Chân dung văn

17/10
8:06 AM 2018

DỊCH LÝ TRONG BẠCH VÂN QUỐC NGỮ THI TẬP CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM

LÊ NGUYÊN CẨN-Là nhà thơ lớn của dân tộc, ngoài di sản thơ bằng chữ Hán và chữ Nôm đồ sộ ít người sánh kịp, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) còn nổi tiếng với tư cách là một nhà lý học uyên thâm, hiểu biết sâu sắc bản chất Kinh Dịch qua các triết thuyết về Lý học hay Đạo học thời Tống, mà ông tiếp thu từ các học giả Thiệu Ung (1011-1077), Trình Hạo (1032-1085), Trình Di (1033-1107), hay qua Châu Đôn Di (1017-1073), Trương Tài (1020-1077) và Chu Hy (1130-1200).

 

Nguyễn Bỉnh Khiêm am hiểu tường tận sâu sắc Kinh Dịch không chỉ về mặt lí thuyết mà còn vận dụng vào thực tiễn đời sống lúc bấy giờ, tới mức được ca ngợi và tôn vinh là "An Nam Lý học hữu Trình Tuyền". Về bản chất, Kinh Dịch là thế giới quan và nhân sinh quan của người Trung Hoa, do đó, khi thấm nhuần tư tưởng triết học sâu sắc của pho sách đặc biệt bậc nhất thế giới này, cuốn sách duy nhất được viết bằng hai kí tự: một nét liền (dương) và một nét đứt (âm), Trạng Trình đã dùng những hiểu biết quan trọng đó để bàn về thế sự nhân sinh thời đại mình trong thơ ca của ông. Bài viết chỉ dừng ở mức độ khảo sát tư tưởng dịch lý qua tập Bạch Vân quốc ngữ thi tập của cụ, dựa trên văn bản cuốn Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm[1]. Cuốn sách này giới thiệu 177 bài thơ dùng chữ Quốc âm theo cách thể trường, đoản, tuy nhiên trong số các bài thơ đó, có 22 bài được ghi nhận là giống với các bài thơ của Nguyễn Trãi hay thơ của tập Hồng Đức quốc âm thi tập, mà học giả Bùi Văn Nguyên đã chú thích và trích dẫn đối sánh, thì chúng tôi không khảo sát. Vì thế, các trích dẫn trong bài viết đều được rút ra từ tài liệu này, nhưng không đề cập tới những bài thơ được coi là giống nhau đó.

Vì tác phẩm của các nhà Lý học hay Đạo học đời Tống đã nêu đều bàn luận và lí giải, cũng như mở rộng nhiều vấn đề khác nhau của Kinh Dịch, cho nên, đương nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải hiểu và tiếp xúc với Kinh Dịch, và những điều ông cảm nhận và tường minh trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập không xa rời cội nguồn Kinh Dịch mà trái lại thể hiện rõ ràng tư tưởng của Kinh Dịch. Bởi thế chúng tôi gọi vấn đề mà mình quan tâm là Dịch lí, được hiểu ngắn gọn là nguyên lí vận hành của trời - thiên văn - thiên lý, đất - địa văn - địa lý và con người - nhân văn - nhân lý trong quan hệ với trời đất và với chính nó, thể hiện qua ba trạng thái bản chất của Dịch, đó là giao dịch, biến dịch và bất dịch.

Trạng thái giao dịch được hiểu là tác động giao cảm của mọi hoạt động của con người, hiện hình dưới hình thức Thành Thịnh Suy Hủy của một đời người, mở rộng ra là của một triều đại, một thời đại, gắn liền với con người, với đời người, với hoạt động của con người nói chung mà chúng tôi sẽ định danh là nhân lý.

Biến dịch là sự chuyển đổi trạng thái địa văn trong không gian và thời gian theo những qui luật nhất định, không phải ngẫu nhiên, đương nhiên không vượt ra ngoài trường quan sát hay trường nhận thức được của con người, mà chúng tôi gọi là địa lý (theo nghĩa là lý của đất vì bản thân quả đất trong quan niệm của người xưa cũng như trong quan niệm của Kinh Dịch, là một sinh thể sống mà điều này càng ngày càng rõ hơn dưới ánh sáng của khoa học hiện đại).

Bất dịch, về nguyên tắc là các qui luật với tính chất thường hằng vĩnh cửu của nó, là sự vận động không đầu không cuối, trong tính qui luật vĩnh viễn của tạo hóa), chúng tôi gọi bất dịch dưới cái tên thiên lý, nghĩa là lí của vũ trụ.

Việc tách bạch ba trạng thái này chỉ để nhận thức rõ hơn, còn trong thực tế mọi sự vật hiện tượng đều bao hàm trong chúng, cả ba mặt này. Hệ Từ Hạ, chương VIII, viết: "Dịch chi vi thư dã bất khả viễn./Vi đạo dã lũ thiên./Biến động bất cư,/Chu lưu lục hư,/Thượng hạ vô thường,/ Cương nhu tương dịch/ Bất khả vi điển yếu/ Duy biến sở thích" /Sách Dịch không thể quên,/Đạo Dịch thường biến thiên,/Biến động không ngừng,/ Xoay quanh sáu cõi,/ Thăng giáng không nhất định,/ Dương âm thay nhau,/ Không dùng làm khuôn mẫu bất dịch được,/ Có biến hóa mới thích hợp"[2].

Mối quan hệ giữa ba trạng thái này, đương nhiên là khăng khít gắn bó, không thể thiếu nhau, trong đó Thiên lý đóng vai trò tác động cơ bản, Địa lý giữ vai trò tác động cộng hưởng và Nhân lý nằm trong sự tác động giao hòa qua lại của thiên lí và địa lý, để tạo ra sự hiện tồn của chính nó và bị qui định bởi hai trạng thái trên; nói cách khác là thiên lý và địa lý, xét về bản chất là những qui luật tương sinh vĩnh hằng mà nhân lý là sự nhận thức của con người, hay cái lý để con người tạo ra sự tồn tại của nó và đồng thời cũng tạo ra thái độ sống trong mỗi đời người cũng như đời sống của một cộng đồng, bao hàm mọi quan hệ ứng xử xã hội, phù hợp với các qui luật của thiên lý và địa lý. Các trạng thái tự nhiên và xã hội được diễn tả dưới hình thức biểu tượng, bằng hai kí tự, một nét liền một nét đứt, được khái quát thành hai biểu tượng âm và dương, mà về hình thức thì đối lập tương phản nhau, nhưng không triệt tiêu nhau mà trái lại, âm dương tương ứng với nhau, đã có âm thì phải có dương mới đạt tới sự cân bằng, hay trong âm có dương trong dương có âm, tạo ra tính chất âm dương tương cầu như trai gái đến với nhau trong tình yêu, để dẫn tới sự tương giao trong quan hệ giữa người và người; khi có tương giao tất nhiên sẽ có tương thôi, "cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa", mới có sự va chạm cọ xát nhau hay gọi chung là tương ma, "cương nhu tương ma, bát quái tương đãng"; từ đó sẽ dẫn tới trạng thái tương thể với chức năng thay thế hay bổ túc cho nhau mà trong các bài thuốc đông y ta thưởng gặp các vị thuốc bổ dương tả âm, hay ngược lại, từ đây cái được tạo ra hay kết quả đạt tới là cái tương thành với sự hoàn kết mang tính chất tương đối, để lại bắt đầu một chu trình tuần hoàn mới.

Các bài thơ trong tập này đều không ghi ngày tháng, nhưng qua câu mở đầu của bài 16: "Tuổi đà ngoại tám mươi già", và câu đầu của bài 21: "Tuổi già mới tám mươi hai", hay câu thứ hai của bài 139: "Khi nay tuổi đã họ tám mươi", hay "chín mươi thì kể xuân đà muộn" mà ta có thể hiểu là hết xuân hay đang ở độ tuổi chín mươi khi "tóc đã thưa, răng đã mòn" (bài 32), thì ta có thể ước đoán là cụ Trạng làm các bài thơ này ở độ tuổi đã cao, khi đã an phận tại quê nhà, và lấy túi rượu bầu thơ làm bạn tri kỉ, bởi lẽ những người bạn tâm giao của cụ cũng chắc ở độ tuổi này, nên việc giao du gặp gỡ là khó có thể được, còn những người học trò của cụ, chắc cũng không rảnh rỗi gì để mà thường xuyên đến hầu rượu ngâm thơ với cụ được, cho nên thơ trở thành người bạn tâm giao tương đắc và cũng là nơi cụ thể hiện thái độ của mình đối với cuộc thế trần ai, trong hoàn cảnh "Tuổi đã già thì mọi sự hèn" (bài 39), như sự nhận thức dịch lý; và cụ rất ý thức được vai trò của độ tuổi đó. Cụ nhắc lại lời của Khổng Tử: "Ba bảy mươi nào toàn lẫn được" (bài 35), với nghĩa là tam thập nhi lậpthất thập nhi tòng tâm sở dục bất du cự /bảy mươi tuổi có thể sống theo ý muốn, mà không vượt qui luật cuộc đời/, nói cách khác ở độ tuổi này cụ đã vượt qua các giai đoạn cơ bản của nhận thức đích thực từ Ngũ thập tri thiên mệnh, sang lục thập nhi nhĩ thuận, để đến tuổi 70 thì cách hành xử giữa tâm và đạo đã là một, nghĩ và nói ra, nói ra và thực hiện đều trong khuôn phép đạo lí, dục vọng bị ức chế và loại trừ. Đây cũng là độ tuổi của các kết tinh minh triết gắn liền với thực tiễn chiêm nghiệm dịch lí mà cụ tiếp nhận được từ tuổi thanh xuân khi theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, về cuộc đời mà cụ đưa ra trong tập thơ này.

Đương nhiên với độ tuổi tám mươi này thì khó mà chấp nhận cách hiểu cụ như là một "lão nông tri điền" như nhiều người quan niệm khi lý giải bài thơ số 79 với câu mở đầu là: "Một mai một cuốc một cần câu" được, mà chỉ có thể đây là một con người ung dung tự tại, biết thân biết phận, biết người biết ta, có tầm nhìn xa trông rộng, không tranh chấp được thua, gắn liền với cách hiểu và cách hành xử về "xuất xử", cụm từ được năm lần nhắc lại trong tập thơ như là các điểm nhấn của chủ đề mà Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng tới: "Thuở xưa xuất xử đâu là phải" (bài 7), "Thuở nay xuất xử niệm cho hay" (bài 10), "Xuất xử cầu chưa dạo được hai" (bài 14), "Thề chăng xuất xử đạo thề ba" (bài 19) và "Quân tử niệm đời nơi xuất xử" (bài 42). Theo quan niệm của Nho gia, xuất là ra làm quan, đem cái tài của mình ra giúp đời trị nước, xử là thôi chức về quê hoặc đi ở ẩn. Tương ứng với xuất xử là quan niệm hành - tàng, gắn với giới chân nhân đạo sĩ, kiếm hiệp giang hồ, và cũng đối lập với khái niệm nhập thế - xuất thế của Phật giáo. Đối với Phật giáo, xuất thế là rời bỏ chốn trần tục, xuống tóc đi tu, còn nhập thế là trở về với đời để cùng tham gia các hoạt động xã hội. Xuất xử cũng là nguyên tắc của nhân lí, gắn với thời kì Nguyễn Bỉnh Khiêm sống, mà như ta biết, cuộc đời cụ vắt qua hai thế kỉ và cụ trở thành chứng nhân của những biến động lịch sử liên miên trên chính trường dưới các triều đại Lê - Mạc, một hoàn cảnh xã hội với nhiều thăng trầm, nơi có thể dùng để kiểm chứng lý thuyết hay vận dụng lý thuyết Dịch kinh một cách rõ ràng nhất. Xuất xử tương ứng với cụm từ "đi - đỗ" tức "hành - chỉ" trong tập thơ này: "Đòi thời đi, đỗ mặc ta dầu" (bài 9), bởi vì "mệnh ở trời, há phải cầu?" mang đậm tính chất dịch lý, gắn liền với các giai đoạn sau thời kì "tri thiên mệnh" như cách nói của Khổng Tử.

Thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm sống, với những biến động nhiễu nhương như thế, nên vấn đề nhân lý trở thành vấn đề được cụ quan tâm hàng đầu. Trước hết, cụ chỉ ra bản chất của một thời kì bon chen xô bồ hỗn loạn, nơi mọi thang bậc giá trị nhân phẩm đều bị thay đổi, nơi tính chất cơ hội xúc xiểm có điều kiện sinh sôi nảy nở. Điều này được cụ nhấn mạnh nhiều lần: "Cửa buông nhện nhân vì vắng,/ Thớt quyện ruồi ấy bởi tanh" (bài 29), "Ang thịt mỡ bùi ruồi đến đỗ/ Bát bồ hòn đắng kiến đâu bò" (bài 46);, "Kiến nhân thác bởi sanh bùi ngọt,/Ruồi lánh mình vì bát đắng cay" (bài 62), "Mật ngọt ruồi vào ruồi đắm đuối,/ Mồi thơm cá đến cá phàn nàn" (bài 67), "Thớt có tanh tao ruồi háo miệng,/ Gang không mật mỡ kiến đam thân?" (bài 71). Thời Nguyễn Bỉnh Khiêm sống là thời của những kẻ lợi dụng thời cơ đục nước béo cò, những kẻ kém tài kém đức thỏa sức kiếm lời trên sự rệu rã của xã hội và diễn ra theo nguyên tắc: "Còn bạc còn tiền còn đệ tử,/ Hết cơm hết rượu hết ông tôi" (bài 77), tại đó: "Cáo đội oai hùm mà lỡm chúng,/ Ruồi nương đuôi ngựa luống khoe người" (bài 99), "Cơm cháo bỗng xui người hóa quỷ,/ Oản xôi dễ khiến bụt nên ma" (bài 101), "Hàng thịt nguýt hàng cá,/ Đứa bán bò gièm đứa bán trâu./ Bé vú thở than người cả vú,/ Ít râu inh ỏi kẻ nhiều râu" (bài 120). Thời đại đó được cụ gọi thẳng thừng là "thế sự đôi co" (bài 92), hay "sự thế gian" (bài 49), cũng là cách khái quát theo hình thức dịch lý về thực trạng xã hội. Khi bản chất xã hội đã thay đổi thì cách thức hành xử, hay nói cách khác là những quy tắc giao tiếp mới của xã hội cũng xuất hiện mà những quy tắc này, một mặt làm thay đổi quan hệ xã hội, mặt khác, làm đảo lộn đời sống tinh thần, đạo đức, trở thành những cách thức làm cho xã hội đã rệu rã càng rệu rã hơn, xé lẻ tính chất cộng đồng bằng sự phân hóa giàu nghèo, tuy chưa đến mức như xã hội của cơ chế thị trường tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng mấp mé bên bờ của cơ chế ấy. Cụ chỉ rõ bản chất của sự phân hóa đó trong lòng xã hội "hoàng kim hắc chính tâm", đang lún sâu vào sự tha hóa ấy cũng bằng cách nhìn dịch lý: "Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười,/ Có của thì hơn hết mọi lời./ Trước đến tay không nào ai hỏi, Sau vào nặng túi lại vui cười... Người của lấy cân ta thử nhắc,/ Mới hay rằng của nặng hơn người" (bài 80).

Cũng vì thế, nguyên tắc nhân lí được cụ đề ra và theo đuổi triệt để trong phần đời còn lại của cụ, là "vô sự", là "thế sự ngoài tai, biếng nói năng" (bài 18), là "Vô sự là tiên lọ phải tìm" (bài 45), vì thế "Già vô sự ấy là tiên" (bài 48), "Chữ rằng: vô sự tiểu thần tiên" (bài 69), "Vô sự thời hơn nửa ngọc vàng" (bài 97). Vô sự không phải là đứng ngoài cuộc, bởi lẽ không có người nào tồn tại ngoài một xã hội cả, mà những người được coi là vô sự hay tự coi mình là vô sự, như là một giai tầng của xã hội cũng nằm trong biến động của xã hội, với một thái độ sống mang đậm tính chất dịch lý, nghĩa là tuân thủ theo quy luật hay nhận thức được bản chất của quy luật vận động xã hội để có cách thức ứng xử phù hợp với sự biến thiên nhiều chiều đó. Như vậy, các nguyên tắc của dịch lý được thể hiện dưới hình thức trải nghiệm thực tiễn "dịch cùng tắc biến, biến tắc thông", là sự nhận thức sâu sắc về thời cuộc, chấp nhận cái đang diễn ra, mà cái đang diễn ra này về bản chất cũng là cái đang biến đổi, tạo nên cách nhìn không bi quan và cách hành xử không yếm thế, là đi tìm cho mình lối thoát phù hợp với điều kiện và khả năng của bản thân. Vì thế, quan niệm "vô sự" của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn với hình thức "an phận", hiểu nôm na là an tâm với thân phận của mình, là nhận thức được bản thân trong tổng thể xã hội, là hiểu rõ mình đang ở đâu và mình phải làm gì ở đó, là giữ mình trong nguyên tắc sống không bon chen, không cầu cạnh, chẳng ganh đua và cũng là sự tri nhận ở tầm dịch lý mà không phải ai cũng biết được và thực hiện được. Cụ chỉ rõ: "An phận thời hơn khó mọi điều" (bài 3), "An phận là tiên lọ phải cầu" (bài 4), "An phận thời lành ở một mình" (bài 15), hay "Yên phận ta nhàn được thú" (bài 21), "Dù hay phận mới yên dầu phận" (bài 42), "Vô sự là tiên lọ phải tìm" (bài 45),"Chữ rằng: vô sự tiểu thần tiên" (bài 53), "Vô sự thời hơn kẻo phải lo" (bài 78), "Yên phận mà thôi chớ chớ cầu,/ Gặp sao hay vậy có nài sao" (bài 146).

Tính chất "an phận" này đến với cụ từ sự nhận thức xác đáng về "doanh mãn" về sự thái quá mà theo Kinh Dịch thì "thái quá bất cập": "Thuở nơi doanh mãn là nơi tổn" (bài 9), "Hai chữ mãn doanh này khá ngẫm" (bài 15), "Thấy cơ doanh mãn cho hay chớ" (bài 19), "Thấy nơi doanh mãn lệ cho thay" (bài 35). Cụ chỉ ra tính chất của "doanh mãn" như là quy luật, là nguyên tắc nhân quả để điều chỉnh cuộc sống, là lý của sự vận động vừa của tự nhiên vừa của xã hội. Từ sự nhận thức đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm xác định: "nhàn một ngày là tiên một ngày" (bài 10), và lấy "thanh nhàn" để "dưỡng thân nhàn" "Thanh nhàn ta sẽ dưỡng thân nhàn" (bài 8), để được "Thú nhàn sơn dã mấy hay mùi" (bài 11) lúc "thân nhàn phúc lại được về nhà" (bài 12) trong cảnh "am quán ngày nhàn, rồi mọi việc/ Dầu ai tự tại, mặc dầu ta" (bài 16), tại đó "Nhàn được thú quê dầu nấn ná" (bài 17), "Yên phận ta nhàn ta được thú" (bài 21), để "Ngày ngày tiêu sái nhàn vô sự,/Tuy chửa là tiên, ấy ắt tiên". Cụ trở thành "ông nhà" trong "am hoa" (bài 25), nơi cụ "Lại được về nhàn dưỡng tuổi tàn" sánh với "Cửu lão kìa ai nhàn được thú,/ Tứ Minh nọ khách dại làm thơ", (bài 27), "Thanh nhàn ấy, ắt là tiên khách" (bài 34), nơi "Khách nhàn sơn dã dưỡng thân nhàn" (bài 44) với "câu thanh nhàn đọc qua ngày tháng" (bài 50), "Giàu mặc phận thác đâu bì,/ Đọ thanh nhàn, khá nhất nhì" (bài 92), nơi "ta đã thanh nhàn, người phú quý,/Dễ đâu hầu được trọn đôi đường" (bài 97), kết quả là "Chốn ấy thanh nhàn được thú,/Lọ là bồng đảo mới là tiên" (bài 127), nơi thường có "Thư nhàn mừng thấy bạn ngâm nga" (bài 129). Khái niệm "nhàn" hay "thanh nhàn", mà đặc biệt là "thanh nhàn" thể hiện sự bình tâm thanh thản của con người có học thức cao, của con người nắm được, một cách biện chứng, cái lí của trời đất, cũng là khả năng trải nghiệm cao nhất mà con người có thể đạt được. "Còn về lý, thanh là tấm lòng trong trẻo, không vướng vào trần tục, không sa đắm vào các việc tham dục, sân nhuế, si mê"[3], còn "nhàn" thường gắn với "nhàn cư, ẩn cư"[4] nơi mai danh ẩn tích của những người quyết chí tu hành, có thể hiểu thanh nhàn là sự thanh thản, bình tâm trước thế sự cuộc cờ, là phẩm chất của những con người nắm được quy luật vận động của tự nhiên, của đất trời hay nắm vững dịch lý nói chung.

Sự "an phận" trong cảnh "thanh nhàn" hay "nhàn" thường được tái hiện nhiều lần cùng điển tích Lã Vọng câu cá, có khi được lược giản trong các từ "cần câu" hay hành động "câu", hay các điển tích về Sào Phủ, Hứa Do, hay Tây Hồ, Bắc Ải, Lưu Hầu, Xích Tùng tử...: "Nọ khách ngòi Đông tay rủ câu" (bài 9), "Bầu cơ sơn nhẽ nào ai phụ,/ Bút Ngọc đường thanh thảo kẻ hay" (bài 10), "Tây hồ thuyền nổi hoa mai bạc,/ Bắc Ải cầm xoang vựng nguyệt thành" (bài 17), "năm hồ có khách thênh thuyền mọn,/ Chở nguyệt đêm thanh hé bóng mai" (bài 20), "Kham hạ Lưu Hầu từ Hán tước,/ Cốc thành náu ẩn Xích Tùng chơi" (bài 24), "Vui vườn Lạc xã năm khách,/ Lánh đất Nam Dương một lều" (bài 28), "Mấy người đầu bạc hội Kỳ Anh" (bài 29); "Đông giang rủ một tơ câu" (bài 31), "Bàn cờ cuộc rượu vây hoa trúc,/ Bó củi cần câu chốn nước non" (bài 32), "Bạn cũ Kỳ Anh xum họp mặt" (bài 45), "Đồ thư một quyển nhà làm của,/ Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền" (bài 48), "một mai một cuốc, một cần câu (một thanh đao?)" (bài 79), " Kìa kìa Lã Vọng câu Bàn Thạch,/ Nọ nọ Nghiêm Quang náu Phú Xuân" (bài 142), "vui thú ẩn một cần câu" (bài 148), "Hóng mát từng vui chốn Thạch Bàn" (bài 151).

Các điển tích này đều ca ngợi những nhân cách lớn của các thời đại trước trong sử sách Trung Hoa, và đều có những hoàn cảnh như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chứng kiến và cũng là người trong cuộc. Những điển tích đó, khẳng định việc an phận trong cảnh thanh nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một đạo lí, một nguyên tắc ứng xử của nhân lý, chứ không phải là một sự so sánh bình thường, vì sự ẩn dật chờ thời, hay ẩn dật không hợp tác trong hoàn cảnh bất cập, trở thành nguyên tắc sống, thành triết lí nêu gương, noi gương và theo gương, vốn rất mạnh trong truyền thống văn hóa Trung Hoa và ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Hơn nữa, những người như Khương Tử Nha Lã Vọng hay Nam Dương Gia Cát Khổng Minh, thì không chỉ là những nhà quân sự nổi tiếng mà còn là những nhà tiên tri lỗi lạc trong sử sách Trung Quốc mà bản thân những người này cũng từng chờ thời đợi thế để tìm minh chủ, điều mà Nguyễn Bỉnh Khiêm, không có được, hay không thỏa mãn trong cuộc đời mình. Vì thế các điển tích này gắn với hình thức "an phận" trong cảnh "thanh nhàn" với sự ưu tư về thời thế nhân quần chứ không phải là nhàn tản, nói cách khác đây là nhàn thân chứ không phải nhàn tâm, mà nhàn tâm làm sao được khi xã hội xuống cấp, khi thời thế đảo điên: "Đạo nọ nghĩa này trăm tiếng bướm,/ Nghe lâu thinh thỉnh lại đồng tiền". Cũng vì thế mà ông mơ ước nhiều đến thời kì Nghiêu Thuấn: "Muôn vàn đã đội đức trời Nghiêu" (bài 3), "Thong thả ngồi chơi cõi Thuấn, Nghiêu" (bài 87), ông tự thán "Sinh chẳng gặp thuở Đường Ngu" (bài 113) và mong muốn "Muốn cho nhà chúa bằng Nghiêu Thuấn" (bài 140). Trong sự "an phận" đó, tâm tư của Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn hướng về một khát vọng là đất nước có: "Tể tướng hiền tài, chúa anh minh" (bài 149), để "nước yên chỉn thực ấy nhà yên" (bài 144), để vui "Mừng thấy thời vần đời mở trị,/ Thái bình thiên tử, thái bình dân" (bài 142), vì thế: "Dẫu bởi ai han thời sẽ nhủ,/ Thái bình thiên tử thái bình dân" (bài 93), và ông: "...nấn ná cong lều tiện,/Nhân thể ngồi xem thuở thái bình" (bài 90), nhấn mạnh ước mơ của mình: "Ước một tôi hiền chúa thánh minh", khi đã lui khỏi con đường công danh (bài 29). Ông mơ ước một xã hội thái bình thịnh trị nơi con người có thể sống như một con người đích thực, nơi cái thiện lên ngôi, cái ác bị gạt bỏ, nơi tình người là đặc điểm nổi trội, và đây cũng là tính chất thân dân vì dân trong triết lý của Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn từ góc độ dịch lý, hay cụ thể hơn là nguyên tắc nhân lý.

Cái nhàn ở đây là cái nhàn của một nhà hiền triết mà ngoài thú vui làm thơ để giãi bày tâm trạng cung "trúc mai làm bạn hứng thơ nồng" (bài 33), như đã nói, thì cái nhàn này còn là hệ quả của việc đọc "đồ thư" được đặt nơi "án sách hãy còn án sách cũ" (bài 1), nơi đó có "ba quyển đồ thư, thu nặng túi" (bài 12), "sách cũ ba pho, rỗi lại đọc" (bài 23), "Của nhà còn ấy hai pho sách" (bài 36), "án cũ giở xem ba quyển sách" (bài 40), hay "Đồ thư một quyển nhà làm của" (bài 48), để rút ra điều mà ông tâm đắc: "Sách được câu thần dạ những ngong" (bài 112), bởi "Sách cũ ngày tìm người hữu đạo,/ Trì thanh đêm dưỡng, nguyệt vô tâm" (bài 135), vì thế: "Thơ có nghìn lại ngâm Bình Lộc,/ Sách chăng hai thuở hiến Điền Đan" (bài 144), và tự bạch: "Hổ đọc điều xưa năm bảy chữ,/ Thẹn xem ý cũ một hai văn" (bài 145). Cho dù trạng thái và tâm thế đọc mỗi lúc một khác, như điều mà Nguyễn Bỉnh Khiêm, lấy làm ứng xử ở việc đọc này đều thuộc nguyên tắc nhân lý, nghĩa là đi tìm câu hỏi cho thế sự cuộc đời của thời đại ông từ chính những "đồ thư" mà có thể hiểu là từ triết lý của Kinh Dịch. Vì thế cái nhàn của ông không phải là cái nhàn của người ngoảnh lưng với thời đại, mà ở tầm cao của mình, khi không bị ràng buộc hay lệ thuộc vào những bổng lộc ân huệ ban phát, giống như cách suy nghĩ của Hàn Phi: "Ngô bất thần thiên tử, bất hữu chư hầu, canh tác nhi thực chi, quật tỉnh nhi ẩm chỉ"[5], để tạo ra cốt cách "một mai một cuốc...", để "câu" mà không "câu", để ngẫm suy về thời cuộc, để: "Tả cơn buồn ba quyển sách,/ Vui thú ẩn một cần câu" (bài 148).

Việc đọc "đồ thư", mà đồ thư ở đây, chắc chắn là các trước tác của các nhà lý học để ôn lại trong chiều sâu suy ngẫm, nơi đó: "Quyển vàng giảng giải đạo làm người" (bài 130), để thấu hiểu: "Tới lui cho biết lẽ kinh quyền" (bài 69). Từ "đồ thư", cụ rút ra: "Đạo thánh như tơ mối lại dài" (bài 65), để từ đó cụ rút ra nguyên tắc đạo trung dung: "Biết đạo thời trung, chăng có tây" (bài 10), bao gồm nguyên tắc trung dung, không thái quá, không bất cập, không a dua theo kẻ xấu, cũng như không nghiêng ngả theo người, vì lẽ biến thiên trong thời loạn là quá lớn. Trung dung gắn liền với trung ái: "niềm xưa trung ái thề chăng phụ" (bài 12), nơi cụ khẳng định niềm trung quân ái quốc của mình, và gắn với trung thường: "Phải đạo trung thường mựa có qua" để đi tới: "Nắm lấy thánh hiền nơi thuở học,/ Thề chưng xuất xử đạo thờ ba" (bài 19). Trung dung còn hàm chứa nghĩa trung cần, tức là trung trinh và cần mẫn: "Chăng hết trung cần hai chữ ấy,/ Mặc nhờ đất rộng, cậy trời cao" (bài 89). Như vậy, nguyên tắc trung dung mang trọn tính nhân lý này hàm chứa trong nó ba yếu tố: trung ái, trung thường và trung cần, như là những quy tắc bất biến trong đối nhân xử thế của Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho thấy, cụ tin tưởng vào dịch lý biến thiên của trời đất, mà điều này thể hiện qua sự tri nhận về cái thiên lý của cụ. Vì thế, "Giữ đạo hiếu trung là của báu,/ Miễn qua ngày tháng phận ta an" (bài 70).

Cơ sở của nhận thức nhân lý chính là thiên lý. Tính chất thiên lý trong tập thơ này được cụ khẳng định dứt khoát: "Khôn ngoan mới biết thăng thì giáng,/ Dại dột nào hay tiểu có đài,/ Đã khuất bao nhiêu thì lại duỗi, / Đạo trời lồng lộng chẳng nào sai" (bài 2). Đây là nguyên lý của Dịch Kinh, theo nguyên tắc "sinh sinh chi vị dịch" và được Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện một cách sâu sắc qua: "Mệnh ở trời lọ phải cầu?" (bài 9), "Trời cũng biết nơi lành dữ,/ Họa phúc chăng dung cái tóc chiên" (bài 12), "Nẻo nhọn bao nhiêu lạ có tùi,/ Xóc cơ tạo hóa lạ càng soi" (bài 20), "một cơ yêu nhọc đổi thay điều" hay "buồn cho con tạo hóa trớ trêu" (bài 28), "Xem được cơ mầu mới biết hay" (bài 35), bởi "Cơ màu tạo hóa mặc tự nhiên" (bài 48), "Vốn trời phận đà có tính,/ Chân thì hay bước, cánh hay bay" (bài 62), "Của chung vốn ở trong trời đất,/ Cơ mầu mới biết lòng hư thật" (bài 75), "Thế gian biến cải vũng nên đồi" (bài 75),"Trời sinh trời ắt có lại dành phần" (bài 86), "Mặc nhờ đất rộng, cậy trời cao" (bài 89), "Lẳng lặng mà nghe tạo hóa màu" (bài 146). Những cụm từ như "tạo hóa", "cơ trời", "đạo trời", "mệnh", "số", v.v... không phải là những từ ngữ thần bí hay được thần bí hóa để mê hoặc con người mà là cách thức diễn giải của người xưa về "đạo" hay về thiên lý nói chung, những gì mà ngày nay ta gọi là quy luật phổ quát. Xét về phương diện này, thì quan niệm thiên lý mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra gắn liền với hình thức triết học hồn nhiên của nhân loại trong thời kì phát triển tiến hóa đầu tiên của nó. Hình thức triết học bản nguyên này được thể qua những hình ảnh đối sánh tuyệt đối nhưng là trực thị, theo kiểu: "Đỏ thì son đỏ, mực thì đen" (bài 13), "Gần son thì đỏ, mực thì đen" (bài 68), để chỉ ra: "Họa phúc chẳng dung cái tóc chiên" và khuyên răn: "Lộc có bao nhiêu ăn bấy nhiêu" (bài 51), bởi: "Vốn trời phận đà có tính,/ Chân thì hay bước, cánh hay bay" (bài 62), hay được khái quát dưới hình thức dịch lí: "Trời sinh muôn vật kể dư muôn,/ Khinh trọng ta dù biết mực son" (bài 114).

Ý niệm "vật đổi sao dời" in đậm trong tâm thức của các nhà hiền triết phương Đông, như là sự nhận thức về tính biện chứng của tự nhiên, cũng cho thấy quy luật biến thiên của vũ trụ, đã tác động làm biến đối thế giới về mặt địa lý, để qua đó tác động lên con người. Quy luật "Âm đã lại dương, đành máy nhiệm, / Bĩ thôi thời thái, ấy cơ thường" (bài 106), dẫn tới sự biến đổi của địa lý: "sao dời vật đổi trong nền tướng,/ Nước chảy hoa trôi áng cửa hầu" (bài 107), "trời còn đấy, đất còn đấy,/ Bể biến non dời, cạn lại sâu" (bài 111) hay "Vũng nọ ghê khi làm bãi cát,/ Doi kia có thuở lút hòn thai" (bài 2), "Thỏ giãi ô bày hay ý nhiệm,/ Thước bay, cá nhảy thấy cơ màu" (bài 123). Từ nhận thức: "Mừng thay tạo hóa làm công bấy,/ Giàu khổ sang nhà cũng bạc đầu", cụ lại trở về với nhân lý ở một cấp độ cao hơn: "Đỏ thì son đỏ, mực thì đen" (bài 13), để đi tới nhận thức: "Chữ rằng: "Phú quý giai do mệnh,/ Gặp được bao nhiêu hay bấy nhiêu" (bài 104), hay: "Chữ rằng: nhân dĩ hòa vi quý,/ Vô sự thời hơn kẻo phải lo" (bài 78).

Sự nhận thức sâu sắc về thiên lý và địa lý đã đưa tới sự xác lập nguyên tắc đảm bảo cho sự trường tồn của nhân lý: "Dầu muốn ích con thêm ích cháu,/ Chớ quên thờ chúa, miễn thờ cha" (bài 57), "Bạo hung chỉn đã gươm mài đá,/ Phúc đức đành hay cỏ đượm xuân./Chớ có hại người mà ích kỉ,/ Giấu người khôn giấu được tinh thần" (bài 86), "Quét cửa nho, chờ khách đến,/ Trồng cây đức để con ăn./ Được thua phú quý dầu thiên mệnh,/Bới móc làm chi cho nhọc nhằn" (bài 94), "Kho ngọc mời khuyên nhà họp mặt,/ Quyển vàng giảng giải đạo làm người./ Thấy câu "khuyến thiện" nhà hằng chứa,/ Chữ "thận" đeo mình kẻo lụy đời" (bài 130). Nguyễn Bỉnh Khiêm nhấn mạnh vai trò của việc tu nhân tích đức và chỉ ra quy tắc: "Đức năng thắng số", nói cách khác, cụ tri thiên lý và địa lý để tập trung giải quyết các vấn đề về nhân lý, để hoàn thiện xã hội hay quy tụ xã hội. Nếu những câu phán truyền được coi là những câu sấm của cụ, thì những câu sấm đó có giá trị như là cách thức xử lí các vấn đề về xã hội dựa trên các nguyên tắc thiên lý và địa lý. Chẳng hạn, lời sấm: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", vừa làm dịu đi mối bất hòa Trịnh Nguyễn lúc đó, vừa mang tầm chiến lược mở cõi; hay lời sấm giành cho nhà Mạc: "Cao Bằng tuy thiểu, khả nhiên sổ thể" cũng là sự dàn xếp nhân lý dựa trên thiên lý và địa lý để tránh đi cuộc chiến nồi da nấu thịt, hay Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong, tạo ra hình thức vua Lê chúa Trịnh, khả dĩ yên nước lợi dân trong một hoàn cảnh nhất định.

Quy luật của thiên lý, địa lý là quy luật của đất trời, nằm ngoài sự kiểm soát của con người nhưng tác động rất lớn đến con người, quy định giá trị của nhân lý, tạo ra sự đua tranh trong nhận thức về cái dại cái khôn, vốn được đề cập đến nhiều trong tập thơ này, mà theo Nguyễn Bỉnh Khiêm thì: "Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,/ Người khôn người đến chốn lao xao" (bài 79). Quan điểm hay nhận thức về dại - khôn thực chất là sự tự vấn về bản chất cuộc đời, cũng giống như câu hỏi mà Hamlet đặt ra cho mình khi rơi vào hoàn cảnh xã hội rối ren, lúc "cứ hàng vạn người mới có một người lương thiện", nơi "cả thế giới là một nhà tù", câu hỏi đó là "Sống hay không sống - tồn tại hay không tồn tại" (to be or not to be)[6]. Tinh thần nhân lý tập trung cao độ trong phần Cương thường tổng quát với 24 bài thơ có tiêu đề mang đậm tính chất giáo huấn, nhấn mạnh tính chất "cương thường" hay "tam cương ngũ thường" theo đạo lý Nho gia, như những nguyên tắc điều hòa nhân lý vô cùng cần thiết cho xã hội thời kì đó, mà chúng tôi chưa thể đề cập thêm nữa trong bài viết này.

Tóm lại, với sự hiểu biết sâu sắc về Kinh Dịch, về bản chất của thiên lý và địa lý, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hướng vào lý giải các vấn đề về nhân lý, đặc biệt là mối quan hệ xã hội giữa người và người trong thời đại đó, phân tích sự tha hóa của xã hội trên cơ sở thực tiễn đương thời, để đưa ra những lời giáo huấn, bổ ích không chỉ cho thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm sống mà cả cho các thời đại tiếp sau suy ngẫm, trên cơ sở khoa học và biện chứng của nguyên tắc dịch lý. Cụ trở thành nhà xã hội -tương lai học đầu tiên của đất nước, vì thế việc tìm hiểu khai thác các giá trị mà cụ để lại mãi mãi là một vấn đề còn rộng mở./.

Tóm tắt:

Là nhà lý học uyên thâm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, dựa trên nên tảng triết lý về thiên lý, địa lý, kiến giải và đưa ra hướng giải quyết vấn đề nhân lý mà xã hội đương thời đặt ra, tạo thành sự suy lý biện chứng mang tính giáo huấn về các hiện tượng xã hội của thời đại đó. Ba trạng thái này khăng khít gắn bó, không thể thiếu nhau, Thiên lý đóng vai trò tác động cơ bản, Địa lý giữ vai trò tác động cộng hưởng và Nhân lý nằm trong sự tác động giao hòa qua lại của thiên lí và địa lý, để tạo ra sự hiện tồn của chính nó và bị qui định bởi hai trạng thái trên; nói cách khác là thiên lý và địa lý, xét về bản chất là những qui luật tương sinh vĩnh hằng mà nhân lý là sự nhận thức của con người, hay cái lý để con người tạo ra thái độ sống trong mỗi đời người cũng như đời sống cộng đồng, bao hàm mọi quan hệ ứng xử xã hội, phù hợp với các qui luật của thiên lý và địa lý. Nhân lý gắn với khía cạnh giao dịch, thiên lý gắn với bản chất bất dịch, và địa lý là hình thức biến dịch, là sự biến thiên tuần hoàn trong vũ trụ, được dùng để minh giải sự xuống cấp của xã hội, để lý giải hiện tượng tha hóa của thời Lê - Mạc, dưới hình thức thơ có khả năng truyền cảm cao và dễ dàng tri nhận. Di sản thơ ca của Nguyễn Bỉnh Khiêm là tài sản quý giá trong kho tàng văn học dân tộc. Sự thông hiểu lý trời lẽ đất để lý giải và đề xuất các quy tắc về nhân lý, đã đưa Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành nhà xã hội - tương lai học đầu tiên của đất nước, để Nguyễn Bỉnh Khiêm mãi mãi trường tồn với đất nước mà cụ đã định danh quốc hiệu ngay từ đầu, đó là: Việt Nam.

L.N.C.

Nguồn: Tạp chí Thơ

 

 

[1] Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, tập 1: Bạch Vân quốc ngữ thi tập, do cố GS. Bùi Văn Nguyên phiên âm, chủ thích và giới thiệu, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1989. Các trích dẫn trong bài viết đều lấy ở tài liệu này.

[2] Nguyễn Hiến Lê: Kinh Dịch đạo của người quân tử. NXB Văn học. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, trang 492.

[3] Đoàn Trung Còn: Phật học từ điển, tập III, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2005, trang 303.

[4] Sách trên: tập II, trang 441.

[5] PGS. TS Nguyễn Đăng Na: Về bài thơ Nôm số 79 của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tạp chí Hán Nôm, số 4(94)/2009, trang 68-73.

[6] W.Shakespeare: Tuyển tập kịch, NXB Sân khấu, Hà Nội, 1995, trang 225.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *