Chân dung văn

10/9
9:20 PM 2018

CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO TRONG THƠ TRẦN NHUẬN MINH

NGUYỄN THỊ THẢO-( Trường Đại học Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).Nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu thơ Trần Nhuận Minh đều tán thành quan điểm ông là nhà thơ thế sự - thơ hiện thực chủ nghĩa. Cảm hứng của nó thường là những vấn đề thuộc về những mặt trái của xã hội, những biểu hiện tiêu cực của xã hội với mục đích là phê phán.

                                                            Nhà thơ Trần Nhuận Minh

1 - CẢM HỨNG THẾ SỰ

 

Thời kỳ “Cái tinh tế cỏ hoa tạm thời chưa nghĩ đến/ Vì ta đang tính đến triệu sinh mệnh con người và vạn khoảnh non sông” (Chế Lan Viên ) đã lùi dần vào quá khứ. Cuộc sống cá nhân riêng tư của con người không còn bị thu hẹp trước sự tỏa chiết của tập thể như thời chiến nữa. Đất nước bước ra khỏi chiến tranh và bắt đầu vào công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước. Tuy nhiên, theo quy luật cạnh tranh, quan hệ giữa người với người cũng có những thay đổi. Bước ra từ chiến tranh, con người trở về với cái đời thường, hiện sinh, phồn tạp, hối hả, với nhịp sống tất bật lo toan, những nhu cầu về vật chất và tinh thần… Một gương mặt xã hội mới “sặc sỡ và ồn ào” với tất cả mặt sáng và mặt tối đã hình thành. Sự lên ngôi của những giá trị vật chất đã tạo nên chuyển động lớn trong đời sống tinh thần của con người. Những chuẩn mực cũ dần thay đổi, đạo đức xuống cấp, đồng tiền lên ngôi, giàu nghèo phân hóa… Nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu thơ Trần Nhuận Minh đều tán thành quan điểm ông là nhà thơ thế sự - thơ hiện thực chủ nghĩa. Cảm hứng của nó thường là những vấn đề thuộc về những mặt trái của xã hội, những biểu hiện tiêu cực của xã hội với mục đích là phê phán. Vì thế giọng điệu thơ ở đây thường nhuốm vị đắng cay, chua chát, xót xa... Trần Nhuận Minh cũng đã từng nói về thơ thế sự của mình như sau: “Thực ra, tôi nghĩ viết về trời đất bao la, viết về con người, cũng tức là viết về mình đấy. Và như thế, mình có mặt ở khắp mọi nơi, tự tan ra trong nỗi vui buồn của rất nhiều người. Vậy thì cái được lại càng nhân lên, còn gì sung sướng hơn nữa. Viết về người, vẫn cần hoa mĩ, trữ tình, nếu bài thơ yêu cầu cần phải như thế để bộc lộ một vấn đề, một cốt cách hay một nhân cách. Thông thường thơ thế sự cần mộc hơn, nhưng cũng phải tinh hơn, không mộc thì mất cái chân xác, không tinh thì mất cái hàm súc, dư ba…thơ sẽ không sống được(Đối thoại văn chương) .

Nhà thơ Bằng Việt trong lời giới thiệu thơ Trần Nhuận Minh đã nhận xét rất đúng rằng: “Anh chỉ đau niềm đau duy nhấtđau đời. Nỗi đau nhân sinh đó, trong anh, vừa ở góc độ cá thể hóa, vừa ở tầm phổ quát” . Vì vậy nên nỗi đau của ông không phải viết ra trong sự hằn học, xả giận mà là ông viết để cảnh tỉnh, cảnh báo. Ông lo sợ trước cơn bão suy đồi và nhận thức được trách nhiệm mình phải góp một tiếng nói lay động trái tim độc giả. Đây, cũng là Bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ, vậy mà mỗi người mỗi cảnh, hoàn toàn cách biệt: “Đứa làm đạo diễn văn công/ Nỗi đau đời giấu vào trong tiếng cười/ Đứa đi buôn ngược, bán xuôi/ Vào Nam ra Bắc ăn chơi một mình/ Đứa thì làm giám đốc ngành/ Đi đâu cũng có nhân tình đi theo/ Đứa thì áo túm, quần đeo/ Tinh mơ vác gạo, xế chiều bơm xe / Đứa liều vượt biển trốn đi/ Nổi chìm nào biết tin gì thực hư/ Đứa thì làm trưởng trại tù/ Gặp nhau, tay bắt lạnh như đồng tiền”. Nhà thơ chỉ thầm mong: “Ngoài hiên, trăng khuyết nửa vành xa xôi/ Ước chi về tuổi chín mười /Vẫy khăn quàng đỏ giữa trời thẳm xanh”. Những đứa trẻ hồn nhiên ngày nào giờ mỗi người một hoàn cảnh. Nhà thơ chìm vào trong những suy tư, trăn trở. Viết về sự biến đổi, trong đó có cả sự băng hoại về đạo đức ở nông thôn ngày nay có lẽ là một sở trường của Trần Nhuận Minh. Trái tim luôn áp sát với đời khiến cho thơ anh đi vào được ngóc ngách của đời sống thôn dân, đã bật lên những ngọn đèn cảnh báo: “Bà bán nước chè xanh không chỉ bán nước chè/ Có bán cả phụ tùng tên lửa”. Trần Nhuận Minh là người có ý thức rất cao với nghề nghiệp, ông cho rằng thơ mình chỉ có giá trị khi hướng vào dòng chảy thế sự. Ông đưa vào thơ mình muôn vàn cảnh đời, kiếp người, Triệu Đàm trong bài Đôi điều suy tư tản mạn về thơ Trần Nhuận Minh đã có nhận xét rất thấu đáo: “Nhiều năm rồi những con người nhỏ bé, thấp cổ, bé họng dần bị đẩy ra khỏi văn chương nghệ thuật. Trần Nhuận Minh dũng cảm đề cập thật dóng diết tới những mất mát, tổn thương do vật đổi sao dời mà họ phải gánh chịu”. Đầu tiên, Trần Nhuận Minh hướng đến những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh, cuộc đời những đứa trẻ bất hạnh là ám ảnh đè nặng ngòi bút của ông. Với sự nhạy cảm của mình luôn đề cập đến những mặt trái của xã hội đương thời. Như vấn nạn than thổ phỉ một thời hoành hành ở vùng vàng đen của Tổ quốc, hai tiếng “Thổ phỉ” đã là minh chứng đủ đầy cho sự hỗn loạn của xã hội một thời ở vùng mỏ than Quảng Ninh. Nạn đào than cướp giật, trộm cắp của các đầu gấu, đầu nậu hoành hành ở vùng đất này nhiều năm liền. Vì sự nghèo đói, khổ cực, những người này đã chấp nhận mọi sự hiểm nguy, sẵn sàng đào sâu và bỏ mạng trong các hầm lò tạm bợ mà không một điều kiện nào bảo đảm về sự an toàn tính mạng. Cháu Mừng chắc chắn không phải nạn nhân duy nhất vì không phải một hầm, một lò mà hàng trăm, hàng nghìn hầm lò than khai thác than thổ phỉ mà trộm cắp thì lấy đâu an toàn, cho nên nhiều đứa trẻ như cháu Mừng lâm vào cảnh đói rách phải: “Cháu đi đào than thổ phỉ/ Lấy tiền nuôi mẹ nuôi em/ Sập lò, cột đè gẫy nát/ Xác buộc túm trong vải bạt/ Than đổ ứ đầy lên trên/ Xe chạy trốn người, qua đêm” (Cháu đi đào than thổ phỉ). Đứa trẻ tội nghiệp sớm thành trụ cột gia đình, phải đổi mạng sống với cái giả quá rẻ mạt. Trần Nhuận Minh thảng thốt trước sự thật quá đau xót:“Đã qua cái thời đói rách/ Làm sao còn khổ thế này”. Nó khiến chúng ta thổn thức trước số phận con người, bàng hoàng, giật mình trước gánh nặng cơm áo gạo tiền. Trần Nhuận Minh chỉ biết ngửa mặt lên trời gọi tên cháu: “Mừng ơi!”. Mẹ cha đặt tên gửi gắm đầy hi vọng tương lai vào đó, hy vọng cháu sẽ mang mừng vui đến cho cả nhà nhưng ngờ đâu em lại đoản mệnh và mừng vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy tang tóc đau thương trùm lên cháu, trùm lên gia đình, trùm lên cả vùng than. Đứa trẻ đang tuổi ăn chơi, đáng ra phải sống trong vòng tay yêu thương của gia đình thì phải đánh đổi cả mạng sống vào công cuộc mưu sinh nguy hiểm, phải trả giá bằng cả mạng sống. Phải chứng kiến cảnh ngộ này nhà thơ đau đớn và thấy không có ai vô can trong nỗi đau này. Hay cũng có thể là hiện thực phản ánh thái độ thờ ơ vô cảm đến xót lòng của người qua đường khi chứng kiến cảnh một đứa trẻ chỉ vì ăn cắp một ổ bánh mì mà bị đánh đến mức: “Mặt nó sưng vêu tím như vỏ ốc nhồi/ Răng nó lung lay mép ứa dòng máu đỏ/ Có thể nó không còn mẹ còn bố/ Nó đi nhặt vỏ bao xi măng ở các nhà xây” (Bài thơ không định viết). Đó còn là cảnh những đứa trẻ nhặt rác lang thang không chốn nương thân trong đêm giao thừa: “Những em bé lang thang làm nghề bới rác/ Bị xua ra khỏi nơi trú cuối cùng” (Giao thừa). Nhà thơ luôn bị dằn vặt bởi hình ảnh những đứa trẻ bất hạnh, không có cuộc sống đầy đủ bởi ông bất lực. Trong chiến tranh người lính như ông có thể xả thân hi sinh để mang lại cuộc sống tự do cho dân tộc nhưng hôm nay nhìn cảnh những đứa trẻ đói khát, ông lại không có cách nào để giúp đỡ tất cả chúng: “Không ai vô can khi một em bé/ Đến ngày nay vẫn còn đói bánh mì” (Bài thơ không định viết). Bóng dáng dòng văn học hiện thực như đổ mình trên trang giấy. Sự thật đời đã tạo nên sức mạnh cho câu chữ, tác động đến tâm hồn, tình cảm của người đọc bằng những dòng thơ réo rắt. Nhà văn đau xót trước những cảnh mắt thấy tai nghe, những đứa trẻ đáng ra phải được sống trong vòng tay nâng niu của gia đình, xã hội lại phải lăn lộn vào đời quá sớm. Những nỗi nhọc nhằn của công cuộc mưu sinh đã lấy đi nét hồn nhiên, trẻ thơ của các em. Và đâu đó, nhà văn muốn nhắc đến trách nhiệm của người lớn, chúng ta cần phải làm gì để những mầm non tương lai của đất nước được phát triển đầy đủ nhất.

Nếu như thanh niên thế hệ trước sinh ra trong thời loạn đa phần có ý thức dân tộc cao, là thời đại sinh ra những người anh hùng, thì bây giờ sống trong thời bình, no đủ, nhiều thanh niên lại sa vào lối sống hưởng thụ, hư hỏng, quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ với gia đình, xã hội: “Trai làng phóng a còng như điên/ Đầu cạo trọc/ Cháy hết mình/ Trong đỏ đen cuộc chơi” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Thanh niên là rường cột nước nhà, quyết định vân mệnh, tương lai đất nước, thử hỏi thấy thế làm sao ông yên tâm. Chính thực trạng lối sống bất cần của một bộ phận thanh niên hiện nay khiến Trần Nhuận Minh luôn cảm thấy lo lắng, bất an trước mọi dự cảm tương lai. Nghĩ đến vận mệnh, tương lai đất nước, ông không khỏi băn khoăn, trăn trở: “Một mai Nước có giặc/ Biết ai ra chiến trường” (Họp phố). Những câu hỏi xoáy vào tâm can, thức tỉnh con người vươn tới những điều tốt đẹp.

Nhà thơ như đang quan sát sự biến chuyển cuộc sống đổi thay từng ngày và ghi lại một cách trung thực cho nên có những bài thơ, nhân vật trữ tình chưa một lần trực tiếp gọi tên cảm xúc của nhân vật mà chỉ quan tâm tới không gian sống khách quan. Nhà thơ đã lia ống kính tới những góc khác nhau của đời sống hiện thực: “Đàn bà khoác bị cói, đeo kính cơn, mặc quần soóc ra phố/ Uống rượu chửi tục như đàn ông/ Khách đến nhà trẻ con toàn nói trống không/ Khó lòng sai đun nước hay giữ chó/ Chúng đến trường, tay dây mực xanh đỏ/ Bôi lên lưng áo các thầy cô/ Sách cấm xưa lòe loẹt cổng đền thờ/ Ngõ tối bật tiếng coóc xê tanh tách/ Gã trốn tù, tội đánh người và khoét ngạch/ Vào quán ghểnh chân làm choác bia hơi” (Thoáng). Thời đất nước mở cửa bên cạnh những điều mới mẻ, tiến bộ thâm nhập thì mặt trái của nó cũng khiến cả xã hội thảng thốt. Những chuẩn mực đạo đức một thời tuột dốc không phanh, trước “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” nhà thơ đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh mọi người, cần có bản lĩnh vững vàng, không sa vào những điều lệch lạc chuẩn mực xã hội. Nhân vật trữ tình đã lấy ngôn từ miêu tả khách quan đè lên tâm tư trĩu nặng, đè lên nỗi thảng thốt băn khoăn của mình trước hiện thực. Là sự đau đớn khi chứng khiến bộ mặt làng quê thay đổi nhanh chóng, các giá trị truyền thống nhường chỗ cho sự phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển là điều ai cũng mong muốn thế nhưng phát triển như thế nào lại là bài toán nan giải, nhà thơ đau lòng trước thực tại mồ mả tổ tiên, cha ông- những giá trị tinh thần tâm linh giờ đây bị chà đạp không thương tiếc để phục vụ những lợi ích kinh tế trước mắt: “Tổ tiên đã chết ở đây/ Những gò đống cỏ xanh/ Nay đã ủi đi rồi/ San sát vũ trường/ Sân gôn Quán nhậu” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Hay hình ảnh về sự thay đổi của nông thôn khi những biểu tượng của làng quê dần bị thay thế bởi những điều vô cùng lạ lẫm: “Làng đã chặt hết tre/ Ao hồ san lấp hết/ Nhà tầng bên nhau/ Dây ăng ten tựa những cánh/ Chuồn bay” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Và chỉ: “Còn sót lại một cánh cò trắng mong manh/ Thấp thoáng bay/ Trong ráng đỏ hoàng hôn/ Không tìm ra chỗ đậu” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Tất cả là cảnh hoang vu, cô quạnh đến đau lòng. Cánh cò không tìm ra chỗ đậu, cánh cò bay mãi, cánh cò biểu trưng cho đồng quê rồi cũng bị hủy diệt.

Đất nước có thể giàu lên bao nhiêu không biết nhưng trước những giá trị truyền thống con người phải đánh đổi để tìm kiếm giàu sang, tiền của thì nhà thơ thấy quá đau xót. Cái giá ấy không hề rẻ, đó là mất đi những điều tốt đẹp, dung dị đã nuôi nấng tâm hồn con người mấy ngàn đời qua. Mỗi đứa trẻ từng lớn lên trong lời ru của bà, của mẹ, trong suối nguồn tục ngữ ca dao. Đó là những điều thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim trẻ thơ non nớt, trong sáng. Ấy vậy mà giờ đây: “Buổi sáng đi/ Xóm cũ vẫn là Làng/ Lúc chiều về/ Làng đã xoay thành Phố/ Nhà đã tắt tiếng ru con muôn thuở/ Tục ngữ ca dao/ Chết trong sách giáo khoa.../ Lũ trẻ ngủ chập chờn/ Trong nhạc rock phát ra loa” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Tâm hồn đứa trẻ non nớt được nuôi dưỡng bằng thứ nhạc du nhập, xập xình, ầm ĩ thì làm sao lớn lên nó có thể mang tính cách ôn hòa. Trẻ con ngày càng khó bảo, ương bướng, manh động, phải chăng bởi chính những thứ nhạc “rock” ấy đã khuấy đảo tâm hồn chúng cộng với lối sống thực dụng, vô phép vô tắc của người lớn đã làm vấy bẩn tâm hồn non nớt của những đứa trẻ chăng: “Khách đến nhà trẻ toàn nói trống không/ Khó lòng sai đun nước hay giữ chó/ Chúng đến trường tay dây mực xanh đỏ/ Bôi lên lưng áo thầy cô” (Thoáng). Trẻ con ngày nay sao lại có thể hành xử như vậy, đâu rồi sự ngoan ngoãn, lễ phép, phải chăng chúng như vậy là lỗi của người lớn, những tấm gương xấu và cách giáo dục cực đoan.

Kinh tế xã hội phát triển kéo theo tất yếu là xã hội phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ. Trần Nhuận Minh không khỏi khó chịu khi chứng kiến xã hội một đằng giàu có vô kể đến nỗi: “Đóng tiền vào bao tải/ Thuê những hai hầu gái/ Giặt quần và đấm lưng (Gửi bác Vương Liên)”. Họ sống sung sướng, trong khi đó, lại có những người nghèo khổ “Quanh năm lưng bán cho trời/ Vậy mà đói ăn thiếu mặc”, những người vì miếng ăn mà phải bỏ mạng, tính mạng chỉ đáng đổi một xe than… Sự đối lập ấy đã khiến nhà thơ băn khoăn, nhiều lúc ông cảm thấy thơ mình như có lỗi, bất lực trước thời cuộc: “Chợt thấy thơ mình có lỗi/ Lạc loài trăng gió chi chi” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh).

Là con người truyền thống, trân trọng những giá trị xưa cũ cha ông để lại, hẳn Trần Nhuận Minh đau lòng trước thực trạng thời mở cửa. Sách là những giá trị tinh thần của dân tộc lưu truyền từ đời này sang đời khác, mỗi thế hệ có nhiệm vụ giữ gìn làm giàu văn hóa cha ông. Ấy vậy mà “sách Tây” bây giờ tràn lan và chiếm ưu thế hơn hẳn “sách Việt”. Một bộ phận thanh niên chỉ ham mê thứ văn hóa du nhập mà lãng quên giá trị truyền thống: “Thấy em soạn sách trong nhà Chao ôi! Lộn xộn, toàn là sáchTây/ Anh về bán cái xe Uây/ Mua toàn sách Việt, xếp đầy một gianTặng em/ Em vứt lung tung/ Rằng: - Đồ thải của vua Hùng, ai mê” (Sáng qua anh đến). Nhưng không hẳn Trần Nhuận Minh nhìn đời toàn màu đen, nhà thơ vẫn có niềm tin bất diệt vào điều tốt ở đời. Chỉ là ông bất an trước cái xấu nên cảnh tỉnh chúng ta. Đôi khi, niềm tin của ông đặt vào một con người rất đỗi bình thường như ông Vọng: “Ông thường bán tôm cá rẻ/ Cho ai còn khổ hơn mình...Ông cứ lơ mơ tin tưởng/ Đời ông sẽ có cái gì/ Chân đất đầu trần quần cộc/ Kìa, ông lại vác giậm đi” (Ông Vọng). Trong cái nghèo khi khổ đeo bám, con người này vẫn lấp lánh niềm tin, hi vọng vào cuộc đời tốt đẹp. Nhân cách của ông tỏa sáng như trăng rằm, vượt lên hết thảy mọi u ám của cuộc đời.

Ý thức trách nhiệm của một nhà thơ có trái tim tràn đầy nhiệt huyết, với cảm hứng thế sự, đời tư đầy tâm trạng đã đem đến cho sự nghiệp thơ Trần Nhuận Minh những giá trị nhân văn sâu sắc: “Góp thêm một tiếng nói có hiệu lực vào thức tỉnh lương tri của con người, mong muốn con người lương thiện hơn, yêu thương và trân trọng nhau hơn…Không ít câu thơ của tôi thấm đẫm nước mắtTôi yêu cuộc đời này, sống, chết cho nó, viết vì nó, và không bao giờ mất niềm tin vào nó, khi chính nó đã tự thay đổi nhiều bậc thang giá trị( Đối thoại văn chương).

 

2 – CẢM HỨNG ĐỜI TƯ

                                                                           

Không khí đổi mới - dân chủ tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học nghệ thuật. Văn nghệ sĩ được “cởi trói” tự do sáng tác. Họ có nhiều trăn trở về trách nhiệm của người cầm bút trong sự nghiệp đổi mới nền văn học nước nhà. Hiện thực cuộc sống đã tạo cho nhà thơ nguồn cảm hứng vô tận. Nhà thơ đã đưa nhân vật thoát khỏi tính chất “nguyên phiến” trong cảm hứng sử thi hào hùng, đặt họ giữa cuộc đời đầy biến động phức tạp, từ đó con người có điều kiện bộc lộ thật hơn sự không thống nhất trong tính cách tâm lí, trong sự hướng nội, trong cảm giác bất an, hoài nghi… Nếu như có một thời tính cộng đồng, dân tộc chi phối cách nghĩ, lối sống của của nhiều thế hệ thì nay Trần Nhuận Minh tinh tế phát hiện ra những nỗi trăn trở lo âu rất vụn vặt nhưng rất thật của con người. Đó là khi ông nghe thấy hai người phụ nữ trò chuyện với nhau: “Dạo này em buồn lắm chị/ Tự nhiên người cứ phì raChỉ sợ nhà em bồ bịch/ Nào ai biết được thế nào/ Chị ơi, đừng tin các lão/ À thôi… Em thử xem sao” (Nghe trộm hai bà trò chuyện). Trước đây, cuộc sống khó khăn, nỗi lo thường trực là cơm áo gạo tiền đã cũng đủ mệt, còn nay, có những nỗi lo khác, sự dư thừa về vật chất khiến người phụ nữ lo mình “phì ra”, sợ chồng “bồ bịch”. Đáng lẽ sống sung sướng con người phải thấy mãn nguyện ấy vậy mà những nỗi lo vụn vặt luôn thường trực, con người hoài nghi với tất cả kể cả người đầu ấp tay gối. Tâm lí bất an về thân phận con người, sự chơi vơi trong tâm thức là điều thường gặp trong thơ Trần Nhuận Minh. Không ít lần nhân vật trong thơ ông rơi vào tâm trạng “xói mòn niềm tin” vào các giá trị đạo đức, hồ nghi trước chân lí, bất an trước mọi dự cảm tương lai: “Ngày mai chắc có cơn mưa lớn/ Gió đã ẩm rồi trong bóng cây(Tú Lão ). Rồi: “Một mai nước có giặc/ Biết ai ra chiến trường(Họp phố ), khi một thế hệ mới, ngay cả: “Trẻ con bây giờ/ Cũng chẳng còn nói thật(45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh), tìm sự công bằng và đạo lí ở đâu khi: “Cái ác vỗ vai cái thiện/ Cả hai cùng cười đi về tương lai(Đừng quên).

Nằm trong xu hướng cá thể hóa nhân vật còn có Nhà thơ áp tải. Bài thơ là bức chân dung chân thực sống động về nhà thơ Thanh Tùng: “Bạn làm nghề áp tải/ Đường bộ và đường sông/ Thỉnh thoảng lại gặp cướp/ Còn trộm thìmênh mông/ Đất nước có một thời/ Kẻ gian nhiều như nấm/ Không ngờ một nhà thơ / Lại sống bằngnắm đấm”. Bài thơ như một cuốn tiểu thuyết tả thực chân dung nhà thơ đồng thời làm nghề áp tải hàng. Hai nghề nghiệp tưởng chừng không liên quan gì với nhau, ấy vậy mà nhà thơ Thanh Tùng lại là người “văn võ song toàn”, bên cạnh niềm đam mê văn chương anh cũng lao vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn như bao người. Tất cả hiện lên rõ nét từ cá tính mạnh mẽ đầy chất ngang tàng: “Tỏa đầy sân mùi biển/ Nói đủ mọi thứ chuyện/ Tay vung vung phá trời”, đến cảnh đương đầu với cái ác: “Đã từng cho một chưởng/ Những thằng đến mổ hàng”, có lúc khiến người đọc thương cảm cho nhà thơ như một người chiến sĩ vào trận bị thương: “Cũng từng bị nó đánh/ Thuốc xoa vài ba thang”. Vất vả là thế nhưng vì miếng cơm manh áo nhà thơ vẫn vượt, vì thơ văn chỉ nuôi dưỡng tâm hồn, thỏa mãn đam mê chứ không thể nuôi sống cả gia đình anh. Tương tự như thế, Trần Nhuận Minh đã khắc họa chân dung nhà văn vùng mỏ Võ Huy Tâm rất cụ thể. Trước hết là sự khái quát về cuộc đời nghèo khó vất vả của nhà văn: “Bản thảo mấy thếp dày/ Anh cho vào bao tải/ Đeo lên lưng chậm rãi/ Nhà văn về thủ đô” (Tinh chất). Sau đó, bức chân dung cụ thể dần được hiện lên với vẻ bề ngoài “như hành khất”, tấm lưng hơi còng. Nhưng đằng sau đó là tấm lòng yêu nghề, là sự nhiệt huyết đầy trách nhiệm với nghề. Những con người ấy sống cùng tình yêu bất diệt dành cho văn chương, dù cuộc sống có vất vả nhưng họ vẫn hừng hực niềm tin, nhiệt huyết. Chắc hẳn, Trần Nhuận Minh thấy đâu đó bóng dáng cuộc đời chính mình, trong thời buổi đồng tiền có sức mạnh vạn năng, thơ văn lại càng sa sút. Cái nghề “bạc”, chẳng khiến ta giàu có, vợ con sung sướng nhưng là cái nghiệp thấm vào xương tủy không thể vứt bỏ, chỉ có thể giữ lương tâm thanh cao để theo đuổi.

Bài thơ Thơ tình ngày không em như động vào một cõi hồn thiêng, Trần Nhuận Minh kể về mối tình không thôi ám ảnh ông, cho dù sự ám ảnh ấy chưa chắc đã là tình yêu, mà đó có thể chỉ là một hoài niệm mất mát trong quá khứ: “Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau/ Anh đã chẳng buộc em bao tội lỗi/ Em đứng lặng. Mặt úp vào bóng tối/ Khổ thân em có nói được gì đâu/ Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau/ Anh đã chẳng hẹn em đêm ấy nữa/ Để quá khứ chỉ còn là thương nhớ/ Và tương lai ít ra cũng ngọt ngào/ Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau/ Anh đã chẳng trách em yêu người khác/ Điều đơn giản bây giờ anh mới biết/ Thì em xa, em đã quá xa rồi”. Bài thơ tình này, và rất nhiều bài thơ tình nữa trong những tuyển thơ của Trần Nhuận Minh, ông đều viết cho một người con gái trong mối tình đầu. Tình cảm của thời tuổi trẻ rụt rè, vụng về luôn là hoài niệm trong ông. Bao nhiêu lần gặp nhau, đi chơi với nhau trong không gian riêng tư, thầy Minh vẫn giữ một khoảng cách đủ cho sự thiêng liêng, thánh thiện của tình cảm. Sự rụt rè ấy đã làm cho ông đánh mất người yêu mình, và để lại phía sau cuộc đời ông những bài thơ tình buồn xa xót: “Đêm ấy rừng thu, nhiều trăng quá, nhiều trăng quá/ Vàng rót tràn trời/ Anh muốn nắm tay em mà không dám nắm tay em/ Mỗi chiếc lá là một con mắt nhìn/ Đứng ở chỗ nào cũng thấy trống trải…/ Đêm ấy rừng thu, nhiều gió quá, nhiều gió quá/ Cây lá rì rào/ Cây lá nói với nhau là chúng yêu nhau/ Anh cũng muốn nói với em điều ấy nhưng anh im lặng. Dù câu chuyện tình không có kết thúc đẹp những vẫn là một vùng kí ức đẹp đẽ trong tâm trí nhà thơ, là guồn cảm hứng cho nhiều bài thơ ra đời.

Người phụ nữ trong thơ Trần Nhuận Minh không mấy ai hạnh phúc vẹn bề, họ hiện lên là những người bất hạnh, nạn nhân của hoàn cảnh. Nhà thơ đã dành tình cảm nâng niu, trân trọng, cảm thông với nỗi cơ cực, truân chuyên của những “kiếp má hồng”. Đó là những Dì Nga, mợ Hữu hay thím hai Vui... Dì Nga là câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ gợi trong lòng độc giả nhiều suy nghĩ, không biết nên đáng thương hay đáng trách. Vốn là người con gái xinh đẹp, hiếu thảo, gần nửa cuộc đời dì sống cho người khác, đến cả việc lấy chồng dì cũng “theo ý mẹ”,“vâng lời cha”. Bề ngoài ai cũng nghĩ dì hạnh phúc bởi lẽ vật chất dì không thiếu: “Chuỗi bạc trong cổ áo/ Vòng vàng ngoài cổ tay”. Nhưng cuộc sống vật chất chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài che đậy trái tim băng giá của dì hằng đêm chưa tìm được nhịp đập đồng điệu. Không chấp nhận một cuộc hôn nhân không tình yêu và nhận thức được giá trị của hạnh phúc, dì Nga trút bỏ tất cả để đến với chốn neo đậu đích thực cho mình: “Dì theo một anh chàng/ Chuyên nghề câu cá vược/ Bên nhau trong khoang thuyền/ Giữa bốn bề mây nước” (Dì Nga). Có người sẽ trách dì khờ dại, bỏ cuộc sống nhung lụa vì một phút yếu lòng, nhưng mấy ai hiểu khát khao thầm kín của chị. Trái tim của người phụ nữ tưởng đã nguội lạnh, hài lòng với những gì mình đang có giờ đây lại cháy lên ngọn lửa tình nồng nhiệt hơn bao giờ hết. Ngọn lửa tình bùng cháy mạnh mẽ khiến chị đánh đổi tất cả để một lần được sống cho mình. Không ai biết dì Nga có hạnh phúc hay không, nhưng nửa phần đời còn lại, dì đã dám sống theo ý mình, dám làm những gì mình muốn, mà với một người con gái như dì chẳng khác nào một cuộc nổi loạn. Phải chăng hạnh phúc là một ẩn số trong bài toán cuộc đời mà con người phải nhọc công tìm kiếm. Và dì Nga phải mất gần nửa cuộc đời còn lại mới tìm ra đáp số. Bài thơ đã gợi cho người đọc suy ngẫm về lẽ đời, về tình yêu hạnh phúc trong mỗi chúng ta. Bên cạnh đó, thái độ cảm thông trong cách nhìn nhận đánh giá của tác giả với nhân vật là cái nhìn bao dung với một người phụ nữ bỏ chồng theo người đàn ông khác: “Nửa đời…Ừ sao nhỉ/ Họ không tìm thấy nhau”,“Mợ đáng thương hay đáng trách/ Trời ơi! Tách bạch mà chi/ dòng sông muôn đời vẫn thế/ Đục trong thì vẫn trôi đi”. Còn mợ Hữu cũng không sung sướng hơn, vất vả từ tấm bé, vợ chồng chắt chiu được căn nhà ba tầng. Nhưng nhà xây xong chồng mất, mợ mất đi chỗ dựa tinh thần, góa chồng ở cái tuổi còn son. Thế nhưng, họ hàng chả ai cảm thông, chia sẻ với nỗi mất mát quá lớn của mợ, họ chỉ tiếc căn nhà ba tầng khang trang mới xây. “Cậu chết mợ thành người lạ/ Bơ vơ trong chính nhà mình/ Chẳng thiếu kẻ đe người ướm/ Nhà xinh mợ lại càng xinh/ Như con thuyền nan không bến/ Lênh đênh trong chính phòng mình” (Mợ Hữu). Mất đi chỗ dựa, người chồng chèo chống gia đình hẳn mợ đau khổ hơn ai hết vậy mà sự đố kị và ghét ghen của con người ở đây sao mà tàn nhẫn thế. Người chết vẫn nằm đó trong quan tài mà người sống thì đã: “Cô bác từ quê ra viếng/ Thấy mợ dịu dàng mảnh mai”,“Mà nhà thì to đẹp thế/ Biết rồi sẽ vào tay ai ?”.

Dì Nga, Mợ Hữu, hai người phụ nữ ở hai cảnh ngộ khác nhau, nhưng câu chuyện về cuộc đời họ, qua những biến cố lớn xảy ra, họ đều có chung một điểm, đó là sự khao khát được yêu thương, được sống một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Đó là khao khát muôn đời, nhưng trong thời chiến, nó tạm thời gác qua một bên nhường chỗ cho khát vọng lớn của dân tộc, khi ấy con người công dân được đặt lên trên hết. Nhưng khi chiến tranh qua đi, vấn đề sống và sống như thế nào của con người được đặc biệt quan tâm. Với Dì Nga, Mợ Hữu, sống không hẳn chỉ đơn thuần là nhà cao cửa rộng, mà sống phải được quan tâm sẻ chia về tinh thần, được yêu thương. Như thế, Trần Nhuận Minh đã rất khéo léo mượn hình thức cốt truyện để khái quát cuộc đời nhân vật, qua đó lồng ghép những vấn đề thế sự tưởng chừng giản đơn mà sâu sắc.

Trong công cuộc mưu sinh, con người đôi khi phải đối mặt với thiên nhiên, thậm chí đánh đổi bằng cả tính mạng. Với những người làm nghề đánh cá, bám biển mưu sinh là điều chắc chắn, mỗi lần căng buồm ra khơi hẳn là một lần họ đánh cược sinh mạng với mẹ thiên nhiên. Biển cả hiền từ, nuôi nấng con người tự bao đời nay nhưng đôi khi cơn cuồng nộ của nó cũng cướp đi tất cả. Những ngôi mộ gió, những trận bão, những làng chài vắng bóng đàn ông... hẳn ám ảnh người phụ nữ này, tuy có một gia đình hạnh phúc, nhưng trong lòng chị lúc nào cũng phấp phỏng, lo âu một tai họa của thiên nhiên có thể giáng xuống. Hạnh phúc của chị cũng rất mong manh khi người chồng thường xuyên phải đối mặt với những cơn thịnh nộ của biển cả. Mặc dù cơn bão biển đang tan nhưng cơn bão lòng trong chị vẫn đang tồn tại: “Không phải sáng nào cũng đứng cân tôm/ Chẳng phải chiều nào cũng ngồi vá lưới/ Có điều gì chị còn chưa kịp nói / Khi anh bồng bềnh đi về phía bão đang tan/ Có vẻ gì phấp phỏng lo toan/ Trong vời vợi gian nhà người đánh cá” (Ở nhà người đánh cá biển).

Bên cạnh viết về người phụ nữ, Trần Nhuận Minh còn có nhiều bài thơ viết về số phận của những người hoạt động nghệ thuật nổi tiếng từ cổ chí kim thuộc nhiều dân tộc. Là người “đồng nghiệp” nên có vẻ Trần Nhuận Minh rất thấu hiểu, đồng cảm với các nhà văn, nhà thơ, những con người nhạy cảm trước nỗi “đau người”, “đau đời” nhưng bất lực chỉ biết kêu oán trong từng câu thơ đầy day dứt. Đầu tiên phải kể đến hai vĩ nhân của dân tộc đã được nhà thơ nhắc đến. Nhưng con người tài hoa bạc mệnh, cái tài của họ trong xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công, ngang trái thì tài năng đôi khi là “mang họa” vào người. Ví như Nguyễn Trãi - người có đóng góp vô cùng lớn lao trong lịch sử của dân tộc. Ông là vị anh hùng, là một khí phách, là tinh hoa của dân tộc, “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”. Công lao quý giá và sự nghiệp vĩ đại nhất của Nguyễn Trãi là tấm lòng vì nước thương dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang. Ông đã giành cả tâm hồn, trí tuệ, tài năng cống hiến cho lợi ích của dân tộc: “Bóng Ức Trai đi, động gió bốn phương trời”. Thế nhưng cuộc đời của Nguyễn Trãi lại kết thúc trong bi kịch với nỗi oan thấu trời xanh khiến cả ba họ lãnh án “tru di tam tộc”: “Cụ Nguyễn Trãi ôm chăn ngồi trước mũi thuyền/ Gió buốt thổi sau lưng/ Sông Kinh Thầy cuồn cuộn đỏ chảy về Đông/ Cửa Bạch Đằng nước triều dâng tới sáng/ Cùng với mặt trời lên/ Câu thơ phải rơi đầu” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Còn đại thi hào Nguyễn Du sinh ra trong thời đại có nhiều biến động dữ dội (cuối thế kỉ XVIII — đầu thế kỉ XIX). Xã hội phong kiến Việt Nam đã đi đến hồi kết của sự khủng hoảng. Đại thi hào đã sống qua ba thời đại: Lê – Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn, trải qua những cuộc binh biến tàn khốc của các tập đoàn phong kiến và các cuộc khởi nghĩa đòi quyền sống của tầng lớp nông dân. Ông đã chứng kiến tận mắt cảnh sống xa hoa, đồi trụy cũng như sự thống trị dã man, tàn ác của giai cấp phong kiến, cảnh đau khổ vì nghèo đói, cảnh đày đọa và những áp bức bất công của đại đa số quần chúng nhân dân… Số phận Nguyễn Du cũng không tránh khỏi cái án của “thiên mệnh” như bao con người tài hoa bạc phận khác: “Cõi đời đâu cũng long đong/ Văn chương bạc phận, má hồng vô duyên” (Nguyễn Du). Ớn lạnh trước “chính trường sấp mặt, đồng tiền xoay ngang”, đấu đá tranh giành quyền lực, gieo rắc khổ đau lên nhân dân, Nguyễn Du đã chủ động chấm dứt cuộc sống để được hòa mình với thập loại chúng sinh: “Cụ Nguyễn Du không chịu uống thuốc/ Sờ xem ta chết đến đâu rồi/ Ừ. Được/ Cụ nói thế và đi/ Lẫn trong thập loại chúng sinh” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Hay là câu chuyện về cuộc đời Targo - danh nhân của nước Ấn Độ, những tác phẩm xuất sắc của ông có khi lại không được người đương thời công nhận đúng mực. Người đương thời không đủ khả năng cảm nhận được những kiệt tác của ông, còn gì buồn hơn khi không ai hiểu hết giá trị của “những đứa con tinh thần” mà ông ấp ủ. Và phải mất thời gian lâu, người đời sau mới thẩm thấu hết giá trị để đời thơ ca ông và đặt những tác phẩm đó ở vị trí xứng đáng: “Nhiều khi những tác phẩm hay nhất/ Vẫn nằm ngoài các giải thưởng/ Có tác phẩm hôm nay bị quên lãng/ Thậm chí bị dập vùi.../Chỉ vài chục năm sau / Thành niềm tự hào của cả một dân tộc/ Thành giấy khai sinh cho dân tộc đó trước thế giới” (Đọc và ngẫm).

Cuộc đời Lão Xá - một con người lỗi lạc dùng thơ ca của mình đưa cả dân tộc Trung Hoa vươn tầm thế giới, được xét Nobel văn học, ấy vậy mà ông lại là nạn nhân của những mưu toán chính trị một thời. Trong thời Văn Cách, như nhiều trí thức khác, Lão Xá cũng phải trải qua nhiều hình thức ngược đãi về cả thể chất và tinh thần. Ngày 24 tháng 8 năm 1966, ông đã trầm mình tại hồ Thái Bình: “Ông tự trẫm xuống đáy hồ Thái Bình/ trong nỗi khiếp đảm/ Lũ trẻ con từng lấy thắt lưng da có móc sắt/ quất vào mặt Ông/ Gilôi xác Ông lên phơi nắng/ Văn chương lỗi lạc một thời/ Bể dâu đếnthếthìthôicòngì?”(LãoXá).                                                                     Vinh quang mà bao người khao khát chỉ cách ông “bước chân”, đã gần lắm rồi, giải Nobel văn học sẽ khiến ông trở thành người hùng của Trung Hoa, vậy mà dù chỉ cách gang tấc ông cũng không đợi được. Ông chọn cái chết để giải thoát cho bản thân. Trần Nhuận Minh tới đây thể hiện sự tưởng niệm, nuối tiếc của mình với một con người tài hoa, lỗi lạc một thời, thương cho bi kịch ông phải gánh chịu ở cõi trần. Dù cuộc đời tài hoa bạc mệnh nhưng di sản mà Lão Xá để lại làm rạng danh và đưa văn học Trung Hoa đến gần hơn với thế giới: “Nhân dân Trung Hoa nhờ những kiệt tác ấy mà bất tử/ Tôi cũng vì những áng văn ấy mà đến đây”.

Với cảm hứng thế sự, đời tư, Trần Nhuận Minh đã gánh tiếp gánh nặng của thi nhân xưa, như Nguyễn Trọng Tạo đã từng nhận xét: “Đọc thơ của ông nó cứ làm tôi day dứt nhớ Đỗ Phủ, Tú Xương... một nỗi đau đời, nỗi đau kẻ sĩ, nỗi đau thi nhân( Trần Nhuận Minh và ba lần định vị cho thơ).

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *