Chân dung văn

20/9
7:46 AM 2018

BÓNG DÁNG THIÊN THẦN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA TẠ DUY ANH

ĐÀO HẢI THANH-Gần như cuốn tiểu thuyết nào của Tạ Duy Anh khi mới ra cũng gây xôn xao dư luận, bởi nó ám ảnh người đọc với những trang văn miêu tả một hiện thực đen tối, nhớp nhúa, đầy rẫy những xấu xa, tàn ác. Nhưng điều đó không có nghĩa là nhà văn chỉ nhìn cuộc sống ở mặt trái và nhìn con người ở phần ác quỷ.

                                                               Nhà văn Tạ Duy Anh

Giữa những trang văn đặc quánh bóng đêm, ngột ngạt, bốc mùi bởi những thù hận, vẫn có những tia sáng le lói của hi vọng, niềm tin. Cùng với sự tha hóa là sám hối, giữa ác quỷ và tội đồ là bóng dáng của thiên thần.

Thiên thần (hay thiên sứ) xuất hiện trong tất cả các tiểu thuyết của Tạ Duy Anh dưới nhiều hình thức khác nhau, có khi gián tiếp trong giấc mơ của một nhân vật nào đó nhưng nhiều hơn cả là hóa thân vào một con người cụ thể. Xuất hiện trong giấc mơ, thiên thần là kết quả của trí tưởng tượng nên không có hình hài rõ rệt. Nó được minh họa bằng những nét vẽ ngây thơ của cậu bé Hai Duy trong vở là “những hình người trần truồng bay ở trên trời” (Lão Khổ). Những nét phác họa ấy gợi nhớ tới hình ảnh những tiên đồng, thiên sứ trong những bức tranh nơi nhà thờ Thiên Chúa. Với cậu bé Hai Duy, thế giới với những thiên thần trong giấc mơ chính là cuộc sống lí tưởng mà cậu mơ ước, là điểm tựa tinh thần để cậu vượt qua những năm tháng tuổi thơ đầy hờn tủi với sự khắc nghiệt của người cha và sau này có đủ can đảm bứt ra khỏi không gian tù túng chật hẹp, đầy những thù hận của làng Đồng. Trong Thiên thần sám hối, dù nhan đề đã báo trước nhưng đến tận chương cuối cùng, nhân vật tự xưng là thiên thần mới xuất hiện - cô gái trong giấc mơ của người mẹ. Trót mắc tội chối từ cuộc sống khi còn ở kiếp người và được cứu vớt bởi một thiên sứ sau khi suýt rơi vào tay quỷ dữ, sứ mệnh của cô gái - thiên thần ấy là chuộc lại tội lỗi của mình bằng cách giúp người khác nhận ra chân lí: được sống là một ân sủng và phải đấu tranh đến cùng để được tận hưởng cuộc sống. Ở các tiểu thuyết khác của Tạ Duy Anh, bóng dáng thiên thần được gợi lên qua những hình ảnh mang tính ẩn dụ, là thiên thần trong cái lốt con người trần thế: cô bé Giang Tâm (Lão Khổ), cô gái ở tầng một (Đi tìm nhân vật), nhân vật “tôi” - bào thai (Thiên thần sám hối), cậu bé đánh giày và cô gái điếm (Giã biệt bóng tối)... Trừ “tôi” - đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ - nhân vật mang tính hư cấu, những nhân vật còn lại đều bị đặt trong một hoàn cảnh sống vô cùng khắc nghiệt, bị đày đọa bởi số phận, bị bủa vây bởi những âm mưu xấu xa, tàn độc nhưng dáng vẻ, hành động, lời nói của họ vẫn toát lên vẻ đẹp vĩnh cửu của sự trong trắng, trinh khiết.

Những thiên thần và hóa thân của thiên thần trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh đều là phụ nữ hoặc trẻ em. Đó hẳn không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Liệu có mối liên hệ nào giữa những nhân vật nữ là hiện thân của cái đẹp trinh khiết, của sự trong sạch tuyệt đối trong tác phẩm của Tạ Duy Anh với mẫu tính trong văn hóa Việt Nam, hay đó là sự ngợi ca cái đẹp mang thiên tính nữ như một biểu hiện của mĩ học dục tính? Còn những đứa trẻ, có gì trong sáng, thánh thiện hơn tâm hồn ngây thơ của chúng? Chưa bị nhuốm bẩn, bôi đen bởi những ham muốn vật chất, những dục vọng thể xác, những thù hận truyền kiếp, trẻ thơ chính là hiện thân hoàn hảo nhất cho những thiên thần với sứ mệnh cứu vớt loài người khỏi sự tăm tối. Không chỉ thế, hình ảnh thiên thần trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh mang ý nghĩa như là những gì đang ở trạng thái nguyên thủy, sơ khởi: đứa trẻ trong bụng mẹ đang chờ giây phút chào đời; cô bé Tâm tắm trần truồng, cơ thể gần như trong suốt; ả gái điếm sau khi tắm rửa như thực hiện một nghi lễ thanh tẩy đã hồi sinh thành một thiếu nữ... Cũng bởi thế, sự khỏa thân, hành động cởi bỏ trang phục ở đây không mang tính gợi dục mà giống như xóa bỏ mọi tạp niệm, trút bỏ sự trần tục để trở về với trạng thái ban đầu trong sạch, thanh khiết nhất. Trái với giọng giễu nhại, khinh bỉ, trần trụi đến sống sít khi nói về cái xấu cái ác, những thực thể mang ý nghĩa như sự hóa thân của thiên thần luôn được Tạ Duy Anh miêu tả một cách lí tưởng với ngôn từ thấm đẫm cảm xúc say mê, lãng mạn, với lời văn nhẹ nhàng, bay bổng, đẹp đẽ như thể hiện sự ngưỡng mộ không giấu giếm.

Thiên thần và những ẩn dụ về thiên thần trở đi trở lại trong các tiểu thuyết như là một trong những cách thức để Tạ Duy Anh thể hiện những chiêm nghiệm, lí giải của mình về cuộc sống - chủ yếu xoay quanh “cải cách ruộng đất, sự khốn nạn của kiếp người, sự bịp bợm của khoa học, những huyền thoại bịp bợp, sự ghê gớm của những thế lực hắc ám vô hình, những cái chết bí ẩn, tội ác và hình phạt, thiên thần và bóng tối, sự đối lập nhân tính và thú tính...” (Phùng Gia Thế). Nhà văn cố ý tô đậm sự tương phản giữa ánh sáng, hương thơm, sự trong trắng của thiên thần với sự tăm tối, u ám, bẩn thỉu, bế tắc của hiện thực xung quanh. Trong Lão Khổ, Giang Tâm dị biệt bởi “giữa cái vũng lầy lội ấy, con bé Tâm càng nổi trội lên ở vẻ đẹp thánh thiện. Từ hơi thở của nó cũng thơm lừng”, “Nó vẫn không bỏ được thói quen ăn hoa. Hình như con bé sống ở một cõi khác hẳn”. Còn Thảo Miên, cô gái ở quán “Cảm giác thiên đường”, dưới sự chăn dắt của mụ tú bà độc ác, xảo quyệt, trở thành một gái điếm cao cấp nhưng lại khiến cho người ta “có cảm giác cho dù có dìm cô xuống bùn đen thì tâm hồn cô vẫn tỏa hương trinh trắng”, “Từ nàng toát ra một cái gì vô cùng êm dịu, vô cùng tinh khiết, y như một tiên nữ giáng trần trong tưởng tượng”. ỞGiã biệt bóng tối, ả gái làm tiền và thằng bé ăn mày, trong một khoảnh khắc nào đó cũng có thể xem như là hóa thân của thiên thần giữa chốn trần gian. Người đàn bà sau lần tắm rửa như “một nghi lễ thanh tẩy” trên đường bị đưa tới trại phục hồi nhân phẩm bỗng trở nên khác hẳn, “cái thân hình nát tươm ấy như vừa được một phép màu hồi sinh thành cơ thể một thiếu nữ”. Còn thằng bé Thượng, dù bị vây hãm bởi màn đêm với vũ điệu quái dị của những hồn ma độc ác cũng như sự nhỏ nhen, ích kỉ, bần tiện, khốn nạn của những người sống, vẫn “chấp nhận bị tra tấn, câm lặng chịu đựng mà không nguyền rủa, thậm chí còn luôn nhìn tôi bằng ánh mắt tha thứ”, vẫn mang “một khuôn mặt sáng kì lạ. Hoàn toàn không thấy biểu hiện của nỗi đau đớn, thù hận ngoại trừ sự bất động như một lời kết tội”... Tương phản gay gắt với bóng tối, biểu tượng thiên thần mang ý nghĩa như là phần tốt đẹp còn lại của cõi nhân sinh, phần thiên lương trong sạch trong mỗi con người. Nó nằm ngoài sự tác động của hoàn cảnh, dù ngoại cảnh ấy có khắc nghiệt tàn bạo đến đâu chăng nữa. Bị chèn ép, bị lấn át, là đối tượng tiêu diệt của cái xấu cái ác nhưng ánh sáng của nó vĩnh viễn không thể bị che khuất.

Biểu tượng thiên thần còn là cách nhà văn thể hiện niềm tin vào sự phục thiện, hồi sinh của thiên lương trong con người. Sự xuất hiện của thiên thần mang đến sự cảm hóa, khơi dậy khát vọng sám hối của những tâm hồn mang tội bằng nhiều cách thức khác nhau. Có khi sức mạnh cảm hóa ấy đến từ những lời nói như rao giảng, triết lí (trong Thiên thần sám hối là cuộc trò chuyện giữa thiên thần trong giấc mơ với người mẹ và bào thai - nhân vật xưng “tôi”) nhưng những yếu tố “ngoài lời” mang đến khả năng cảm hóa mạnh hơn cả. Sự kiên trì, nhẫn nại đến cam chịu, cách chờ đợi trong âm thầm của Giang Tâm đã khiến cho lão Khổ không thể hiểu nổi; lão nhận ra “hình như cuộc sống vẫn còn lại cái gì thiêng liêng lắm, tồn tại ngoài tầm với của lão” và đành chấp nhận buông bỏ mối thù truyền kiếp đã mang gần hết cuộc đời (Lão Khổ). Sự dâng hiến vô điều kiện của cô gái tầng một cùng với sự xuất hiện của con chim bồ câu trong hoàn cảnh giống như ngày tận thế đã giúp Chu Quý hồi sinh niềm kiêu hãnh của một người đàn ông sau nhiều năm đau khổ, uất ức vì căn bệnh liệt dương. Sau khi “dâng tặng cả xác cả hồn”, cô biến mất hoàn toàn, không để lại dấu vết, dường như cô đã “về trời” sau khi hoàn thành trách nhiệm giúp một con người thoát khỏi cảnh trượt dài trong tăm tối, tuyệt vọng (Đi tìm nhân vật). Cậu bé Thượng (Giã biệt bóng tối) là người đã đánh thức bản năng chở che của một người mẹ ở ả gái điếm dữ dằn, khiến chị ta từ chỗ hằn học, quyết trả thù đời trở nên bao dung, độ lượng. Cũng chính ánh mắt bao dung, bình thản của cậu bé đã khiến Bính thức tỉnh, thoát khỏi sự kiềm tỏa của lão già quái ác... Có thể nói, dưới ánh sáng dẫn đường của thiên thần, con người đã thực hiện một quá trình giã biệt bóng tối, sám hối và đi tìm bản thể của chính mình. Quá trình ấy thường trải qua bước chuyển hóa với sự tham gia của một yếu tố đóng vai trò trung gian như là chất thanh tẩy đồng thời tái sinh. Đó là cơn mưa giông dữ dội, là ngọn lửa rừng rực cháy trong ánh mắt cô gái tầng một, là hai đốm sáng óng ánh màu hồng ngọc của con chim bồ câu. Đó là ngọn lửa Thảo Miên dùng để tự thiêu tại cổng vòm, là dòng suối rửa sạch những ô uế trên thân thể người đàn bà khi giã từ kiếp bán trôn nuôi miệng, là ngọn lửa của lá thư Việt đốt tại mộ bố như một cách kết thúc quá khứ đầy những hận thù chồng chất...

Sáng tác của Tạ Duy Anh mang tính luận đề rất rõ và việc xây dựng hàng loạt biểu tượng là một phương thức để nhà văn triển khai luận đề của mình. Ở một mức độ nào đó, những biểu tượng đã giúp tăng chiều kích cho tác phẩm trong việc gợi mở trí tưởng tượng, buộc người đọc phải suy ngẫm để đón nhận những thông điệp của tác phẩm thay vì đọc một cách hời hợt. Lựa chọn con đường phản ánh trực diện mặt trái của cuộc sống và góc khuất trong tâm hồn con người, cùng với những nỗ lực đổi mới trong cách viết, sáng tác của Tạ Duy Anh có những cuốn nặng nề, ngột ngạt, gây ám ảnh bởi những cái xấu xa, bỉ ổi, tha hóa. Nhưng giữa bề bộn, ngổn ngang những thù hận, những lời nguyền cay nghiệt, ta vẫn bắt gặp bóng dáng của thiên thần cùng với ánh sáng của niềm tin, của sự trong sạch, bao dung, vị tha và niềm hi vọng vào sự phục thiện của con người.

Đ.H.T                                 
 

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *