Chân dung văn

9/10
11:05 AM 2018

BÍ THUẬT CỦA NGHỀ NGHIỆP

Ma Văn Kháng 1. Người muốn là xạ thủ bắn súng, cần có bàn tay to, ngón tay dài. Lực sĩ cử tạ chân thường ngắn, lưng thường dài. Tất nhiên cầu thủ bóng truyền bóng rổ dứt khoát là phải có chiều cao vượt trội rồi. Đó là nói về cái tố chất bẩm sinh nhìn bề ngoài của các nghề nghiệp.

Còn trong nghề nếu muốn thành tài phải qua những năm tháng rèn tập cơ cực thê nào thì chắc cũng là điều nhờ thông tin trên ti vi hàng ngày mà nhiều người  cũng đã biết.
            Nhưng, thật là cực hình khủng khiếp nếu không được ăn mặn 3 tháng liền, để cơ bắp hiện lên sắc nét. Lúc ấy người uể oải, mệt mã rã rời, mồ hôi nhạt như nước lã. Có đêm nằm mơ được ăn bánh mì chấm nước mắm liền bừng thức, chao ôi là chao ôi sao mà  ngon quá thế! Đó là tâm sự, là ý chí rèn luyện phi thường của các lực sĩ thể hình mà nhiều  người như tôi như anh chưa hề được biết. Một bí thuật nghề nghiêp!


            Năm 2011 vận động viên Nguyễn Thị Ánh viên, thành viên của Câu lạc bộ bơi Trung tâm TDTT Quốc phòng 4, đoạt 10 huy chương vàng trong 10 nội dung thi đấu tại Giải bơi lội các nhóm tuổi vô địch toàn quốc. Và cô được gọi thẳng vào đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games tại Inđônêxia. Tại lần xuất ngoại đầu tiên này, cô đoạt 2 huy chương Bạc khi mới 15 tuổi. Sau đó lần lượt lập thành tích xuất sắc tại các đường đua xanh châu lục và thế giới, nên đến SEA Games 2015, cô đã vươn tới đẳng cấp hàng đẩu Đông Nam Á. Nguyễn Thị Ánh Viên. Một Mychael Phelps, huyền thoại bơi lội Mỹ của Việt Nam. Báu vật của bơi lội nước Việt: Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô gái vàng. Siêu Kình ngư nước ta! Cô gái tiền tỷ! Viết lịch sử ở tuổi 19…! Đó là lời lời châu nhọc hàng hàng gấm thêu chạy dài trên đầu các trang báo nước ta vào những ngày vinh quang của cô.
Có nhiều nguyên nhân giải thích thành công vượt trội của Ánh Viên về lĩnh vực này. Trong đó phải kể là tố chất tuyệt vời bẩm sinh của cô mà các nhà tuyển trạch đã phát hiện ra và đưa cô vào lò đào tạo. Cô có chiều cao lý tưởng 1m72. Cô có độ nổi và bám nước rất cao, thêm nữa, cô sở hữu sải tay cực dài: 1m98,  nghĩa là chỉ kém sải tay của Phiels 4cm.
Thế còn chi phí và khổ luyện của cô? Chi phí một năm cô tập luyện ở Mỹ là 100.000 đô la. Để đảm bảo đủ năng lượng khoảng 4000 calo mỗi ngày, cô phải được/ phải ăn 1 ki lô thịt bò, 50 con tôm, một đĩa mì to, một đĩa rau trộn, gần một lít sữa tươi, chưa kể hoa quả các loại. Mỗi ngày cô phải rèn luyện 6,7 tiếng đồng hồ! Nghĩ mà sợ!

2.
            Với các bộ môn nghệ thuật nói chung và nghề văn nói riêng xem ra chắc cũng thế thôi! Cầm cuốn sách trên tay, đọc mấy trăm trang xong, gấp lại, hay hay dở thì cũng thế là xong, nhẹ tênh tênh, có biết đâu, chính nhà văn ta nhiều khi cũng không tính đếm được hết những nhọc nhằn khổ ải để có được sản phẩm của mình. Nhẩn nha, kể lại thì có khi phải viết cả trăm trang sách, vì công sức bỏ ra cho từng ấy câu chữ chẳng sao kể cho xiết. Vì, ồ không hiểu hồi ấy tại sao mình lại viết được một câu một đoạn thú vị như thế. Một câu, một đoạn mà bây giờ cho ngồi cả ngày viết cũng không ra đâu nhỉ? Ôi cái bí ẩn của nghề văn e rằng có cho dò tìm cả đời cũng chưa chắc đã thấu! Vậy hãy liều mình một phen xem sao.
Cô D.Th, một cây bút trẻ viết Tản văn cho báo Pháp Luật và Xã hội, đã 5,6 năm, một hôm gọi điện cho tôi: Bác ơi! Bác góp ý cho cháu với. Cháu viết: 50 Tản văn của tôi trong tập này là 50 tâm sự, 50 nỗi niềm, 50 trăn trở, 50 nỗi lòng. Như thế có thừa chữ không? Vậy cháu bớt đi 50 nỗi lòng để khỏi trùng lặp cũng được bác nhỉ? Tôi nói: Thế là D.Th đã bước vào công việc một nhà văn chuyên nghiệp rồi đấy.
Nhà văn Trịnh Đình Khôi gọi điện cho tôi nói: Ông K.ơi. Tôi đang viết một câu như thế này: Với cuốn“Thương nhớ 12”, Vũ Bằng đã chứng tỏ, ông không phải là người... Người gì thì tôi chưa biết chọn từ gì cho đúng, cho hay đây. Chẳng lẽ là: người không tầm thường, người vô trách nhiệm với cuộc đời, người buông tuồng à? Ông thử tìm hộ một từ đích đáng nhé!
Hiểu ý nhà văn họ Trịnh rồi. Nghĩa là cần có một sự chiêu tuyết, một sự giải nghi về tư cách cho Vũ tiên sinh đây. Nhưng chọn từ gì đây cho thích hợp, cho đúng, cho hay? Cả một tuần lễ liền tôi loay hoay.  Ướm thử: Ông không phải là một cao nhân dật sĩ. Ông không phải là một khách giang hồ giang há. Ông không phải là phường giá áo túi cơm… Thấy vẫn không ổn. Thì cuối tuần ấy, Khôi bất ngờ gọi điện. Và cả hai chúng tôi cùng vỡ òa vì sung sướng: Với cuốn “Thương nhớ 12”, Vũ Bằng đã chứng tỏ, ông không phải là người ngôn hành bất nhất… Câu này là kết quả sau nhiều ngày lao trâm khổ tứ tìm tòi vật vã của chính nhà văn Trịnh Đình Khôi!
Trong đời văn của nhà văn nào mà không có ít ra là một lần như thế! M.Glagkov, nhà văn Nga Xô Viết, tác giả tiểu thuyết Xi măng nói: Trên đời, không có dày vò nào ghê gớm bằng sự dày vò của ngôn từ. Còn G. Marquez thì nói: Nhà văn là người làm việc với từng từ một!
Trong số các nhà văn ta lớp trước, Tô Hoài và Nguyễn Tuân là hai bậc kỳ tài về sử dụng ngôn ngữ và có ý thức rất rõ ràng về điều đó. Nguyễn đã từng nói: Ta phải đóng góp vào cái phần rất lớn của ta là tiếng nói Việt Nam. Đó là cái hương hỏa, là kho báu cha ông để lại, phải đóng góp và phát triển. Lao động nghệ thuật là phải có sáng tạo. Dù chỉ “tí tị”. Một ngày một chữ, một tháng một câu, một năm một trang cũng là đóng góp. Thí dụ tiếng Việt có một vạn từ, mình thêm một vạn linh một từ là có phần đóng góp. Sáng tạo còn ở khía cạnh cũng bấy nhiêu từ nói lại nhưng tìm một cách nói để tiếng ấy sinh động hơn…
Một lần khác, tác giả Sông Đà nói: Lao động nghệ thuật phải làm cho người ta thấy cụ thể. Làm cho người ta thấy đường nét, hình khối, mùi vị… Mình phải làm cho người ta thấy cái thơm của câu văn vì đó là cái thơm của cuộc đời.
“Nói đi đôi với hành”. Đây là một câu tả cảnh Tây Bắc hùng vĩ của Nguyễn: “Cứ thử tưởng tượng mà nghĩ rằng Tây Bắc là một cái biển hồ to lớn mà  núi non là những con song đã khô chắc lại vì dâu bể các đời qua…
Trang 141 của cuốn Nguyễn Tuân, bậc kỳ tài sáng láng văn chương, xuất bản quý II 2018, PGS,TS  Đoàn Trọng Huy nhận xét: Nguyễn Tuân sử dụng bằng hết vốn từ ngữ sãn có, đưa thêm vào đó nhiều sắc thái và nghĩa mới, hơn nữa còn sáng tạo mới theo quy luật ngôn ngữ tiếng Việt. Vì vậy có thể nói đến một kho chữ nghĩa, một “từ điển thuật ngữ” Nguyễn Tuân. Chứng minh cho nhận xét nọ, tác gỉa  dẫn ra cả một loạt ví dụ về tài năng độc đáo của Nguyễn trong việc đặt câu, sử dụng từ ngữ, nhất là ngữ dụng, rất Việt Nam, rất thời sự, được cập nhật liên tục, không mang tính sách vở. Chẳng hạn, phi công Mỹ, ngoài từ giặc lái, còn được nhà văn gọi bằng một loạt tên: thằng lái, ác điểu Mỹ, tên cướp trời, tên giặc trời, thằng vân phỉ…
Ngôn ngữ, công cụ của nhà văn, nơi biểu hiện tài năng, khả năng tồn tại riêng của nhà văn!

3.
            Hội họa hiện đại Trung Hoa có họa sĩ Từ Bi Hồng chuyên vẽ ngựa. Ở Việt Nam, họa sĩ chuyên vẽ ngựa có nhẽ là Lê Trí Dũng. Một lần có người hỏi ông: vì sao lại vẽ ngựa? Họa sĩ Lê Trí Dũng đáp: Tình cờ thôi. Một lần tôi vẽ bức tranh Thúy Kiều và Từ Hải. Có một khách ngoại quốc đến mua. Hỏi vì sao mua? Ông đáp: Bức tranh vẽ hai tài tử giai nhân đều đẹp. Nhưng tôi mua là vì thích hình con ngựa ông vẽ ở phía xa xa kia. A thì ra là vậy. Phát hiện ra đặc sắc của tôi là công chúng. Từ đó tôi vẽ ngựa!... Nói  đoạn, họa sĩ  ngưng một lát rồi tủm tỉm thêm: Như vậy, có lẽ do kiếp trước tôi là ngựa nên con vật này đã ám ảnh tôi. Tôi thấy mình có duyên với nó. Hơn nữa, ngựa là con vật gần gụi với con người hàng ngàn năm nay rồi. Ngựa  sát cánh với con người. Từ chiến tranh đến cày ruộng, vận tải, di chuyển, giải trí. Về mặt hình thể, ngựa  lại là con vật hoàn hảo, đẹp đẽ nhất. Bạn có biết câu nói này của Từ Bi Hồng: Trên đời không gì đẹp bằng đàn bà khỏa thân và ngựa phi trên đồng cỏ!
            Tính tới nay, họa sĩ tài năng này đã vẽ cả ngàn con ngựa. Mà mỗi con một kiểu, không con nào giống con nào. Mà mỗi con chỉ vẽ trong 3 phút. Hỏi: Vì sao vẽ nhanh thế? Đáp: Vẽ càng nhanh chuẩn bị càng lâu.  Lâu vì phải tập trung cảm xúc để từ cái bình thường bứt ra trở thành cái phi thường. Nghệ thuật là cái phi thường khởi nguyên  từ cái bình thường.
            Nghệ thuật, văn chương là cái duyên trời cho. Cho ai người đó được. Không suy bì tị nạnh được. Nhân tạo khó mà thành!      

 3.
Khái, một họa sĩ tương lai từ lúc nhỏ đã thích vẽ. Được cái vẽ cái gì giống cái ấy. Bố Tít có cái miệng thổi lửa. Mẹ Phít có đôi má bánh đúc. Em Xíu có hàm răng xún. Trong tranh Khái vẽ tất cả đều y hệt.   Bố mẹ thấy Khái thế lấy làm mừng. Nghĩ con có năng khiếu hội họa, hết bậc phổ thông tìm thầy để Khái theo học.
Thầy là một danh họa. Buổi đầu, thầy hỏi Khái: Em đã vẽ được những gì cho thầy xem. Khái đưa thầy bức vẽ con mèo Múp. Bố Khái đưa đẩy: Dạ, thưa thầy, cháu nó vẽ y sì con mèo Múp tam thể ở nhà. Thầy gật đầu. Rồi đến nhà xem con Múp. Trở về thầy nói: Y hệt con Múp thật. Em rất khéo tay. Em có óc quan sát. Nhưng như thế là có thêm một con Múp nữa là hai. Chứ không thêm một tác phẩm nghệ thuật nào.
Khái và Bố đều nhíu mày khó hiểu. Vẽ giống trăm phần trăm mà lại bảo không phải là họa phẩm là thế nào. Từ đó, Khái theo lời bố, bỏ thầy danh họa không học nữa. Rồi cứ cặm cụi một mình vẽ. Vẽ! Vẽ! Vẽ! Và trở thành một họa sĩ làm việc ở Phòng Văn hóa một tỉnh nhỏ.
Năm 40 tuổi. Khái mở Triển lãm riêng lần đầu. Trong số tranh triển lãm có bức vẽ một phụ nữ ở tư thế sắp quay đầu lại, được rất nhiều người  trầm trồ ngắm nghía. Lạ nhỉ, bức này mình vẽ ở vị trí đứng sau người phụ nữ, chứ có gì đặc biệt đâu. Khái nghĩ. Và không thể ngờ, bức tranh mầu nước Acrylic nọ được đặt giá rất cao. Càng không ngờ, người dặt giá cao lại chính là nhà danh họa đã có lần Khái định theo học.
- Thưa thầy, thầy có thể cho em biết vì sao thầy lại đánh giá cao bức tranh ấy không ạ?
Nghe Khái hỏi, bậc danh họa đáp:
- Anh thử ngắm bức tranh đó xem, có phải là anh có cảm giác phấp phòng rằng, không rõ, người phụ nữ ấy khi quay hẳn lại thì đẹp đến thế nào không? Nghệ thuật chỉ là nó khi người thưởng thức là đồng tác giả. Chỉ là nó khi độc giả, khán giả, thính giả cùng với tác giả hòa tan trong cùng một mối xúc động. Khi điều không nói ra. Ở thể vô hình vô ảnh thì khi ấy nghệ thuật xuất hiện. Họa sĩ vẽ bằng con tim, anh bạn à.

4.
Chuyện cổ kể rằng: Phó mộc tên là Khanh đẽo gỗ làm cái giá. Cái giá làm thành, người xem kinh ngạc như quỷ thần làm ra. Quan họ Lỗ trông thấy liền hỏi: Người làm bằng thuật gì mà có được cái chế phẩm khéo thế? Phó mộc Khánh đáp: Thưa, tôi là kẻ thợ thuyền có thuật gì đâu! Tuy vậy cũng có một cách. Khi sắp làm cái giá, chưa từng làm tổn khí, phải chay tịnh, tĩnh tâm. Chay tịnh 3 ngày, không dám nghĩ đến chuyện mừng thưởng, tước lộc. Chay tịnh 5 ngày, cũng không hề nghĩ đến chuyện khen chê khéo vụng. Chạy tịnh 7 ngày thì im phăng phắc, quên cả chân tay hình hài của mình, lúc này đến công thự triều  đình cũng không có trong lòng. Chuyên tâm vào ngón khéo mà làm sạch mọi bận tâm ra ngoài. Bấy giờ mới vào rừng, xem tính chất hình hài của gỗ cho thật thích hợp, cái giá hiển hiện lên trước mặt mới dám làm. Nếu chưa được thế thì thôi.
Rốt cuộc ý nghĩa của câu chuyện là: Muốn sáng tạo ra một giá trị thẩm mỹ đích thực thì phải thoát ra khỏi đầu óc danh lợi, thậm chí quên mình, nghĩa là vô tư tĩnh tâm một cách tuyệt đối.

5.
Hồi những năm cuối 60 đầu 70 của thế kỷ trước, mới tập tọng viết lách, nghe Chế Lan Viên đi Liên Xô về nói: Hội Nhà văn toàn Liên bang Xô viết có 5000 hội viên, nhưng sẽ chỉ còn lại 4,5 ông là may mắn rồi. Nghĩa rằng, đặc thù của nghề văn là ở nơi xuất phát thì đông nhưng chỉ rất ít người tới đích. Còn Nguyễn Đình Thi, năm 1970 gì đó tiếp bọn tôi, một lũ lĩ các nhà văn trẻ từ các tỉnh về họp Hội nghị các cây bút trẻ, nói: Cả đời tôi chỉ mong có được một truyện ngắn, một bài thơ được mọi người nhớ. Lúc ấy tôi thấy trong lòng đầy tự ái: Các ông này ra điều ta đây, cứ hay quan trọng hóa vấn đề! Bây giờ già rồi, trải nghiệm rồi, đọc được nhiều rồi, nghĩ lại mới thấy đúng là viết văn đến độ nào rồi mới biết thế nào là nghề văn là văn chương. Lại nhớ câu nói của bạn tôi, nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma nổi tiếng: Nói thật là tôi đến giờ lắm lúc cũng chưa hiểu thế nào là văn chương. Nhắc đến câu nói của Nguyễn Khắc Trường, lại nhớ câu chuyện cổ nói về một người tên là Bao Dinh làm nghề mổ trâu. Chuyện kể rằng: Bao Dinh làm nghề mổ trâu đã lâu năm. Ông nói: Ban đầu, lúc mổ trâu, không con nào không phải là trâu. Sau ba năm hành nghề, ông lại nói: Chưa thấy con nào là trâu toàn vẹn cả! Nghe vậy mọi người đều ngớ ra không hiểu ý tứ của Bao Dinh là thế nào. Mãi sau ngẫm nghĩ mới hiểu rằng. Ba năm sau, thạo nghề rồi, người ta mới có thể thông thuộc đến chân tơ kẽ tóc đối tượng. Chà!
Bây giờ cuối đời rồi, viết cả mấy chục cuốn sách rồi, vậy mà bắt đầu viết tiếp một cái gì, vẫn thấy chả tự tin tẹo nào, vẫn thây hoang mang lắm! Và thú thật, bây giờ mới thấy được, không phải chỉ là cái ngọt ngào, mà chính là cái cay đắng nghiệt ngã ở cái nghề văn của mình. Thú nhận này của tôi gặp cái khắc khỏaỉ của Văn Chinh, một nhà văn kỹ tính và tinh quái khi  nghe anh nói rằng: Tôi học viết văn vào lúc người ta dạy cho biết văn học có thể can dự vào thế sự và vào việc hoàn thiện con người. Giờ tóc đã hoa râm, tôi thấy hiển nhiên là ngòi bút mình bất lực… Ngước nhìn lên, thấy cụ L.Tolstoi già nua khóc bảo ông M.Gorky hăm hở rằng: “Anh cứ sống đi rồi thấy rằng, nó, con người vẫn thế ”. Lại toát mồ hôi nhủ rằng phát hiện thêm về con người là khó như tìm ra một hành tinh khác…
“Núi cao chi lắm núi ơi. Che khuất mặt trời chẳng thấy người yêu” (Ca dao)

Nguồn Văn nghệ số 39/2018

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *