa dạng thì chấp nhận có cong có thẳng.

 

   Điều đó cũng là điều tất nhiên và dễ hiểu thôi. Cái này do các nhà văn và bạn viết, đúng ra là sự đòi hỏi của sáng tạo, tôi nghĩ thế. Những truyện gai góc về nội dung tư tưởng lẫn về phong cách diễn ngôn, thử nghiệm về kết cấu và giọng điệu của các tác giả đều chỉ muốn công bố trên Văn nghệ. Đây là diễn đàn chuyên văn chương, chú trọng về tính nghệ thuật, nó phải làm nhiệm vụ giúp họ công bố tác phẩm mới; dù là có một chút suy nghĩ mấp mé đường biên hoặc suy ngẫm, nhìn nhận lại quá khứ của lịch sử hoặc của chính mình. Tuy đó là số ít, nó bất phàm chứ phàm thì nói làm gì, thường quá, đâu phải sáng tạo. Trong phạm trù sáng tạo nó bao hàm không chấp nhận cái cũ hay sự lặp lại. Thế là, dĩ  nhiên, chấp nhận và ủng hộ một cái mới, cái lạ của văn chương trong con mắt mọi người, cái góc cạnh trong suy nghĩ thường tình, một vòng xoáy trong cái tư duy xuôi chiều thường tình vốn không quen thay đổi thì ắt tòa báo sẽ gặp sự cố và “tai nạn”.  Và mình phải chấp nhận. Quá trình hoàn thiện cũng là quá trình loại bỏ dần những va vấp, “tai nạn” hoặc sự cố trong văn học mà bạn.

 

        PV-   Về sự đổi mới phong cách sáng tác của đội ngũ nhà văn trẻ, nhà văn nhận định về họ ra sao? Điểm mạnh và điểm yếu chỗ nào?  

THQ - Thú thật là tôi không đọc được nhiều các tác giả trẻ, có một cảm nhận này đó cũng chỉ là phiến diện thôi. Lớp nhà văn trẻ đang chiếm lĩnh văn đàn hiện nay có kiến văn rộng, có ngoại ngữ cho nên tiếp thu được xu hướng sáng tác của văn học thế giới cũng như cái mà các nhà văn ở các khu vực đặt ra nhưng lớp trẻ lại thua lớp già ở sự trải nghiệm, nhất là sự trải nghiệm trong thời kì lịch sử vừa qua, nó vừa khốc liệt vừa đảo điên. Chính sự trải nghiệm trong khốc liệt này mới là chất liệu quí giá của văn chương, nó có thể chưa làm cho văn chương đỉnh cao nhưng nhất định tạo ra sức nặng nhân sinh cho từng câu chữ. Tôi có tham gia ban sơ khảo và chung khảo trong vài cuộc  thi tiểu thuyết mấy năm vừa qua của Hội Nhà văn thì thấy tác phẩm qua vòng sơ khảo đưa lên chung khảo của các tác giả trẻ trong mấy cuộc đó chỉ chiếm độ 20 phần trăm. Và qua chung khảo thì nó còn rơi rụng nhiều nữa. Điều đó chứng tỏ rằng, mặc dù văn hoc trẻ chiếm ưu thế trên thị trường nhưng chưa chiếm ưu thế trong việc định giá trị. Do nhiều nguyên nhân, đây không bàn, nhưng thật lòng tôi rất thích đọc văn của nhà văn trẻ. Họ biết làm khác thế hệ trước, không theo vết mòn, họ tạo nên phong cách của họ. Văn họ nhịp điệu nhanh, họ biết cách hấp dẫn người đọc, lược bớt hoặc bỏ tả cảnh, tả ngoại hình nhân vật, bỏ tả tâm lí hoặc phân tích tâm lí, không cà kê tiểu sử mấy đời nhân vật, tất cả dồn vào đối thoại và chi tiết để cho nhịp điệu tăng tốc phù hợp với nhịp sống thời hiện đại. Đặc biệt là ngôn  ngữ, họ không những đưa tiếng nói đời sống hàng ngày vào đối thoại của nhân vật mà đưa cả vào trong trần thuật, trong ngôn ngữ người kể chuyện, thô ráp nhưng biểu cảm và thẳng thắn. Chúng ta đã từng có từng thời kì văn học, văn học lãng mạn, văn học chống Pháp, văn hoc chống Mĩ, văn học đổi mới, mong thế hệ nhà văn trẻ sẽ tạo nên được một thời văn học của họ.

 

PV- Ông suy nghĩ gì về thương hiệu “Báo Văn nghệ” với cộng đồng yêu văn học sau hành trình 70 năm, cần giữ gìn và phát huy thương hiệu “Báo Văn nghệ” theo hướng nào?           

THQ: - Quả thực, Báo Văn nghệ là một  thương hiệu, như mọi người nói, bởi đã từ lâu, người ta quan niệm bài thơ, hay cái truyện in ở đó như là được cấp chứng chỉ chất lượng. Cấp chứng chỉ cho tác phẩm, đồng thời cũng cấp chứng chỉ cho tác giả. Nó là chiếu nhất, phải 10 điểm, mới được vào chiếu nhất. Không phải bảy, tám mà ngồi vào đó. Người đọc và người viết cần cái chiếu nhất này. Tôi có bài thơ tâm đắc nhất chục năm nay, hay là tôi có cái truyện viết khác lạ với thiên hạ, in ở đâu cho bõ công viết nhỉ, rồi ai cũng chỉ muốn công bố trên báo Văn nghệ. Và từ xưa tới nay đều như thế, những truyện ngắn gây tiêng vang đều xuất hiện trên báo Văn nghệ và đó cũng là lí do vì sao báo Văn nghệ gặp nhiều tai nạn nghề nghiệp. Gặp truyện gai gai tí nhưng hay lại in, in xong lại viết kiểm điểm, nhận kỉ luật, vài tháng sau gặp cuyện hay mà gai gai vẫn cứ đăng, rồi cứ kiểm điểm, rồi cứ nhận kỉ luật.

Báo Văn nghệ có một thời sôi động, có giai đoạn được bạn đọc yêu mến đón đợi, mỗi số lượng phát hành đến 12 vạn, để lại một dấu ấn rất lớn trong lòng bạn đọc, góp phần làm nên một giai đoạn văn học giá trị của nước nhà. Nhưng giai đoạn đó chỉ kéo dài được một thời gian cho dù đã có sự chuyển động, cải tiến về nội dung hay hình thức.  Cái này là vì khách quan thôi. Tổng Biên tập (TBT) Hữu Thỉnh luôn hô hào cải tiến. Đưa ra nhiều phương án thử nghiệm. TBT Hữu Thỉnh là người trực tiếp đặt ra nhiều mục nhất, như “Tiếng nói nhà văn”, “Trao đổi”, “Ra ngõ mà trông”, “Ghi chép của phóng viên”, “Nói chuyện ngôn ngữ”, “Thơ trên bàn biên tập”; cử người chuyên giữ mục “Dọn vườn”, hoặc mở mục viết về “Làng cổ Việt Nam”, hay mở cuộc thảo luận về Tiểu thuyết, vê Truyện ngắn, về Thơ hiện đại hàng năm trên báo, mỗi năm một cuộc…Nói chung, mọi ngón nghề làm báo đều đã giở ra hết.

 Nhưng tất cả đều thua, thua vì thời đại bùng nổ thông tin. Không ai xem tin, xem ảnh trên báo Văn nghệ mà bạn đọc chỉ cần truyện hay thơ hay. Nói chung là hay, chỉ cần một số có một cái truyện hay hoặc một bài thơ hay hoặc một bài kí hay, thậm chí một tháng cũng được. Bản sắc riêng của báo là cung cấp cho độc giả một siêu phẩm, cái gì cũng được nhưng phải trên bình thường. Nếu như vì lí do gì đó mà thế hạ thấp tiêu chí, tức là đánh mất chứng chỉ, nhu nhi một tí, nể nang một tí, người đọc rất tinh, họ cảm thấy hóa ra sản phẩm báo Văn nghệ đang giảm chất lượng, hàng độn, người đọc người ta đọc chỗ khác cũng được, và người viết cảm thấy in chỗ khác cũng được.

Đây là một bài toán khó, còn thương hiệu báo Văn nghệ hay không là do người đọc người viết quyết định và cũng do vận hội nữa. Tôi nghĩ báo Văn nghệ nên mở một cuộc Trưng cầu ý kiến bạn đọc và bạn viết xem họ cần gì ở tờ báo, mở ra một mối quan hệ mở, tôn trọng sự khác biệt, tăng chất trí tuệ, vân vân… Tôi tin rằng lòng yêu quí tờ báo Văn nghệ trong lòng bạn viết và bạn đọc vãn còn nguyên.

PV:  Cảm ơn nhà văn đã có một cuộc trò chuyện thân tình. 

                          Duy Anh thực hiện

Nguồn Báo Văn nghệ số 13/2018

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *